.: Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên “Tiềm năng phát triển du lịch gắn với làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho” :. 
Chia sẻ

Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên “Tiềm năng phát triển du lịch gắn với làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho”

09-06-2025

Ngày 28/05/2025, Phòng QLKHCN&HTQT đã tổ chức đánh giá kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Trường: “Tiềm năng phát triển du lịch gắn với làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho” do sinh viên Lư Duy Khải, lớp Đại học Du lịch 22, Khoa Kinh tế - Luật, làm chủ nhiệm thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của ThS Võ Thị Ngọc Giàu, Giảng viên Khoa Kinh tế - Luật.

Thành viên tham gia hội đồng đánh giá kết quả gồm: Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trang (Phó Trưởng Khoa khoa Kinh tế - Luật) - Chủ tịch Hội đồng cùng các thành viên khác: Thạc sĩ Hồ Đoàn Thùy Mỹ Châu, Thạc sĩ Phan Thị Khánh Đoan, Thạc sĩ Phùng Quang Thái (Giảng viên Khoa Kinh tế - Luật) và Thạc sĩ Lê Thị Hồng Vân (Giảng viên Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế)

Tóm tắt nội dung nghiên cứu của đề tài:

Theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, việc bảo tồn và phát triển làng nghề nhằm giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao năng lực sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cần thiết trên phạm vi toàn quốc.

Tại Tiền Giang, Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 5/01/2023 nhấn mạnh vai trò quan trọng của làng nghề trong chiến lược phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa địa phương, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy nhanh công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn.

Trong số các làng nghề của tỉnh, bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho là một làng nghề tiêu biểu nhưng hiện vẫn thiếu tính liên kết, chưa phát triển mạnh và có nguy cơ mai một. Đồng thời, làng nghề này chưa được gắn với ngành du lịch – một lĩnh vực giàu tiềm năng và có tính lan tỏa cao. Việc liên kết du lịch với làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho sẽ góp phần phát triển làng nghề theo hướng bền vững và hiệu quả hơn. Từ đó, đề tài “Tiềm năng phát triển du lịch gắn với làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho” được lựa chọn nhằm khai thác và kết nối hai lĩnh vực này.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng xét duyệt đã có những ý kiến đóng góp cho đề tài những điểm cần lưu ý chỉnh sửa để hoàn thiện. Kết luận, Chủ tịch Hội đồng đề nghị tác giả tiếp thu toàn bộ các góp ý của hội đồng và nhất trí thông qua. 

Trên cơ sở đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển du lịch tại làng nghề, tác giả đã đề xuất hệ thống giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy du lịch gắn với làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho. Các giải pháp bao gồm: nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng tour tuyến liên kết, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức cộng đồng, bảo tồn kỹ năng nghề, bảo vệ môi trường và đẩy mạnh quảng bá. Đồng thời, đề tài cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cấp thành phố và tỉnh phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các giải pháp.

Đề tài nghiên cứu khoa học góp phần đánh giá và thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch gắn với làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho, cung cấp thông tin về việc phát triển bền vững giữa du lịch gắn với làng nghề bánh - bún - hủ tiếu Mỹ Tho và một số làng nghề khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh thành lân cận trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, kết quả đề tài có thể là tài liệu phục vụ giảng dạy và tham khảo cho sinh viên chuyên ngành Du lịch tại trường Đại học Tiền Giang.

Hồng Vân - Phòng QLKHCN&HTQT

Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế