.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh xây dựng Chương trình số 05

08-07-2018

Ngày 21/6/2018, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh xây dựng Chương trình số 05/Ctr-LĐLĐ về Phát triển đoàn viên, thành lập công Công đoàn cơ sở; xây dựng Công đoàn cơ sở  vững mạnh; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước”; các chỉ đạo của Tổng  Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS), xây dựng CĐCS vững mạnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn; Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Tiền Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023; Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh xây dựng Chương trình “Phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn của nhiệm kỳ 2018 – 2023” như sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

1. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, nhất là khu vực ngoài Nhà nước; đa dạng hóa các hình thức tập hợp công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) vào tổ chức Công đoàn.

2. Củng cố, xây dựng tổ chức Công đoàn tăng về số lượng lẫn chất lượng hoạt động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.

  3. Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Công đoàn các cấp; chú trọng tăng tỷ lệ cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên có trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn về tiêu chuẩn, chức danh cán bộ Công đoàn, góp phần nâng cao vị thế tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị.

II. CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU

1. Về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS

1.1 Phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp ít nhất 16.000 đoàn viên; có từ 95 - 98% CNVCLĐ trong doanh nghiệp Nhà nước và ít nhất 85% công nhân lao động doanh nghiệp ngoài Nhà nước vào tổ chức Công đoàn.

 1.2 Thành lập CĐCS, nghiệp đoàn ở tất cả doanh nghiệp có từ 20 công nhân lao động trở lên và đủ điều kiện theo quy định.

2. Về xây dựng CĐCS vững mạnh

Phấn đấu hàng năm có từ 95% trở lên Công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS khu vực nhà nước, 65% CĐCS khu vực ngoài nhà nước đạt vững mạnh.

 3. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, Công đoàn. Trong nhiệm kỳ, có 100% cán bộ chuyên trách Công đoàn có trình độ đại học; trong đó, có từ 15% trở lên có trình độ sau đại học; 100% công chức lãnh đạo, quản lý LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành và Ban chuyên đề có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 95% cán bộ Công đoàn từ tổ phó trở lên được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Công đoàn.  

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS

- Tiến hành điều tra, khảo sát để nắm chắc số lượng đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, dự báo tình hình phát triển. Trên cơ sở dự báo của LĐLĐ cấp huyện, các Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn các Khu Công nghiệp Tiền Giang, các cấp Công đoàn có kế hoạch, đề ra chỉ tiêu phát triển đoàn viên phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, từng cơ sở.

- Thành lập Ban Chỉ đạo, chú ý việc phân công cụ thể cán bộ phụ trách bám địa bàn, kịp thời tham mưu cho Ban Thường vụ trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.

- Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động CNVCLĐ vào tổ chức Công đoàn. Cụ thể như:

+ Ngoài đối tượng chính là CNVCLĐ, cần chú ý tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động để họ nhận thức rõ về tổ chức Công đoàn Việt Nam không chỉ đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mà còn hợp tác với chủ doanh nghiệp tuyên truyền, giáo dục vận động CNVCLĐ thực hiện nghĩa vụ công dân, rèn luyện tác phong công nghiệp, chấp hành nội quy, kỷ luật lao động của doanh nghiệp, thi đua lao động, sản xuất làm cho doanh nghiệp ngày càng phát triển.

+ Tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền như: tổ chức tọa đàm, hội thảo, mở lớp tập huấn, tuyên truyền trên thông tin đại chúng; xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên công đoàn. Phương châm tuyên truyền là “Thiết thực, ngắn gọn, đa dạng, phong phú, dễ hiểu, dễ thực hiện”. Nội dung tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng.

- Quan tâm phát triển đoàn viên ở doanh nghiệp thuộc các khu, cụm công nghiệp; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực ngoài Nhà nước,... Thường xuyên cử cán bộ nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận động thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên.

- Xác định trách nhiệm Công đoàn huyện, Công đoàn ngành trong việc nắm tình hình, tổ chức tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS  theo hướng:

+ LĐLĐ cấp huyện phối hợp với CĐCS xã, phường, thị trấn nắm số lượng, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

+ LĐLĐ cấp huyện chịu trách nhiệm tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ở các doanh nghiệp có đủ điều kiện trên địa bàn (không thuộc ngành).

+ Công đoàn ngành chịu trách nhiệm tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đối với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động mang tính ngành, nghề.

2. Về xây dựng CĐCS vững mạnh

- Tiếp tục thực hiện nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Hướng dẫn số 51/HD-LĐLĐ ngày 24/4/2015 của LĐLĐ tỉnh về Xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, đánh giá chất lượng hoạt động CĐCS và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Tiền Giang, các Chương trình hành động cho tất cả cán bộ Công đoàn các cấp.

- Kiện toàn tổ chức, xây dựng quy chế hoạt động; nghiên cứu hướng dẫn nội dung, phương thức hoạt động đối với từng loại hình CĐCS, nghiệp đoàn.

- Xây dựng CĐCS vững mạnh ở các CĐCS khu vực ngoài Nhà nước, chú ý chất lượng, hiệu quả, quán triệt phương châm: Mọi hoạt động của Công đoàn các cấp phải hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân lao động làm đối tượng vận động.

3. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn

- Lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn hàng năm; chú ý đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, có năng lực, cán bộ nguồn. Dành ít nhất 15% kinh phí Công đoàn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Công đoàn; tranh thủ các nguồn hỗ trợ khác của Nhà nước cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

- Xây dựng Quy định khung tiêu chuẩn, chức danh cán bộ Công đoàn, làm cơ sở cho việc quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ. Căn cứ tiêu chuẩn chung về cán bộ theo quy định của Tỉnh ủy, Tổng LĐLĐ Việt Nam để xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ Công đoàn.

- Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ Công đoàn. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ ngày 04/3/2010 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn giai đoạn 2010 - 2020, Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam. Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn. Nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Công đoàn Tiền Giang.

- Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, tạo nguồn và công tác đánh giá cán bộ Công đoàn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, phát huy dân chủ để lựa chọn, phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ để chủ động xây dựng nguồn cán bộ bổ sung, thay thế; gắn quy hoạch cán bộ với các khâu khác trong công tác cán bộ.

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức và lối sống của cán bộ Công đoàn. Thường xuyên quán triệt Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; quan tâm thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với LĐLĐ tỉnh

- Tham mưu với Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn ở các cấp.

- Thành lập, củng cố Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; giúp Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện cả nhiệm kỳ và hàng năm; đôn đốc, hỗ trợ Công đoàn các cấp trong việc thực hiện.

- Khảo sát, tập hợp số doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên và đủ điều kiện theo quy định để có kế hoạch chỉ đạo LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành tuyên truyền phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS.

- Lập kế hoạch tổ chức và cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, lý luận chính trị, nghiệp vụ Công đoàn hàng năm.

- Tổ chức hội thi nghiệp vụ cán bộ Công đoàn hàng năm để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động của cán bộ Công đoàn chuyên trách.

- Tăng cường đi cơ sở, bám địa bàn, giúp LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành, CĐCS thực hiện tốt kế hoạch phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn.

- Thường xuyên phát động thi đua, gắn chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐCS vào chỉ tiêu thi đua hàng quý, năm; định kỳ tổ chức sơ, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm, động viên khen thưởng và nhân rộng những mô hình tiên tiến.

- Giao cho Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh tham mưu, theo dõi việc chỉ đạo tổ chức thực hiện. Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình.

2. Đối với LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, xây dựng CĐCS vững mạnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Công đoàn hàng năm và cả nhiệm kỳ phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị.

- Phân công cán bộ thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.

- Nâng chất hoạt động của CĐCS, công tác công nhận CĐCS vững mạnh. Thường xuyên nghiên cứu, bổ sung nội dung, biện pháp thực hiện phù hợp với điều kiện hoạt động từng cơ sở; tổ chức các hội thi để nâng cao kỹ năng hoạt động cán bộ Công đoàn cơ sở.

- Phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS.

- Thường xuyên cập nhật số liệu, báo cáo kết quả thực hiện về LĐLĐ tỉnh (qua Ban Tổ chức; hộp thư: bantochucldldtg@yahoo.com.vn hoặc bantochucldldtg@gmail.com) kịp thời, đầy đủ, đúng yêu cầu về nội dung.

3. Đối với Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn

- Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên dựa trên các chỉ đạo, hướng dẫn của Công đoàn cấp trên. Tổ chức tuyên truyền Điều lệ Công đoàn Việt Nam, vận động CNVCLĐ tự nguyện gia nhập vào tổ chức Công đoàn.

- Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, Nghiệp đoàn, Tổ Công đoàn, Tổ Nghiệp đoàn.

- Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp tốt với lãnh đạo đơn vị để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS, góp phần cùng chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

- Các Nghiệp đoàn quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ đoàn viên trong công việc, trong cuộc sống, tuyên truyền, giáo dục đoàn viên chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương.

- Nắm vững tiêu chuẩn xây dựng CĐCS, Nghiệp đoàn vững mạnh, đề ra những biện pháp phù hợp để đạt các chỉ tiêu do Công đoàn cấp trên giao.

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành, CĐCS trực thuộc và các đơn vị trực thuộc thực hiện. Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình.

VĨNH SƠN

Công đoàn