11-02-2025
Sáng ngày 5/2/2025, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giảng dạy trực tuyến nhằm đánh giá kết quả thực hiện trong HK1 năm học 2024-2025 và định hướng phát triển cho HK2 và những năm tiếp theo. Tham dự Hội nghị có PGS.TS Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng; PGS.TS Lê Minh Tùng, TS. Lê Thị Kim Loan - Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị và giảng viên có tham gia giảng dạy trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Trường ĐH Tiền Giang đã, đang làm tốt và sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giảng dạy trực tuyến (GDTT) tốt hơn vì những hiệu quả tích cực của nó. Hội nghị hôm nay là dịp để các đơn vị phụ trách, các thầy cô tham gia GDTT có những đánh giá và ý kiến đề xuất để công tác GDTT của Trường được tổ chức tốt hơn trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các báo cáo tổng kết của các đơn vị đã nêu bật những kết quả đạt được trong công tác tổ chức và vận hành hệ thống GDTT của Trường ĐH Tiền Giang trong HK1, năm học 2024-2025, đồng thời đề xuất kế hoạch bổ sung cho HK2 năm học 2024-2025 và chuẩn bị cho năm học 2025-2026.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Đặc biệt, hội nghị cũng dành thời gian để thảo luận về việc chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả hệ thống quản lý học tập trực tuyến của nhà trường. Trong phần tham luận, đại diện các khoa đã trình bày nhiều nội dung quan trọng như kinh nghiệm thực tiễn trong GDTT; những khó khăn khi sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy học LMSE trong giảng dạy tiếng Anh, cũng như giải pháp nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến từ góc nhìn của Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm. Ngoài ra, hội nghị cũng giới thiệu sơ lược về mô hình dạy học kết hợp (Blended Learning) - một xu hướng quan trọng trong giáo dục hiện đại.
Thực tế triển khai hoạt động giảng dạy trực tuyến
Theo kế hoạch, năm học 2024-2025, Trường ĐH Tiền Giang sẽ triển khai GDTT với tổng cộng 26 học phần, trong đó: HKI có 14 học phần và HKII có 12 học phần. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, Trường có điều chỉnh 03 học phần (01 HP thuộc khoa Kinh tế-Luật và 02 HP thuộc 02 bộ môn Điện, điện tử và kỹ thuật cơ khí) thuộc khoá mới tuyển sinh năm 2024 nên không tổ chức GDTT; 01 HP chuyển từ trực tuyến sang trực tiếp (Khoa SP&KHCB) và 01 HP chuyên từ trực tiếp sang trực tuyến (Khoa LLCT-GDQP&TC). Như vậy, tổng cộng ở HKI năm học 2024-2025 có 11 HP thực tế được Trường tổ chức GDTT.
Đại diện Phòng Quản lý Đào tạo trình bày những hạn chế, thiếu xót trong quá trình triển khai GDTT và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Hiện nay, Trường chỉ quy định cho phép GDTT với loại học phần lý thuyết, nên chưa thể triển khai tổ chức GDTT ở tất cả các bộ môn (cụ thể có 02 bộ môn: đó là Bộ môn CNTT thuộc Khoa KTCN và Bộ môn KHTN thuộc Khoa SP&KHCB). Trước đó, Trung tâm TTTV cũng chỉ tập huấn cho các giảng viên có học phần đăng ký dạy trực tuyến, mà chưa thực hiện việc tập huấn 100% cho giảng viên toàn Trường, nên một số giảng viên chưa có kinh nghiệm trong GDTT.
Đối với phân hệ GDTT dành cho Giảng viên của Trường, hiện chưa có cách đánh giá điểm quá trình theo nhóm để sinh viên nộp bài trực tiếp trên phần mềm GDTT; Chưa có chức năng điểm danh, quản lý người học tự động, giảng viên phải nhập thủ công hoặc giảng viên phải tự tích hợp phần mềm khác có chức năng điểm danh vào phần mềm GDTT trong quá trình giảng dạy; Giảng viên thường xuyên bị mất dữ liệu sổ đầu bài sau khi nhập và không lưu được dữ liệu trên sổ đầu bài mỗi buổi học, không có chức năng trộn đề trắc nghiệm. Về đề thi, kiểm tra, sinh viên dùng điện thoại iphone không tải được đề hoặc chỉ xem được một phần đề, …
Đại diện Khoa Lý luận chính trị - GD Quốc phòng và Thể chất cho rằng, việc giảng dạy trực tuyến hiện nay gặp khó khăn trong tương tác giữa người dạy và người học...
Bên cạnh đó, ý kiến của một số giảng viên cho thấy, khi tham gia học trực tuyến, sinh viên còn thiếu sự tập trung, hay làm việc riêng, học đại diện hoặc tìm cách “né” thầy cô điểm danh hoặc lấy lý do mạng yếu, không có mạng, hết dung lượng 3G… Ngoài ra, còn một số trường hợp sinh viên “yếu” công nghệ, không chịu tìm tòi, học hỏi nên thao tác khi tham gia các lớp trực tuyến rất chậm. Cá biệt, có một vài trường hợp sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên không có thiết bị để tham gia học trực tuyến…
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thắng – Phó trưởng Khoa KTCN cho rằng, hiện nay, chúng ta mới chỉ đáp ứng việc dạy trực tuyến cho sinh viên học được mọi nơi, chứ chưa đáp ứng được nhu cầu học mọi lúc. Và để đáp ứng tốt được thì chúng ta cần phải có phương án, nâng cấp và đổi mới phương pháp dạy trực tuyến, xây dựng hệ thống dữ liệu môn học, bài giảng...
Nhiều điểm cần lưu ý, khắc phục
Qua thực tế triển khai, Phòng Quản lý Đào tạo (QLĐT) cho rằng, có nhiều điểm cần phát huy trong hoạt động GDTT. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều điểm cần khắc phục do hệ thống GDTT hiện chưa đáp ứng yêu cầu, cũng như chưa có các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn biên soạn học liệu trực tuyến phục vụ cho việc GDTT đạt hiệu quả tốt nhất.
Đối với Hệ thống quản lý giảng dạy trực tuyến trên hệ thống tích hợp thông tin TGUIIS có phân hệ Quản lý LMS, trong đó có 03 chức năng gồm: (1) Quản lý tài liệu; (2) Quản lý kiểm tra; (3) Quản lý sổ đầu bài. 03 chức năng này có bộ lọc dữ liệu học kỳ theo từng năm học; trang giao diện thể hiện Danh mục lớp HP chung theo học kỳ toàn trường theo từng chức năng. Tuy nhiên, dữ liệu thể hiện không đầy đủ so với số lớp HP được tổ chức giảng dạy ở HKI năm học 2024-2025, đồng thời không có bộ lọc tìm nhanh Danh mục các học phần GDTT mà phải thao tác thủ công tìm kiếm từng HP so với Danh mục bảng giấy được ban hành theo Công văn số 786/ĐHTG-QLĐT.
ThS. Trần Huy Long - PGĐ Trung tâm TT-TV báo cáo tổng kết công tác vận hành hệ thống hỗ trợ giảng dạy trực tuyến học kỳ 1 năm học 2024-2025
Từ thực tế đó, Phòng QLĐT đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động GDTT ở Trường ĐH Tiền Giang trong thời gian tới. Theo đó, đối với lãnh đạo nhà trường, cần xác định có chiến lược phát triển đào tạo trực tuyến, có lộ trình dài hạn, đảm bảo phát triển bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục; Cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin; đảm bảo hệ thống kết nối ổn định, phần mềm quản lý học tập, GDTT hiện đại; cung cấp tài liệu, phần mềm, tài khoản truy cập vào các nền tảng học trực tuyến, và các công cụ tương tác trực tuyến cho giảng viên và sinh viên; Cần tổ chức các khóa đào tạo, các buổi hướng dẫn về phương pháp GDTT, công nghệ giảng dạy và tương tác với sinh viên. Giảng viên cần được trang bị kỹ năng thiết kế bài giảng trực tuyến, sử dụng các công nghệ hiệu quả và tạo động lực học tập cho sinh viên; có chính sách khuyến khích giảng viên thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới, công cụ đa phương tiện làm phong phú thêm bài giảng; Xây dựng cơ chế đánh giá chất lượng GDTT định kỳ, dựa trên phản hồi từ sinh viên và kết quả học tập. Cần có hệ thống giám sát và hỗ trợ kịp thời cho giảng viên và sinh viên gặp khó khăn trong quá trình dạy học. Và quan trọng nhất, là cần phải thiết lập hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và đánh giá giảng viên theo các tiêu chí rõ ràng và công bằng, đảm bảo đánh giá thực chất và hiệu quả.
Đối với các đơn vị chức năng, Phòng QLĐT sẽ tham mưu điều chỉnh quy định về GDTT phù hợp nhu cầu thực tế, đáp ứng nhiều loại hình học tập (Lý thuyết, lý thuyết kết hợp thực hành); phối hợp các khoa chuyên môn xây dựng, ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn biên soạn học liệu trực tuyến phục vụ cho việc GDTT. Trung tâm TT-TV phối hợp với Phòng QLCSVC tạo kênh hỗ trợ kỹ thuật để giải đáp thắc mắc về công nghệ trong suốt quá trình giảng dạy; cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho giảng viên và sinh viên, đảm bảo các vấn đề về phần mềm, thiết bị hoặc kết nối được giải quyết nhanh chóng. Phòng CTSV tăng cường tập huấn cố vấn học tập về công tác tư vấn học tập trực tuyến, giúp sinh viên giải quyết các vấn đề học thuật hoặc kỹ năng học trực tuyến.
Đại diện Khoa Kinh tế - Luật đóng góp nhiều ý kiến quan trong về việc cần thiết trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỳ thuật, hệ thống mạng, phần mềm GDTT và quản lý sinh viên để đáp ứng tốt nhất hoạt động giảng dạy trực tuyến ở nhà trường trong thời gian tới.
Đối với lãnh đạo các khoa, cần quán triệt vai trò của hoạt động GDTT, đưa vào sinh hoạt chuyên môn của các Bộ môn; trong các buổi sinh hoạt chuyên môn cần có trao đổi chia sẻ kinh nghiệm từ những giảng viên đã thành công với GDTT vừa tạo khối đoàn kết vừa nâng cao năng lực chuyên môn cho giảng viên trong khoa; Làm gương, đi đầu trong hoạt động GDTT để có trải nghiệm thực tế và hiểu được những thách thức, cơ hội trong GDTT.
Vai trò của giảng viên
Qua ý kiến góp ý và trình bày tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị cho thấy, để hoạt động GDTT có hiệu quả, thì tất cả các đơn vị chức năng, phòng Quản lý đào tạo cần có sự phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của giảng viên và sinh viên.
Ngoài việc được đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng, các công cụ quản lý và giảng dạy và học trực tuyến, đòi hỏi mỗi giảng viên cần phải năng động, tích cực hưởng ứng và thích nghi sự thay đổi trong thời đại 4.0. Mỗi giảng viên cần phải nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến như Zoom, Google meet, Microsoft Teams, ... hoặc các công cụ học tập khác; Tự tìm tòi khám phá các công cụ hỗ trợ học tập như phần mềm Quiz, khảo sát diễn đàn thảo luận, và các công cụ tương tác trực tuyến (Padlet, Kahoot, ...) để giúp sinh viên tham gia tích cực; Tích cực tham dự các buổi Tập huấn của trường về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, Hội thảo về GDTT; liên tục học hỏi và cập nhật công nghệ mới trong GDTT.
TS. Nguyễn Hoàng Vũ - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đội ngũ giảng viên trong đổi mới và nâng cao chất lượng GDTT ở trường ĐH Tiền Giang trong thời gian tới.
Khi giảng viên chú trọng vào việc nâng cao kỹ năng công nghệ, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy và tăng cường sự tương tác, việc GDTT sẽ trở nên hiệu quả và thú vị hơn cho sinh viên, thu hút sự quan tâm của sinh viên. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn giúp giảng viên trở thành những người tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng trong việc học trực tuyến, để việc học đạt hiệu quả và dễ dàng hơn.
Theo ThS. Trần Quang Hiền - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng P. QLĐT cho rằng, chúng ta cần quan tâm đến hình thức dạy học kết hợp. Học tập kết hợp (Blended Learning) là hình thức kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến thành một quá trình học tập pha trộn và gắn kết. Khoảng một nửa số buổi học diễn ra tại trường, trong khi một nửa còn lại là sinh viên học trực tuyến. Mức độ kết hợp chủ yếu dựa trên tỷ lệ các buổi học trực tiếp và trực tuyến và/hoặc tài liệu hướng dẫn trong một học phần nhất định. Khi kết hợp có thể việc giảng dạy được cân bằng giữa hai hình thức (50/50), hoặc một học phần chủ yếu là trực tiếp kết hợp một vài buổi học trực tuyến (75/25). Hình thức giảng dạy này đã được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam và có nhiều đánh giá về hiệu quả của nó. Sinh viên có xu hướng thích học theo hình thức này hơn, đồng thời kết quả học tập và hiệu quả giảng dạy cũng cao hơn.
PGS. TS Lê Minh Tùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, hoạt động GDTT ở Trường ĐH Tiền Giang là sự đổi mới theo xu hướng hiện nay, gắn với cuộc cách mạng chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện tốt, cần nhất là sự tâm huyết của giảng viên đối với hoạt động tổ chức GDTT. Bên cạnh đó là sự quan tâm, đầu tư của nhà trường về cơ sở vật chất, hạ tầng mạng viễn thông… đáp ứng tốt hoạt động dạy và học trực tuyến. Tận dụng tốt cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện có, tạo điều kiện cho sinh viên không có điều kiện về trang thiết bị có thể đến các phòng máy của Trường để học.
Sau phần phát biểu của đại biểu tham dự, PGS.TS Võ Ngọc Hà đã tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác GDTT tại Trường trong thời gian tới. PGS.TS cũng nhấn mạnh đến vai trò của GDTT trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đồng thời khẳng định sự cam kết của nhà trường trong việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống quản lý học tập trực tuyến để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của sinh viên.
LÊ TÂN