.: “Bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội ở Trường Đại học Tiền Giang trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” :. 
Chia sẻ

“Bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội ở Trường Đại học Tiền Giang trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”

27-12-2024

Vừa qua, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức Họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Trường :“Bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội ở Trường Đại học Tiền Giang trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” do ThS. Nguyễn Trung Hiếu - Khoa LLCT-GDQP&TC làm chủ nhiệm, ThS. Nguyễn Minh Quân - Trung tâm TVTS&QHDN làm đồng chủ nhiệm và ThS. Từ Thị Trừ - Khoa Kỹ thuật Công nghệ, CN. Lê Thị Hoàng Oanh - Phòng Kế hoạch – Tài chính là các thành viên tham gia thực hiện đề tài.

Hội đồng xét duyệt do PGS.TS. Lê Minh Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang làm Chủ tịch cùng các thành viên khác, gồm ThS. Phan Quốc Thái - Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia - Thành phố Hồ Chí Minh; ThS. Cao Thị Tuyết Loan, ThS. Võ Thị Diệu - Khoa LLCT-GDQP&TC và ThS. Phạm Quốc Thịnh - Chuyên viên Phòng QLKHCN&HTQT, Trường Đại học Tiền Giang.

Tóm tắt nội dung nghiên cứu của đề tài:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với công tác thanh niên, bởi lẽ, Người tin tưởng và đánh giá rất cao vai trò của lực lượng này trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, cũng như sự thành công của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa: “... nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Trong thời gian qua, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội rất quan tâm công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên nói chung, và đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội. Bên cạnh đó, công tác này cũng được Trung ương Đảng, Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong giai đoạn hiện nay, để khơi dậy và phát huy được tiềm lực của thanh niên Việt Nam thì một yêu cầu quan trọng có tính nguyên tắc được đặt ra là phải đào tạo, xây dựng được một đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội với đầy đủ phẩm chất, năng lực cần thiết. Họ là những “thủ lĩnh thanh niên”, giữ vai trò hạt nhân thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, tập hợp thanh niên vào các tổ chức bằng những hình thức, phương pháp linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội, môi trường học tập và công tác.

Tại Trường Đại học Tiền Giang, theo thống kê, đến tháng 4/2023, số lượng chi đoàn là 84, với 3.329 đoàn viên; có 83 chi hội sinh viên, với 3.515 hội viên; số lượng cán bộ Đoàn là 216, cán bộ Hội là 236. Theo Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn Trường nhiệm kỳ 2022 - 2027 xác định, công tác đào tạo, bồi dưỡng, rà soát, quy hoạch cán bộ Đoàn cũng được Đoàn Trường và các Đoàn trực thuộc triển khai có hiệu quả, giúp phát huy được năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn trong công tác và phong trào thanh niên. Tuy nhiên, văn kiện cũng nêu rõ, một số cán bộ Đoàn cấp cơ sở hiện nay chưa thật sự năng động, tích cực phát huy hết vai trò, khả năng…

Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển ngày càng sâu rộng của hội nhập quốc tế, sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là xu thế chuyển đổi số sẽ tạo nên những tác động đa chiều trên nhiều phương diện, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh những tiện ích do công nghệ số mang lại, thì nó cũng tiềm ẩn không ít những nguy cơ, thách thức đối với các hoạt động Đoàn, Hội và những công tác có liên quan. Vì thế, vai trò của đội ngũ cán bộ trong các tổ chức này càng trở nên quan trọng hơn. Đồng thời, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi họ phải thực sự tiên phong, gương mẫu về ý thức chính trị, chuẩn mực trong thực hành về đạo đức, lối sống; đủ uy tín và tư cách của những người “thủ lĩnh thanh niên”.

Vì vậy, việc chọn đề tài “Bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội ở Trường Đại học Tiền Giang trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” vừa có giá trị lý luận và có giá trị thực tiễn đối với công tác cán bộ Đoàn, Hội tại Trường Đại học Tiền Giang.

Thông qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã hệ thống hóa cơ sở lý luận cho việc bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội của Trường Đại học Tiền Giang, bao gồm: 1) Khái niệm ý thức chính trị và đạo đức, lối sống; 2) Vai trò của việc bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống cho cán bộ Đoàn, Hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; 3) Những biểu hiện chủ yếu của ý thức chính trị và đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội trong bối cảnh hiện nay; 4) Bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội - thực chất, chủ thể thực hiện và những nội dung cơ bản.

Nhóm tác giả cũng đã tiến hành khảo sát thực trạng về ý thức chính trị và đạo đức, lối sống của 423 cán bộ Đoàn, Hội ở Trường Đại học Tiền Giang. Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được cần được tiếp tục phát huy thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định cần được khắc phục, bồi dưỡng để hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới.

Thông qua việc xác định những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng và quán triệt các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ, các cấp bộ đoàn, nhóm tác giả đề xuất 5 giải pháp cơ bản cần được quan tâm, triển khai thực hiện một cách đồng bộ trong thời gian tới như sau: 1) Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp giữa các chủ thể bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống cho cán bộ Đoàn, Hội trong Nhà trường; 2) Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các hoạt động bồi dưỡng ý thức chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội của Nhà trường theo hướng thiết thực, chú trọng thực chất; 3) Đẩy mạnh xây dựng môi trường học tập, nghiên cứu, rèn luyện; khuyến khích xây dựng các mô hình mới, cách làm sáng tạo trong sinh hoạt Đoàn, Hội; tăng cường bồi dưỡng các kỹ năng mềm; tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt; kịp thời tuyên dương những gương điển hình, tiên tiến; 4) Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng thời gian và khai thác mặt tích cực của mạng xã hội cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội trước yêu cầu của tình hình mới; 5) Ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong công tác bồi dưỡng và xây dựng Đề án Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội tại Trường Đại học Tiền Giang.

Từ cách tiếp cận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, nội dung của đề tài hệ thống hóa và phân tích, làm sáng tỏ những lý luận cơ bản về ý thức chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện chủ yếu ở đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội ở Trường Đại học Tiền Giang; luận giải và khẳng định đây là những phẩm chất nền tảng quy định chất lượng của người cán bộ, nên cần được quan tâm, bồi dưỡng thường xuyên nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh xã hội hiện nay; những giải pháp được đề xuất trên cơ sở kết quả khảo sát thực trạng tại Nhà trường và theo tinh thần định hướng của các cấp lãnh đạo phản ánh được mối quan hệ biện chứng giữa tính đặc thù của công tác cán bộ Đoàn, Hội ở Trường Đại học Tiền Giang với tính phổ biến của công tác thanh thiếu nhi nói chung; kết quả nghiên cứu có giá trị lý luận quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội ở Nhà trường trong giai đoạn hiện nay.

Từ kết quả nghiên cứu của đề tài, tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của Trường Đại học Tiền Giang có thể tham khảo, vận dụng các quan điểm định hướng và những giải pháp phù hợp, khả thi vào thực tiễn công tác cán bộ Đoàn, Hội trong thời gian tới, như: quán triệt vị trí, vai trò quan trọng của công tác bồi dưỡng ý thức chính trị và đạo đức, lối sống; xác định những nội dung trọng tâm và cấp bách để bồi dưỡng, tập huấn… trong giai đoạn hiện nay.

QUỐC THỊNH

Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế