.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Viên chức Trường Đại học Tiền Giang tham gia Hội thảo khoa học cấp quốc gia về văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ

19-08-2020

Ngày 17-8-2020, Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ - thực trạng và giải pháp”, với sự tham dự của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý thuộc các viện, trường trong cả nước. Ban Tổ chức hội thảo cho biết chỉ trong thời gian ngắn đã nhận được 58 tham luận cho thấy vấn đề văn hóa trong phát triển bền vững Tây Nam Bộ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên trong cả nước. Trong đó, viên chức Trường Đại học Tiền Giang tham gia Hội thảo với hai bài viết: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Bóng Rỗi Nam Bộ; Khai thác tiềm năng của chợ truyền thống phục vụ phát triển bền vững du lịch Tây Nam Bộ.

Theo đánh giá của các đại biểu, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, vùng Tây Nam Bộ đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Thực tế cho thấy Tây Nam Bộ là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường trong vùng; ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế và đời sống của hàng triệu người dân vùng Tây Nam Bộ. Sự tác động này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những tập quán, những nếp văn hóa truyền thống của cư dân trong lao động, cư trú, đi lại, ăn uống và vui chơi, giải trí. Từ đó đòi hỏi cần phải có tầm nhìn mới, giải pháp mới để huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế góp phần phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, trong đó yếu tố văn hóa.

PGS.TS. Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, cho biết các tham luận gửi đến hội thảo đã góp phần làm rõ những vấn đề liên quan thực trạng văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển bền vững vùng và đề xuất các giải pháp khả thi. Những chủ đề được phân tích chủ yếu trong các tham luận gồm: xác định mối quan hệ giữa văn hóa Tây Nam Bộ và phát triển bền vững; nhận diện những đặc trưng và giá trị của văn hóa vùng Tây Nam Bộ từ các phương diện: lịch sử vùng đất, ngôn ngữ, tín ngưỡng - tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực, môi trường... của các cư dân vùng Tây Nam Bộ; những bài học kinh nghiệm của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong việc phát huy vai trò tích cực của văn hóa đến sự phát triển bền vững vùng; và phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp khai thác giá trị văn hóa vùng trong phát triển kinh tế, du lịch bền vững vùng Tây Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Theo PGS-TS. Phạm Tiết Khánh, nhiều bài viết công phu, nghiêm túc và có hàm lượng khoa học cao; những nhận định, đánh giá trong các bài viết đều thể hiện rõ tinh thần khoa học, tâm huyết của người viết. “Hội thảo là dịp gặp gỡ quý báu của những nhà khoa học và nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn; là sự tập trung trí tuệ của các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, có uy tín. Những nội dung trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất và kết luận tại hội thảo trước hết sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc xác định thực trạng văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển vùng. Từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho những định hướng, những giải pháp phù hợp phát huy vai trò tích cực của văn hóa Tây Nam Bộ trong phát triển vùng hiện nay; đồng thời đóng góp tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa Tây Nam bộ”- PGS-TS Phạm Tiết Khánh cho biết thêm.

Thay mặt Ban Tổ chức, PGS.TS. Trần Thị An tổng kết: Hội thảo đã nhận được 36 tham luận của các nhà khoa học tại các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu trong cả nước, các nhà hoạt động và quản lý văn hóa tại các tỉnh thành Tây Nam Bộ. Hội thảo đã nghe 4 tham luận và 12 lượt ý kiến phát biểu trao đổi. Các tham luận gửi đến Hội thảo, các tham luận được trình bày, các ý  kiến trao đổi đã phát biểu về thực trạng phát triển văn hóa Tây Nam Bộ và vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ ở các nét đặc điểm chung nhất (văn hóa sông nước, tính mở, tính động, tính giao lưu) đến những giá trị và thực hành cụ thể (sự giữ gìn phương ngữ, thực hành diễn xướng bóng rỗi, làng nghề...). Về tình trạng phát triển văn hóa Tây Nam Bộ, bên cạnh các kết quả được thừa nhận, nhiều đại biểu đã thừa nhận tình trạng “thiếu bền vững”, tình trạng “mai một” hoặc thậm chí “cạn kiệt” các thực hành văn hóa truyền thống, tình trạng biến dạng một số hoạt động văn hóa khi tách khỏi không gian diễn xướng để phục vụ những mục tiêu khác. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thừa nhận một tình trạng là sự biến đổi văn hóa là không thể tránh được, đặc biệt, trong tác động của kinh tế thị trường, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Về vai trò của văn hóa đối với phát triển bền vững vùng, các đại biểu cho rằng, vẫn chưa có những công trình nghiên cứu đánh giá một cách toàn diện và đầy đủ về vấn đề này.

Thực trạng này đặt ra câu hỏi: vậy làm thế nào để phát triển văn hóa bền vững và để văn hóa phát huy tốt vai trò trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ? Các tác giả tham luận và các đại biểu tham dự hội thảo đã đặt vấn đề về việc phải tìm được giá trị cốt lõi và các giá trị mang tính đặc thù của văn hóa Tây Nam Bộ, từ đó, hiểu sâu hơn về giá trị cố kết cộng đồng, tính kết nối liên tục của văn hóa trong lịch sử cũng như sự cố kết các lớp di dân và cư dân tại chỗ ở vùng đất này. Các đại biểu cũng đặt vấn đề phải bàn sâu hơn về tính dung hợp và tiếp biến văn hóa ở Tây Nam Bộ, sự dung hợp và tiếp biến này đã chọn lọc các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân cư để làm nên một bức tranh văn hóa đa sắc mà hài hòa của các chủ thể văn hóa ở đây. Các đại biểu tham dự cũng đã phát biểu sâu về vai trò của tôn giáo đối với vùng Tây Nam Bộ nói chung và nhà chùa đối với cộng đồng người Khmer nói riêng trong phát triển mấy trăm năm qua – một nội dung quan trọng mà chưa có tham luận nào bàn đến trong Hội thảo lần này.

Điểm thống nhất của các tác giả tham luận và các đại biểu tham dự thể hiện ở việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng đời sống văn hóa sống động, muôn màu muôn vẻ của các cư dân Tây Nam Bộ, trên cơ sở quán triệt quan điểm của Công ước của UNESCO về tôn trọng và phát huy sự đa dạng trong các biểu đạt văn hóa (2005) nhằm tìm ra các giá trị cốt lõi, giá trị đặc thù của văn hóa Tây Nam Bộ để lưu giữ và phát huy chúng trong việc tạo nên sự bình ổn xã hội, sự cố kết cộng đồng để vượt qua những thách thức cực kỳ gay gắt đang đặt ra hiện nay, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

VĨNH SƠN