14-11-2022
Ngày 20/11 hàng năm không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học. Chính vì vậy, sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người. Công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy. Phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm, tri thức của mình… để tạo ra “sản phẩm” vừa uyên thâm về tri thức, vừa thấu hiểu đạo lý làm người. Sản phẩm đó không giống như chiếc áo của anh thợ may, chiếc ghế gỗ của anh thợ mộc hay một vật dụng cụ của một người thợ nào khác mà chính là con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo.
Dân tộc ta có truyền thống quý báu là tôn sư, trọng đạo. Trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn thể hiện lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực. Vì thế, các thầy, cô giáo luôn có quyền tự hào về nghề dạy học của mình.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, xã hội biến chuyển nhanh chóng, yêu cầu đối với giáo dục ngày càng cao, nghề giáo đang đứng trước nhiều áp lực. Khác hoàn toàn với những nghề khác trong xã hội, vì không xác định thời gian lao động trong một ngày. Sau giờ đứng lớp, về nhà các thầy, cô còn phải làm rất nhiều việc khác như soạn giáo án, chấm bài, chuẩn bị đồ dùng học tập, làm các loại sổ sách... Nhà giáo không đơn thuần là làm công việc giảng dạy, mà còn phải tham gia các phong trào. Những áp lực vất vả mà người giáo viên đang gánh vác, dù muốn hay không cũng phải toàn tâm, toàn ý hết lòng với học trò và xứng đáng là kỹ sư tâm hồn.
Cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, trong đó vị trí thầy, cô giáo được coi là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Sứ mệnh của nhà giáo hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam.
“Sản phẩm” của các thầy, cô giáo làm ra cũng chính là nhân tố trọng yếu, cơ bản để bảo đảm an ninh, chính trị quốc gia trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy, PGS, TS Toán học, thầy giáo Văn Như Cương từng viết: “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ..., nhưng trước hết phải là những người tử tế”. Và chỉ có giáo dục mới tạo ra những con người như vậy.
NGUYỄN PHÚC HẬU