CNTP;
Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:
08-03-2024
AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI VIỆT NAM VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA NGÀNH CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM TRONG CUỘC SỐNG
Trong những năm gần đây, hàng loạt vấn đề có liên quan đến thực phẩm làm cho cộng đồng thế giới lo ngại. Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), nhân loại bước vào thế kỷ mới thì gánh nặng an toàn thực phẩm ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn đặc biệt là ở các nước nghèo, đông dân. An toàn thực phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có những yếu tố vượt khỏi tầm kiểm soát của con người hiện nay. Đó cũng chính là những thách thức trong công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhiều nước trong đó có nước ta.
Sáng ngày 03 tháng 01 năm 2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm. Theo báo cáo, năm 2022 cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, có 18 người tử vong. Các số liệu này tiếp tục tăng trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, hơn 2.100 người bị ngộ độc và 28 người tử vong, đặc biệt đã xuất hiện ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh độc tố botulinum (loại độc tố thần kinh (neurotoxin) rất nguy hiểm và hiếm gặp, có 7 type A, B, C, D, E, F, G. Thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent do Canada sản xuất được sử dụng để giải độc tố botulinum có giá khoảng 6.300-8.000 USD/lọ và bảo quản dưới -15oC).
Hình 1. Người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm (hình minh họa) |
Hình 2. Một số loại thực phẩm dễ bị ô nhiễm (hình minh họa) |
Ngày 17 tháng 01 năm 2024, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 16/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Cụ thể, báo cáo của Bộ Y tế đã tổng hợp tình hình công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong toàn quốc, bám sát các nội dung quản lý nhà nước theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, được nhiều bộ, ngành thống nhất. So với các năm trước đây, các mặt công tác về an toàn thực phẩm năm 2023 đã được triển khai khá đồng đều, nhất là triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Số vụ việc mất an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân giảm. Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề hết sức phức tạp và đáng báo động. Xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại nhiều loại thực phẩm, hình thức sản xuất kinh doanh thực phẩm mới (như quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý. Vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan chưa được phân định rõ ràng. Tuyên truyền về an toàn thực phẩm vẫn chủ yếu mang tính thời vụ. Năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp quận, huyện, cơ sở. Chưa ứng dụng được công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm.
Do đó, trong chương trình đào tạo đại học Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Tiền Giang, học phần An toàn thực phẩm được thiết kế, biên soạn nhằm trang bị cho người học:
Về kiến thức:
- Nêu được một số khái niệm về an toàn thực phẩm.
- Trình bày được nguyên nhân, liều lượng gây ngộ độc và triệu chứng ngộ độc do vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm và độc tố tự nhiên có trong nguyên liệu thực phẩm.
- Mô tả tác hại, đặc điểm ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm và độc tố tự nhiên có trong nguyên liệu thực phẩm.
- Liệt kê được các phương pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm và độc tố tự nhiên có trong nguyên liệu thực phẩm.
- Phân tích được nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm và độc tố tự nhiên có trong nguyên liệu thực phẩm.
Về kỹ năng:
- Áp dụng được các phương pháp thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và cuộc sống hàng ngày.
- Tuyên truyền cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, các chất độc tự nhiên có trong nguyên liệu thực phẩm.
Tóm lại, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm sau khi tốt nghiệp cũng sẽ là “một tuyên truyền viên tích cực” nhằm góp phần làm giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm cho gia đình, người thân và cộng đồng trong tương lai.
Nguyễn Ái Thạch
Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm