18-05-2025
Ngày 15/5/2025, Trường Đại học Tiền Giang tổ chức cuộc họp Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên "Chế tạo gạch bông gió sử dụng hỗn hợp vữa tro trấu, tro bay xỉ lò cao thay thế vữa xi măng" do sinh viên Nguyễn Minh Tường (Lớp ĐH công nghệ kỹ thuật Xây dựng 21, Khoa Kỹ thuật Công nghệ) làm chủ nhiệm đề tài. Giảng viên hướng dẫn: TS. Cao Nguyên Thi (Phó Hiệu trưởng).
Hội đồng đánh giá kết quả gồm: Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng - Phó trưởng Khoa KTCN, Chủ tịch Hội đồng; và các thành viên khác, gồm Thạc sĩ Huỳnh Quốc Bình, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Phong (khoa KTCN), Tiến sĩ Trần Việt Phương Đông (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM), Thạc sĩ Đặng Như Ngà (Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ) Thư ký Hội đồng.
Mục tiêu đề tài là: Chế tạo gạch bông gió không dùng xi măng thông thường mà sử dụng vật liệu geopolymer có thể tận dụng được các phế phẩm công nghiệp như tro bay, xỉ lò cao kết hợp với tro trấu; Xác định được thành phần cấp phối từ các nguyên vật liệu tro trấu, tro bay, xi lò cao; Chế tạo mẫu gạch dựa trên thành phần cấp phối có các tính chất cơ lý thích hợp thông qua các thí nghiệm theo Tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.
- Đề xuất phối trộn geopolymer từ tro trấu, tro bay và xỉ lò cao trong chế tạo gạch bông gió – một loại sản phẩm thường yêu cầu tính thẩm mỹ, độ thông thoáng và độ bền cơ học – là hướng đi chưa phổ biến trong thực tiễn xây dựng Việt Nam. Kết hợp phế phẩm nông nghiệp (tro trấu) và công nghiệp (tro bay, xỉ lò cao) trong hệ vữa geopolymer thay thế hoàn toàn xi măng truyền thống, vừa giảm phát thải CO₂, vừa góp phần xử lý chất thải rắn một cách bền vững. Khảo sát ảnh hưởng đồng thời của hàm lượng tro trấu và tỷ lệ Na₂O đến tính chất vữa, từ đó xác định cấp phối tối ưu, là một hướng nghiên cứu cụ thể, có hệ thống, đóng góp thêm dữ liệu cho lĩnh vực vật liệu geopolymer. Áp dụng vật liệu geopolymer vào sản phẩm kiến trúc thông gió – gạch bông gió, vốn đòi hỏi vừa đảm bảo tính cơ học vừa đạt yếu tố tạo hình.
Hiệu quả của đề tài chế tạo gạch bông gió sử dụng tro bay, xỉ lò cao, tro trấu thay thế vữa xi măng Portland là có thể tận dụng được nguồn phế phẩm công nghiệp như tro bay, xỉ lò cao và nguồn nguyên vật liệu tro trấu trong sản xuất nông nghiệp. Điều này làm giảm đáng kể việc khai thác đá vôi và đất sét để tạo ra xi măng và giảm đi ô nhiễm môi trường của các khí thải và phế thải của quy trình sản xuất xuất xi măng với chi phí cao. Bên cạnh đó có thể tận dụng được tối đa các nguồn vật liệu phế thải từ các nhà máy nhiệt điện như tro bay và xỉ tại các nhà máy luyện thép. Đồng thời sử dụng được chất thải tro trấu của các lò hơi cung cấp nhiệt cho công nghiệp. Qua đó góp phần giải quyết được vấn đề kinh tế và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu hiện nay.
Như Ngà - Phòng QLKHCN&HTQT
Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế