30-11-2023
Nhân kỷ niệm 203 năm Ngày sinh của Friedrich Engels (28/11/1820 – 28/11/2023), ngày 29/11/2023, tại Trường Đại học Tiền Giang, Đảng bộ Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học di sản của Friedrich Engels & Dân chủ trong xây dựng Đảng và công việc.
Đến dự có đồng chí Thái Ngọc Bảo Trâm - Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đồng chí Nguyễn Viết Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhà trường; TS. Lê Minh Tùng, TS. Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng chi ủy các chi bộ trực thuộc.
.Đồng chí Thái Ngọc Bảo Trâm - Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phát biểu
Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm khoa học, đồng chí Nguyễn Viết Thịnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhà trường đã ôn lại những nét nổi bật về tiểu sử của Friedrich Engels. Ông là nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Karl Marx đã sáng lập học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Di sản của Friedrich Engels để lại rất đồ sộ, có giá trị lịch sử và thời đại, trở thành tài sản của cả nhân loại trong tiến trình xây dựng một xã hội mới.
.Đồng chí Nguyễn Hoàng Vũ - Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại tọa đàm
Tiếp theo, đại diện các Chi bộ trực thuộc cũng đã có những tham luận và phát biểu tập trung làm rõ các nội dung về lý luận cách mạng trong di sản của Friedrich Engels như: Đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc trong tư tưởng của Friedrich Engels và vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam; Friedrich Engels xây dựng, phát triển và bảo vệ học thuyết Mác; Vận dụng quan điểm của Ph.Ăng-ghen vào hoạt động của các tổ chức đảng; Vận dụng sáng tạo tư tưởng Friedrich Engels trong thời kỳ cách mạng mới; Vận dụng tư tưởng biện chứng của Friedrich Engels vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay…
Buổi tọa đàm là một sinh hoạt học thuật có ý nghĩa, giúp cán bộ, đảng viên của trường thêm một lần nữa hiểu rõ cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến lớn lao của ông đối với loài người nói chung và phong trào cách mạng thế giới nói riêng. Từ đó củng cố hơn nữa niềm tin vào nền tảng lý luận và con đường cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đang xây dựng, hiện thực hóa niềm tin và tri thức đó vào từng lĩnh vực chuyên môn. Đây cũng là dịp để Đảng bộ nhà trường có dịp trao đổi kinh nghiệm, tăng thêm sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao với tư cách là những “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”.
VĨNH SƠN