Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:
19-03-2017
Bạn có mơ ước ngày nào đó sẽ tạo ra những giống mới, áp dụng phương pháp hiện đại để cung cấp nguồn lương thực thực phẩm bổ dưỡng, an toàn và đầy đủ cho mọi người? Tham gia bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên đất đai hữu hiệu?
Nếu bạn trả lời “Có” thì ngành Khoa học Cây trồng (hay còn gọi là trồng trọt) có thể là ngành phù hợp với bạn.
Ngành Khoa học Cây trồng đào tạo kỹ sư nghiên cứu về giống và tất cả các yếu tố làm gia tăng sự phát triển của cây trồng như di truyền, ánh sáng, nước, nhiệt độ, dưỡng chất và phân bón, cũng như những ảnh hưởng ngăn cản sự phát triển của cây trồng như cỏ dại, bệnh và côn trùng,… Bên cạnh đó, người học còn có cơ hội học tập, nghiên cứu về phương pháp chọn tạo và nhân giống cây trồng, các biện pháp bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác các loại cây: Lương thực, cây rau, cây ăn trái, cây màu và cây công nghiệp.
Kỹ sư Khoa học Cây trồng có kiến thức về: Thống kê, xử lý số liệu thí nghiệm, các nguyên tắc di truyền học và chọn tạo giống cây trồng; kiến thức xử lý các vấn đề về đất đai, phân bón, sâu bệnh hại; kiến thức về việc cải tiến và xây dựng quy trình canh tác cây trồng đạt năng suất và chất lượng cao, bền vững,… Với những kiến thức ấy, Kỹ sư Khoa học Cây trồng có thể quy hoạch, định hướng phát triển ngành trồng trọt theo hướng công nghệ cao và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Không những thế, việc phát hiện và quản lý tốt dịch hại trên cây trồng hiệu quả và an toàn cho môi trường; quản lý, điều hành và kiểm soát thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); điều hành trang trại nông nghiệp cũng là những công việc chính của một Kỹ sư Khoa học cây trồng. Bên cạnh thời gian học lý thuyết trên lớp, các buổi thực hành trong phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm, các đợt thực tập tại Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm Bảo vệ Thực vật Phía Nam, Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, các trang trại trong và ngoài tỉnh...thì người học còn có cơ hội tiếp cận thực tế khi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Những đề tài này thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực nuôi cấy mô, phân bón hữu cơ, dược liệu và bệnh học cây trồng.
ThS. Trần Lê Vinh – Trưởng bộ môn CNSH&KHCT giảng dạy tại Trại thực nghiệm nông nghiệp
Những Kỹ sư Khoa học Cây trồng khi ra trường có cơ hội nghề nghiệp phong phú và cũng đầy sáng tạo, thách thức cụ thể như sau:
Theo TS. Lê Hữu Hải, ngành Khoa học Cây trồng vẫn giữ vai trò quan trọng và ngày càng phát triển do sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn giữ vai trò quan trọng, hơn 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc, đất canh tác bị thu hẹp dần và dịch bệnh ngày càng phức tạp. Chúng ta đang từng bước tiến tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường. Do đó, cần nhiều lao động có trình độ trong lĩnh vực trồng trọt để có thể đưa nền nông nghiệp nước nhà lên một tầm cao mới.
Không như những ngành khác đòi hỏi người học phải có những năng khiếu, tố chất đặc thù mới có thể theo học, ngành Khoa học Cây trồng chỉ đòi hỏi người học có tinh thần học tập tốt và yêu thích lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là trồng trọt. “Chính sự yêu thích sẽ giúp sinh viên vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp, cũng như vượt qua quan niệm xã hội cho đây là ngành “chân lấm tay bùn” không cần có trình độ cũng làm tốt” - TS Lê Hữu Hải cho hay.
Sinh viên tham quan thực tế tại Trang trại nho Ba Mọi – Ninh Thuận
Dự kiến trong năm 2017, Trường Đại học Tiền Giang sẽ tuyển 100 chỉ tiêu ngành ĐH Khoa học Cây trồng mã ngành D620110. Mọi chi tiết vui lòng liên hệ: Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm – Km1964, Quốc lộ 1A, Xã Long An, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang – Email: knncntp@tgu.edu.vn – Số điện thoại: 0733.855.351.
Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm