10-06-2021
Trường ĐH Tiền Giang có quyết định thành lập vào ngày 6/6/2005, trên cơ sở sáp nhập Trường CĐCĐ và CĐSP Tiền Giang. Trải qua 16 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã từng bước vượt qua những khó khăn thách thức và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhớ. Trường hiện đào tạo 7.875 sinh viên, học viên; trong đó Trường đào tạo cấp bằng trình độ cao đẳng, đại học là 5.477; Bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp là 1.082, liên kết đào tạo là 1.316 (CH: 52, trình độ khác: 1.264).
Trường hiện có 404 viên chức, giảng viên, trong đó có 27 tiến sĩ, 258 thạc sĩ, 27 nghiên cứu sinh. Về tổ chức bộ máy, Trường hiện có 5 khoa, 7 phòng và 4 trung tâm trực thuộc.
TS. Ngô Tấn Lực chụp hình lưu niệm cùng sinh viên Trường ĐH Tiền Giang.
Nhân kỷ niệm 16 năm hình thành và phát triển, BBT Website xin đăng tải những chia sẻ của TS. Ngô Tấn Lực - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang - người đã cùng với các đồng chí lãnh đạo xây dựng nền móng cho sự ra đời của ngôi trường đại học đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.
TS. Ngô Tấn Lực đón nhận quyết định thành lập Trường ĐH Tiền Giang.
BBT: Là một trong những lãnh đạo (Hiệu trưởng) Trường ĐH Tiền Giang từ những ngày đầu trường mới thành lập và là người đồng hành cùng sự ra đời của Trường ĐHTG, Thầy có thể chia sẻ những kỷ niệm về quá trình hình thành ngôi trường đại học đầu tiên của tỉnh nhà?
TS. Ngô Tấn Lực
Tỉnh ủy có chủ trương “Khôi phục và phát triển Trường ĐH Tiền Giang trong nhiệm kỳ 1995-2000”. Ủy ban Kế hoạch tỉnh (nay là Sở Kế hoạch & đầu tư) có lập “Đề án Khôi phục và phát triển Trường ĐH Tiền Giang năm 1996”. Nhưng đến năm 2000 Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Cộng đồng Tiền giang (CĐCĐTG), là 1 trong 6 trường thí điểm trong cả nước. Năm 2002, Tỉnh ủy tiếp tục đề nghị Trung ương thành lập đại học công lập tại Tiền Giang (vì có tin sẽ là trường ĐH dân lập như ở An Giang). Với tư cách Hiệu trưởng Trường CĐCĐTG, tôi vinh dự được UBND tỉnh giao viết Đề án. Có 3 đề án như vậy trước khi Trường ĐHTG được Thủ tướng có quyết định thành lập (ngày 06/6/2005). Cả 3 đề án đều trên cơ sở hợp nhất hai trường cao đẳng Cộng đồng và Sư phạm Tiền giang.
PGS. TS Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang thăm và chú mừng TS. Ngô Tấn Lực - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang.
Đáng lưu ý là Đề án lần thứ 2 (năm 2003), theo đó Trường có Khoa Y - Dược trên cơ sở sáp nhập thêm Trường Trung cấp Y Tế Tiền Giang. Tuy vậy, khi ra trình Thủ tướng thì Bộ Y tế không đồng ý. Viện lý do đã có đề án nâng Trường Trung học Y Tế thành cao đẳng. Kỷ niệm của tôi là đêm đó tại khách sạn, tôi phải thức gần sáng đêm để bỏ Khoa Y- Dược trong đề án ra. Bạn biết đó, bỏ một khoa ra là thay đổi tính toán rất lớn, từ sinh viên, giáo viên, cơ sở cật chất, tài chính,.. Tuy vậy, không phải phép trừ số học, vì sinh viên Khoa Y - Dược dùng chung cơ sở vật chất, giáo viên (môn chung), bàn ghế,… của các khoa khác nữa. Đây là ưu điểm khi lập thêm khoa Y - Dược. Nếu không sửa ngay trong đêm, sáng hôm sau sẽ hoãn cuộc họp, sẽ mất thêm một chuyến ra Hà Nội nữa của nhiều quan chức cấp tỉnh.
Cuối cùng về lại Tiền Giang, tôi chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng họp buổi sáng hôm đó (ban, ngành, các bộ liên quan). Bản chính sửa được chuyển sang Viện Thiết kế trường học Bộ Giáo dục hoàn tất (thành đề án lần 3) trình các Bộ, Ngành Trung ương. Nói chung cũng gian nan lắm. Đoàn của tỉnh chạy ra chạy vào nhiều lần lắm. Nói chung, sự ra đời của Trường của ĐHTG là thành quả vận động của Tỉnh ủy, Ủy ban và công sức của lãnh đạo nhiều ban ngành tỉnh.
BBT: Đối với nhà trường giai đoạn đầu mới thành lập, những yếu tố nào được xem là khó khăn và thuận lợi đối với sự phát triển của nhà trường về mọi mặt, thưa Thầy?
TS. Ngô Tấn Lực:
Thuận lợi: (1) Dĩ nhiên đây là chủ trương của Tỉnh ủy, có nghị quyết của Đại hội Đảng. Nên từ UBND tỉnh, ban, ngành, Tỉnh ủy, Ủy ban trở xuống đều tuân thủ; (2) Hai trường CĐ khá mạnh, đang hoạt động, có sinh viên, giáo viên và cơ sở vật chất bước đầu; (3) Truyền thống hiếu học của nhân dân vùng Tiền Giang.
Khó khăn chủ yếu là (1) Thiếu đội ngũ GV sau đại học (nhất là trình độ tiến sĩ); (2) cơ sở vật chất quá yếu kém so với yêu cầu tối thiểu của một trường đại học; (3) thiếu quỹ đất xây dựng cơ bản cho một trường đại học tầm cỡ trong tương lai; (4) ngân sách của tỉnh không đủ chi phí cho một trường ĐH nếu không có hỗ trợ của Trung ương.
Tuy nhiên, vì phải cần có một đại học cho vùng bắc sông Tiền (Bến Tre, Tiền Giang, Long An) thì vùng này mới nhanh chóng đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển. Do đó phải vượt khó.
TS. Ngô Tấn Lực (bìa trái) tham dự Hội thảo tại Trường.
BBT: Thưa Thầy, tính đến nay, Trường ĐH Tiền Giang vừa tròn 16 năm Thành lập và phát triển (2005-2021), Thầy nhận thấy đâu là những thành tựu nổi bật nhất của nhà trường?
TS. Ngô Tấn Lực:
Đối chiếu với thực trạng thời điểm xuất phát (năm 2005), cả 4 cái khó, bây giờ về cơ bản đã khắc phục và giành nhiều thành tựu như: (1) Đội ngũ tăng rất nhanh, nhất là đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ. (2) Tranh thủ Bộ quốc phòng và quân Khu 9 cho khu đất rộng gần 60 hecta, vốn là sân bay dã chiến của chế độ cũ trên xã Thân Cữu Nghĩa (huyện Châu Thành) để xây dựng thêm cơ sở mới. Ngày nay trên đó tọa lạc một ngôi trường khá khang trang. Trang thiết bị cũng tương xứng với sự phát triển; (3) Khi hai trường hợp nhất, cái khó là có hai “nền hành chính” khác biệt. Trường đã nhanh chóng khắc phục bằng cách tiêu chuẩn hóa theo ISO và thành công; (4) Đổi mới đào tào tạo lấy việc học theo Tín chỉ làm căn bản đổi mới các hình thức khác. Việc này nay đã vào nền nếp; (5) Trường đã được kiểm định công nhận chất lượng rất sớm: Chỉ sau 10 năm thành lập. Điều mà nhiều trường thành lập trước chưa vẫn được công nhận; (6) Hợp tác quốc tế tốt, nhất là việc gửi giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ; nhận giáo viên tình nguyện đến dạy,..;(7) Đã có hàng vạn sinh viên tốt nghiệp các bằng đại học, cao đẳng và trung cấp; hàng ngàn viên chức tốt nghiệp đại học bằng con đường không chính quy,…
Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang qua các thời kỳ cùng chụp hình lưu niệm với lãnh đạo UBND và tỉnh ủy Tiền Giang nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Trường.
Ban Giám hiệu Trường ĐH Tiền Giang qua các thời kỳ tại Lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018 và đón nhận chứng nhận Trường đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT.
BBT: Thầy có mong muốn gì gửi đến tập thể lãnh đạo nhà trường trong thời gian tới?
TS. Ngô Tấn Lực:
Để Trường ĐH Tiền Giang ngày càng phát triển, theo tôi, nhà trường cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và cần lưu ý quan tâm đến một số nội dung như:
- Ký túc xá cho sv không chỉ là biện pháp thu hút người học mà còn là giải pháp của chất lượng toàn diện.
- Phải có nét riêng của Trường ĐHTG trong phát triển. Tham khảo mô hình trường trong và ngoài nước là cần. Nhưng Trường ĐHTG phải có nét độc đáo riêng. Theo tôi nên tham khảo trường ĐHCĐ ở Hoa Kỳ, loại hình có bậc kỹ sư 4 năm, có bậc cao đẳng 2 năm.
- Nói chung phải đổi mới mạnh mẽ giáo trình theo hướng thực hành, thuyết phục xã hội bằng kết quả là chất lượng của người học;….
Xin chân thành cám ơn những chia sẻ của Thầy!
BBT