06-07-2020
Chiều ngày 29/6/2020, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Tiền Giang tổ chức hội thảo cấp Khoa với nội dung “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của khoa NN&CNTP”.
Đến dự buổi hội thảo, Khoa NN&CNTP vinh dự được đón tiếp TS. Ngô Tấn Lực - Nguyên Hiệu trưởng nhiệm kỳ đầu và TS. Phan Văn Nhẫn - Nguyên Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2 trường Đại học Tiền Giang; TS. Lê Hữu Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, viên chức có viết bài và quan tâm và đông đảo sinh viên Khoa NN&CNTP cùng tham dự.
Từ trái qua: TS. Ngô Tấn Lực, TS. Lê Hữu Hải và TS. Phan Văn Nhẫn tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, TS. Ngô Tấn Lực đã chia sẻ nội dung khai thác hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ một cách thực chất để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo ở khoa NN&CNTP. Theo thầy “Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một cuộc cách mạng trong đào tạo. Mục tiêu của mỗi tín chỉ là một thành tố của mục tiêu học phần; tới phần mình mục tiêu của mỗi học phần tạo thành cây mục tiêu của một chương trính đào tạo, thường được thể hiện thành chuẩn đầu ra, Chuyển từ đào tạo niên chế sang hệ thống tín chỉ dễ mắc sai lầm là cắt gọt cơ học một chương trình đào tạo, nội dung học phần có sẵn rồi ấn định mỗi học phần có mấy tín chỉ. Khi đó tín chỉ chỉ là một thời lượng không hơn không kém. Kết quả là bình mới mà….rượu cũ”. Ngoài ra, Hội thảo còn được nghe thầy chia sẻ những kinh nghiệm giảng dạy và quản lý trong những năm thầy còn công tác tại Trường Đại học Tiền Giang. Thầy cũng đã đưa ra một số định hướng nghiên cứu về các sản phẩm nông nghiệp cho GV và SV khoa NN&CNTP thông qua những nguồn nguyên liệu tiềm năng của địa phương như các sản phẩm về cây dừa ở Bến Tre, thanh long ở Chợ Gạo, mít và sầu riêng ở Cai Lậy, … Đây là dịp để viên chức Khoa NN&CNTP trao đổi và học hỏi được những kinh nghiệm quý báu mà thầy đã chia sẻ.
TS. Phan Văn Nhẫn cũng đánh giá cao những thành quả mà Khoa NN&CNTP đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời thầy cũng gợi ý một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm trong thời đại cách mạng công nghiệp. Qua đó thầy cũng mong muốn Khoa NN&CNTP biết áp dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp, tiếp cận khoa học – công nghệ để đổi mới chương trình đào tạo, cách dạy, cách học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo - một động lực thu hút mạnh mẽ người học tới trường. Có như vậy thì Khoa mới chủ động nắm lấy thời cơ để phát triển, sự tụt hậu trong giảng dạy, nghiên cứu sẽ làm cho đội ngũ giảng viên quay lưng với Khoa và người học sẽ rời bỏ nhà trường.
Đại biểu là giảng viên và sinh viên cùng tham dự Hội thảo.
Hội thảo cũng đã nghe ThS. Nguyễn Vân Ngọc Phượng trình bày về quá trình phát triển chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm theo hướng tiếp cận CDIO. ThS. Nguyễn Ngọc Chi – GV của khoa cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và gợi ý một số biện pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngành Công nghệ sinh học tại Trường Đại học Tiền Giang. Ngoài ra, hội thảo còn nhận được những bài tham luận và những đóng góp ý kiến quý báu từ quý thầy cô là viên chức quản lý ở các đơn vị và giảng viên trong khoa.
BTC Hội thảo tặng hoa cám ơn TS. Ngô Tấn Lực và TS. Phan Văn Nhẫn.
Ban tổ chức Hội thảo cùng chụp hình lưu niệm với đại biểu và các giảng viên của Khoa.
Thông qua các bài tham luận và ý kiến đóng góp từ buổi Hội thảo, ThS. Lê Thị Kim Loan - Phó Trưởng khoa phụ trách - đã hứa hẹn sẽ cùng tập thể giảng viên Khoa NN&CNTP biến lý thuyết thành hành động để đưa các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của GV và SV không ngừng phát triển; Khoa NN&CNTP là nơi cung cấp các sản phẩm đào tạo có chất lượng cho xã hội đồng thời cũng là môi trường đưa các sản phẩm nghiên cứu vào môi trường sản xuất thực tế nhằm thu hút sự quan tâm của học sinh, sinh viên trong giai đoạn tuyển sinh năm học 2020-2021 và các năm học sau này.
ThS. PHẠM ĐỖ TRANG MINH
Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm