Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:
18-10-2024
Sáng ngày 9/10, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã diễn ra Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2024 với chủ đề "Nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm - AFS2024" do trường đại học Nguyễn Tất Thành đăng cai và phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam (VAFoST), các trường đại học: Đại học Tiền Giang và Đại học Cần Thơ và sở khoa học công nghệ các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ.
Tham dự hội thảo Trường Đại học Tiền Giang có TS. Lê Minh Tùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường, TS. Lê Thị Kim Loan - Trưởng khoa NN&CNTP cùng một số giảng viên của Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm.
Chương trình có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Lâm – Chủ tịch VAFoST; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đặc biệt là thu hút trên 300 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh và hơn 200 học viên, sinh viên từ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, tổ chức, công ty/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học sự sống, công nghệ thực phẩm và công nghệ sau thu hoạch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến tham gia.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo là diễn đàn về khoa học công nghệ để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng, doanh nghiệp… chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm, thảo luận các thách thức và giải pháp trong việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức đã chia sẻ những giải pháp đổi mới, góc nhìn về nông sản và thực phẩm Việt Nam, cũng như kết nối hợp tác các dự án nông nghiệp.
Các giảng viên Khoa NN&CNTP báo cáo tại hội thảo
Trường đại học Tiền Giang đã có nhiều báo cáo được trình bày tại hội thảo về các vấn đề liên quan đến Ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường trong nông nghiệp và thuỷ sản; Tận dụng tài nguyên phế phụ phẩm nông nghiệp, phát triển nguồn nguyên liệu thực phẩm bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản Việt Nam; Khoa học và công nghệ xanh trong bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm; Phát triển sản phẩm dinh dưỡng an toàn; Công nghệ sản xuất thực phẩm an toàn, dinh dưỡng, thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Thành viên của đoàn Đại học Tiền Giang chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Từ ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón, khai thác nguồn tài nguyên từ phụ phẩm nông nghiệp, đến xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững và phát triển kinh tế tuần hoàn. Các nghiên cứu đã cho thấy tiềm năng to lớn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, những kết quả và đề xuất trong các nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn đối với khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long mà còn mở rộng trên phạm vi cả nước, tạo nền tảng quan trọng cho việc hoạch định chính sách và triển khai các giải pháp cụ thể để xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, bền vững, có khả năng thích ứng với những thách thức trong tương lai.
Nguồn: Tổng hợp
Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm