21-01-2025
Trường Đại học Tiền Giang là một trong những cơ sở giáo dục đại học công lập trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Năm học 2023-2024 là một năm học ghi nhận nhiều đổi mới và thành tựu của nhà trường trên các lĩnh vực khác nhau. Kết quả này là tiền đề để nhà trường tiếp tục vươn lên đạt nhiều thành tích hơn nữa hướng tới chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập vào ngày 06/6/2025
Đổi mới và đạt kiểm định chất lượng chương trình đào tạo
Trong năm học 2023-2024, Trường Đại học Tiền Giang đã chú trọng cải thiện chất lượng giảng dạy thông qua các hoạt động đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường kỹ năng thực hành và rèn luyện nghề nghiệp cho sinh viên:
Đổi mới chương trình đào tạo; nâng cao chất lượng đào tạo
- Nhà trường đã cập nhật các chương trình đào tạo, chú trọng nâng cao tính ứng dụng thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Năm học 2023-2024, trường tiến hành xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra (CĐR) - đây là chương trình tiên tiến, có cơ sở thiết kế hiện đại, có yêu cầu mục tiêu, nội dung quan hệ chặt chẽ với nhu cầu thị trường lao động. Do đó, trong quá trình xây dựng nhà trường phải nghiên cứu kỹ các nội dung, xây dựng các quy trình chặt chẽ từ công tác biên soạn CTĐT đến công tác thấm định, đảm bảo công tác xây dựng chương trình đạt mục tiêu đề ra. Nhờ đó, trong năm học vừa qua, nhà trường đã hoàn thành và ban hành Bản mô tả chương trình dạy học khoá 23 đối với 21 ngành học (20 ngành đại học và 01 ngành CĐSP).
- Việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ luôn được nhà trường quan tâm thực hiện tốt.
+ Năm học 2023-2024, trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tổ chức giảng dạy tiếng Anh kết hợp ứng dụng phần mềm học trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ ENGO đối với học phần English 2 cho sinh viên Khóa 22. Bên cạnh đó, Trường thực hiện lộ trình đào tạo ngoại ngữ đạt chuẩn đầu ra trình độ đại học, cao đẳng cho sinh viên khoá 23 của Trường.
+ Trường cũng đã tiến hành xây dựng ngân hàng để thi tiếng Anh, đáp ứng chuẩn đầu ra theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng chung cho Việt Nam – VSTEP. Kết quả, đối với học phần General Enlish 2: hoàn thành 300 câu trắc nghiệm và 50 câu tự luận; học phần English 1: hoàn thành 300 câu trắc nghiệm với 50 câu tự luận.
+ Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo ngoại ngữ tiếng Anh, mà trường còn tạo điều kiện cho sinh viên có thể học thêm các ngoại ngữ thay thế như tiếng Nhật, tiếng Hàn. Điều này cũng giúp đa dạng sự lựa chọn sinh viên và tăng cường năng lực ngoại ngữ để nắm bắt cơ hội việc làm trong tương lai.
- Chất lượng đào tạo của nhà trường thông qua kết quả tốt nghiệp của sinh viên được nâng lên rõ rệt. Năm học 2023-2024, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp xếp loại xuất sắc là 4 % (tăng 0,35% so với cùng kỳ); tỷ lệ sinh viên xếp loại giỏi là 24,63% (tăng 5,70%); tỷ lệ sinh viên xếp loại khá là 59,63% (tăng 0,46%) và tỷ lệ sinh viên xếp loại trung bình là 11,84% (giảm 6,50%). Qua khảo sát kết quả việc làm của sinh viên sau 1 năm tốt nghiệp qua cho thấy, có 97,42 %, sinh viên được khảo sát có việc làm. Trong đó tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành là trên 40%. Đây là minh chứng cho thấy chất lượng đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng cao và đáp hứng được xu hướng đổi mới trong giáo dục.
Gắn kết doanh nghiệp; tăng cường khả năng nghề nghiệp, kinh nghiệm thực tế cho sinh viên
- Việc gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp thời gian qua đạt những kết quả tích cực. Qua đó, nhà trường nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, xu thế của thị trường lao động và tình hình phát triển KT-XH của địa phương, cả nước để mở các ngành học phù hợp. Đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên có chỗ thực tập, thực hành tại các cơ quan, doanh nghiệp phù hợp với các ngành học của sinh viên; qua đó sinh viên được tiếp cận, rèn luyện, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, thực tiễn công việc tại các cơ quan, doanh nghiệp. Trong năm học, trường đã tiếp nhận 81 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, giới thiệu 1.125 lượt sinh viên tìm việc làm; tổ chức đưa sinh viên đi thực hành, thực tập theo kế hoạch đào tạo của trường.
- Chương trình hợp tác giữa trường và Câu lạc bộ doanh nhân Tiền Giang tại thành phố Hồ Chí Minh (TGB) trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc tại Nhật Bản với các ngành nghề như: Chế biến thực phẩm, chế biến thủy sản, nông nghiệp, may công nghiệp, kỹ thuật cơ khí, Ô tô, xây dựng, lắp ráp điện tử, đóng gói công nghiệp…. Năm học 2023-2024, trường có 40 sinh viên xuất cảnh sang Nhật, nâng tổng số sinh viên xuất cảnh sang Nhật theo chương trình hợp tác là 411 sinh viên.
- Thông qua hoạt động khởi nghiệp của nhà trường, sinh viên có cơ hội trãi nghiệm, rèn luyễn kỹ năng trong quá trình thực hiện các dự án khởi nghiệp. Năm 2024, trường tổ chức “Cuộc thi sinh viên khởi nghiệp” với 27 dự án của sinh viên tham dự; kết quả có 05 dự án vào vòng chung kết đạt giải, trong đó 01 giải đặc biết, 01 giải nhất, 01 giải nhì, 01 giải ba và 01 giải khuyến khích.
Kiểm định chất lượng đạt kết quả tích cực
Năm 2024, nhà trường tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ kiểm định chất lượng đảm bảo tiến độ đề ra. Kết quả, trong năm trường có 04 chương trình đào tạo trình độ đại học đạt kiểm định chất lượng, cụ thể:Du lịch; Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ sinh học và Nuôi trồng Thủy sản.
Thành tựu trong nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế
Song song với hoạt động đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học là một trong những lĩnh vực được Trường Đại học Tiền Giang đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao vị thế của nhà trường; nâng cao tính ứng dụng của các đề tài NCKH vào hoạt động sản xuất góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Năm học 2023-2024, trường vinh dự có 01 đề tài NCKH của viên chức nghiệm thu cấp Nhà nước; 02 đề tài NCKH của viên chức nghiệm thu cấp tỉnh, trong đó 01 đề tài loại xuất sắc và 01 đề tài loại đạt; 23 đề tài NCKH của VC, SV cấp trường (10 đề tài của VC, 13 đề tài của SV) nghiệm thu đạt kết quả từ khá trở lên (04 khá, 17 tốt và 02 xuất sắc). Trường đang triển khai thực hiện 45 nhiệm vụ KHCN, trong đó 08 cấp tỉnh và 37 cấp trường (26 đề tài của VC, 11 đề tài của SV).
- Nhà trường đã triển khai các dự án nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực khác, đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp thông minh, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất cho nông dân trong khu vực. Năm học 2023-2024, trường có 12 đề tài nghiên cứu khoa học của viên chức và sinh viên được ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, Trường có 01 sản phẩm được bằng độc quyền giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ cấp; có 04 đề tài SV tham gia cuộc thi SV nghiên cứu khoa học đều đạt giải (Nhất, Nhì, Ba và khuyến khích). Số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành, đăng trên tạp chí thuộc danh mục tính điểm của HĐCDGS là 159 bài (tăng 59 % so với năm học 2022-2023:100 bài); bài báo không thuộc danh mục của HĐCDGNN (có mã số ISSN) là 19 bài; bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế là 46 bài.
- Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, Trường Đại học Tiền Giang đã tăng cường hợp tác quốc tế và kết nối với các doanh nghiệp. Trường đã đón tiếp 18 đoàn khách là đại diện của các tổ chức có yếu tố nước ngoài, giảm so với năm học 2022-2023 (33 đoàn). Hoạt động tiếp nhận sinh viên quốc tế đến thực tập tại trường ngày càng đi vào nề nếp và chuyên nghiệp hơn trong các khâu thực hiện thủ tục trước, trong và sau khi sinh viên hoàn thành chương trình thực tập. Đặc biệt, năm 2024 trường tiếp nhận 08 sinh viên Pháp đến thực tập tại trường (trong đó có 2 chuyên ngành mới nhận sinh viên là Thú y và Nuôi trồng thủy sản); 03 TNV của tổ chức KOICA, Hàn Quốc đến hỗ trợ công tác giảng dạy tiếng Hàn và Du lịch tại Trường. Các chương trình giao lưu văn hóa, âm nhạc, ngôn ngữ với sinh viên Pháp, sinh viên Hoa Kỳ được tổ chức thành công; các lớp giảng dạy, rèn luyện tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Pháp miễn phí…đã góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp của trường đối với địa phương.
- Hoạt động mở rộng quan hệ với các đối tác mới được thực hiện hiệu quả: Trường đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với các đối tác mới như Trường Đại học Kỹ thuật số Busan (01 bản), Hàn Quốc, các trường đại học ở Pháp trong chương trình tiếp nhận sinh viên thực tập (08 bản), 03 trường đại học ở Ấn Độ do TLSQ Ấn Độ tại Việt Nam giới thiệu (03 bản), và 01 bản ghi nhớ với tổ chức Digital Information Research Labs, Ấn Độ. Trong tháng 10/2024, Trường đã hợp tác với đơn vị này để tổ chức hai Hội thảo quốc tế gồm: “Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ 6 về Hệ thống thời gian thực thông minh (RTIS 2024)” và “Hội thảo Khoa học quốc tế lần thứ 5 về Khoa học và Kỹ thuật Dữ liệu (STMet 2024)”, từ ngày 17 – 19/10 tại Trường ĐH Tiền Giang.
Từng bước ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành và giảng dạy
Chuyển đổi số hiện đang là xu hướng phát triển nói chung, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng. Việc thực hiện chuyển đổi sổ trong nhà trường sẽ giúp trường cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý của bộ máy nhà trường. Do đó, để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số, trường đã triển xây dựng và hoàn thành Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt. Bên canh đó, năm 2024 trường triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số với những mục tiêu và giải pháp khả thi, nhằm từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong nhà trường.
- Từng bước xây dựng hạ tầng theo yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số trong từng năm. Trường đã tiến hành nâng cấp hệ thống máy vi tính phòng máy tin học không chuyên: Cài đặt thử nghiệm HĐH Window 11 (phiên bản dành cho Giáo dục được Microsoft hỗ trợ) và các phần mềm phục vụ giảng dạy tin học không chuyên trên ổ đĩa SSD 120GB; triển khai nâng cấp các phòng máy vi với tổng số lượng 80 máy.
- Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng công nghệ trong hoạt động giảng dạy. Nhà trường tiếp tục hoàn thiện Hệ thống thông tin tích hợp Quản lý đào tạo TGUIIS theo hướng đáp ứng yêu cầu quản lý toàn diện người học ngay khi làm thủ tục nhập học. Hệ thống quản lý giảng dạy trực tuyến của Trường ĐHTG (http://tgu.lms. Vn.edu.vn) đã giúp nhà trường tổ chức quản lý và triển khai các hoạt động dạy và học trên Internet. Giảng viên tích cực sử dụng công nghệ trong hoạt động giảng dạy như sử dụng các hình ảnh, video, âm thanh là cho bài giảng trở nên sinh động, thu hút sự tập trung của sinh viên trong quá trình học tập. Năm học 2024-2025, trường triển khai kế hoạch giảng dạy trực tuyến với 27 học phần (KHI: 14, HK II:13); từng bước xây dựng hoàn chỉnh kho tài liệu số để hỗ trợ tốt cho sinh viên tự học (thư viện số hiện có hơn 1.448.884).
- Thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản trị đại học với một số kết quả bước đầu như:
+ Quy trình quản lý văn bản: 100% văn bản luân chuyển trong nội bộ, ngoài trường được thực hiện bằng phương thức điện tử (trừ văn bản mật).
+ Thủ tục hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài chình: 100% các hồ sơ thanh toán cho nhà cung cáp là cá nhân, đơn vị có mở tài khoản tại kho bạc nhà nước, ngân hàng thương mại, được thanh toán trực tuyến; 100% thanh toán các khoản thu nhập cho VC bằng hình thức chuyển khoản; 100% thu nộp học phí của sinh viên chính quy bằng hình thức online qua ngân hàng; 100% chi trả học bổng cho sinh viên bằng hình thức chuyển khoản.
Những thành quả này không chỉ là niềm tự hào của tập thể nhà trường mà còn là động lực để Trường Đại học Tiền Giang tiếp tục thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương và đất nước. Đồng thời hướng đến những thành tựu lớn hơn để chào mừng Trường ĐH Tiền Giang 20 năm xây dựng và phát triển.
HỒNG DUYÊN - LÊ TÂN