.: Học Bác tinh thần thể dục, rèn luyện thân thể qua bài báo sức khỏe và thể dục :. 

Thông báo

>> xem thêm

Giới thiệu

Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:

Chia sẻ

Học Bác tinh thần thể dục, rèn luyện thân thể qua bài báo sức khỏe và thể dục

03-05-2022

 

Ngày 27-3-1946, trên báo Cứu quốc số 199, bài viết Sức khỏe và thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với đông đảo đồng bào nước ta, khích lệ mọi người cùng nhau luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Bài viết ngắn gọn, giản đơn nhưng đã truyền đi thông điệp tích cực để nhân dân chú ý hơn đến việc rèn luyện thân thể. Tinh thần luyện tập thể dục từ bài viết của Bác vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là lời nhắc nhở, động viên quý báu truyền lại cho thế hệ trẻ ngày nay.

Năm 1946, khi nhà nước Việt Nam mới vừa ra đời với bộn bề những khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta chèo lái con thuyền cách mạng, vững vàng vượt qua, giữ nguyên bờ cõi núi sông mà các vua Hùng để lại. Trong bối cảnh nước nhà còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước cùng nhân dân đang chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc nhở đồng bào rèn luyện sức khỏe, khỏe để giữ nước.

“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe.

Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe.

Bộ Giáo dục có Nha Thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khỏe.

Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. 

 Bằng lời văn ngắn gọn, mộc mạc, gần gũi, Hồ Chí Minh chỉ ra cách rèn luyện sức khỏe bằng cách tập thể dục hàng ngày. “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Và việc tập thể dục như thế thì rõ ràng là “không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được”. Hơn thế, đồng bào ta bấy giờ còn đang ra sức giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới thì việc rèn luyện sức khỏe chính là bổn phận của người dân yêu nước. Kết thúc bài báo, Bác nhẹ nhàng nhắn nhủ: “Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”. Không chỉ có thế, Bác còn cho biết: “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Và quả thực, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng trong nói đi đôi với làm, thậm chí là làm nhiều hơn những gì Người nói. Ngay từ khi đang hoạt động cách mạng ở các nước phương Tây, vào mùa đông lạnh giá, Người vẫn đều đặn dậy sớm tập thể dục tay không, kết hợp với tập các loại tạ và dây thun. Lúc ở Trung Quốc, Bác vẫn tập luyện thể dục đều đặn. Bác tập Thái Cực quyền và chạy bộ 4-5 km, rồi xuống sông tắm cho dù có hôm trời rất giá rét. Ngay sau khi đất nước giành độc lập, mặc dù bận trăm công ngàn việc, Người vẫn giữ nền nếp dậy sớm tập thể dục. Bác thường xuyên cùng cán bộ, chiến sỹ rèn luyện thể lực bằng cách chạy, đi bộ, bơi lội, leo núi, đánh bóng chuyền… Trên bàn làm việc của Bác bao giờ cũng có hai hòn đá cuội nằm vừa gọn trong tay. Lúc đọc sách, Bác thường bóp hòn đá để luyện gân tay. Khi tuổi càng cao, sức yếu dần đi, sáng sáng Bác vẫn tập đi bộ đều đặn. Có khi chân bị tê thấp, rất yếu, Bác vẫn tập đi từng bước, từng bước, hoặc ngồi tĩnh tại luyện khí công.

Sự kiên trì, chăm chỉ luyện tập thể dục của Bác là tấm gương sáng, truyền thêm động lực để giới trẻ ngày nay học tập, làm theo. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hoành hành thời gian qua ở trong nước và trên thế giới, mọi người dân có lẽ đều nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân. Do đó, luyện tập thể dục, rèn luyện sức khỏe là hết sức cần thiết đối với mọi người, mọi lứa tuổi. Bởi sức khỏe không phải chỉ giữ gìn là đủ, mà sức khỏe còn cần được rèn luyện một cách bền bỉ, kiên trì thì mới lâu dài và ngày càng được nâng cao./.

 

                                                                                                                                  Lê Thị Ánh Vân  - Khoa LLCT-GDQP&TC

 

Chú thích: (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, tr.241.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập (tập 4), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. https://nvhtn.org.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-viec-ren-luyen-than-the/

 

 

 

Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất