14-04-2025
Ngày 01/42025, Trường Đại học Tiền Giang tổ chức cuộc họp Hội đồng xét duyệt thuyết minh nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Trường: “Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động đổi mới tại các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ tỉnh Tiền Giang” do Thạc sĩ Trần Phan Đoan Khánh – Khoa Kinh tế - Luật làm chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng xét duyệt gồm: Tiến sĩ Cao Nguyên Thi, Phó Hiệu trưởng - Chủ tịch Hội đồng; và các thành viên khác, gồm Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phong - Thạc sĩ Trần Quang Khôi, Thạc sĩ Võ Thị Thuỷ Vẫn (Khoa Kinh tế - Luật) và Thạc sĩ Đặng Như Ngà (Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế) - Thư ký Hội đồng.
Đổi mới là một khái niệm mới nổi trong những năm gần đây đã thu hút sự quan tâm của các học giả, doanh nhân và chính phủ ở nhiều quốc gia trên toàn cầu. Đổi mới dường như là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công lâu dài của một công ty. Các nhà nghiên cứu công nhận rằng sự đổi mới như một nguồn năng lượng động cho phép các doanh nghiệp phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với công nghệ, nhu cầu của khách hàng và môi trường hoạt động luôn thay đổi để đạt được lợi thế cạnh tranh. Đổi mới tạo ra hàng hóa và dịch vụ mới, khác biệt với chi phí thấp hơn so với hàng hóa và dịch vụ của đối thủ cạnh tranh trong khi vẫn đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách hàng.
Tuy nhiên, hoạt động đổi mới của các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ tỉnh Tiền Giang những năm gần đây gặp rất nhiều thách thức. Thứ nhất, hạ tầng kinh tế của tỉnh vẫn còn đang phát triển và chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế, gây trở ngại cho quá trình đổi mới và phát triển. Thứ hai, nguồn lực còn nhiều hạn chế, trong việc đào tạo lao động có kỹ năng cao và sáng tạo, yếu tố cần thiết cho việc đổi mới. Thứ ba, sự chênh lệch giữa nhu cầu và nguồn cung của thị trường lao động cũng là một thách thức. Nguồn cung lao động có sẵn, không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu của các lĩnh vực đang phát triển. Thứ tư, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đặt ra áp lực lớn trong quá trình đổi mới. Đối mặt với các doanh nghiệp có kinh nghiệm ở các vùng kinh tế lớn của đất nước, các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ ở Tiền Giang cần phải có chiến lược cạnh tranh linh hoạt và hiệu quả. Thứ năm, sự thiếu rõ ràng và ổn định trong các chính sách và pháp luật có thể gây ra sự không chắc chắn cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh. Thứ sáu, thay đổi văn hóa và tâm lý trong cộng đồng doanh nghiệp cũng là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự chấp nhận.
Nhận thấy được tầm quan trọng của đổi mới trong doanh nghiệp, nghiên cứu chúng tôi thực hiện nằm mục đích xác định các nguồn lực thúc đẩy đổi mới trong doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, và xác định nguồn lực nào tác động mạnh nhất đến đổi mới trong doanh nghiệp thương mại, dịch vụ. Nguồn lực thứ nhất, nó nằm ở việc sở hữu và phát triển các nguồn lực độc đáo khó bắt chước. Nguồn lực này chủ yếu nằm ở nguồn nhân lực của doanh nghiệp dựa trên năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp bao gồm kỹ năng, kiến thức, chuyên môn và năng lực của chủ doanh nghiệp. Nguồn lực thứ hai, các chính sách của chính phủ đối với các chương trình hỗ trợ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến những hoạt động đổi mới trong doanh nghiệp. Nguồn lực thứ ba, năng lực hấp thụ cho phép các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tri thức ảnh hưởng đến năng lực đổi mới của họ. Nguồn lực thứ tư là xác định được nhu cầu của khách hàng để thực hiện đổi mới đáp ứng được thị hiếu của thị trường. Đây là những nguồn lực được xác định để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nó đến đổi mới trong doanh nghiệp thương mại, dịch vụ tỉnh Tiền Giang.
Hội đồng đã tiến hành thẩm định mục tiêu, sản phẩm, phương pháp nghiên cứu, dự trù kinh phí thực hiện và các nội dung chi tiết của thuyết minh. Hội đồng đã thông qua thuyết minh đề tài làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện đề tài trong thời gian tới
Đặng Như Ngà - Phòng QLKHCN&HTQT
Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế