07-03-2017
Chú trọng công tác kiểm định, không ngừng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, luôn đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu xã hội,… Đó là những yếu tố luôn được lãnh đạo Trường Đại học Tiền Giang quan tâm nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, mang đến cho người học cơ hội nghề nghiệp để thăng tiến.
Với truyền thống 45 năm hình thành và phát triển ( kể từ 1971 thành lập Viện ĐH Cộng đồng Tiền Giang) cùng nhiều lần chuyển đổi tên trường, nhiều lần hợp nhất, các thế hệ nhà giáo và học sinh, sinh viên các trường tiền thân, trường Đại học Tiền Giang hôm nay luôn kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống đã dày công vun đắp. Sau gần 12 năm, với tên gọi Trường Đại học Tiền Giang, nhà trường đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho hơn 18.000 sinh viên, học sinh trình độ ĐH, CĐ , TCCN và liên kết đào tạo gần 400 thạc sĩ cho các tỉnh khu vực Bắc sông Tiền. |
Theo khảo sát mới nhất năm 2015, có 89,6 sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường (sau 1 năm) có việc làm. Còn nếu tính tỉ lệ trung bình sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường việc làm bình quân từ năm 2010-2014, tỉ lệ này đạt gần 80%. Điều này cho thấy xã hội đã chấp nhận đầu ra của sinh viên từng theo học tại Trường Đại học Tiền Giang.
Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong Chiến lược phát triển của mình, Trường Đại học Tiền Giang xác định đến năm 2020 phải đạt 4 định hướng cơ bản: (1) Hoàn thành cơ bản dự án xây dựng tại cơ sở mới với cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuẩn chất lượng đào tạo; (2) Đạt chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GDĐT và các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định của Điều lệ trường đại học; (3) Trở thành đầu tàu trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh; (4) Là cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động về tài chính, nhân sự, chương trình đào tạo, học thuật,… theo lộ trình phân quyền quản lý giáo dục đại học của Bộ GDĐT và UBND tỉnh Tiền Giang.
Cơ sở mới tại Thân Cửu Nghĩa đang tiếp tục được xây dựng khang trang, hiện đại
PGS.TS. Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường ĐHTG cho biết: Thực hiện Đề án “Xây dựng Trường ĐHTG” tại cơ sở Thân Cửu Nghĩa, thời gian qua, UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng các hạng mục: 4 giảng đường dùng chung; Khoa Kinh tế và Văn phòng Bộ môn; Khoa Khoa học Cơ bản,… với tổng kinh phí gần 253 tỷ đồng, trong đó các phòng học, phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết, phục vụ cho việc dạy và học. Năm 2016 tiến hành thi công hạ tầng kỹ thuật với tổng kinh phí 25 tỷ đồng và UBND tỉnh đã chủ trì điều chỉnh quy hoạch theo hướng khả thi, chỉ đạo xúc tiến thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng Ký túc xá sinh viên (SV).
Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên thực hiện việc bảo dưỡng, bảo trì cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học từ nguồn kinh phí ngoài khoán và kinh phí thường xuyên, bình quân 3 tỷ đồng/năm. Kho tài liệu của thư viện trường, bao gồm sách và thư viện số được bổ sung hàng năm khoảng 300 triệu đồng từ nguồn chi thường xuyên của trường. Hiện tại, trường có hơn 16.000 tên sách, với hơn 93.000 bản sách; 80 tên báo, tạp chí; 131 đĩa CD-Rom; 207 tên luận văn, luận án; 31 tên tập bài giảng của giảng viên, đủ phục vụ cho các chuyên ngành đào tạo và đáp ứng yêu cầu của bạn đọc,…
Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ dạy và học, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên được nhà trường đặc biệt quan tâm. Những năm qua, đội ngũ GV được ưu tiên bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, đảm bảo công tác giảng dạy. Đội ngũ công chức, viên chức (CC-VC) của Trường đa số trẻ, năng động, có trình độ, đáp ứng được yêu cầu đào tạo của nhà trường.
Kết quả sau 12 năm, trình độ của đội ngũ CC-VC nhà trường đã được nâng chất rõ rệt, cụ thể như sau: Năm 2006 (khi thành lập trường), trường có 3 tiến sĩ, 65 thạc sĩ, 257 đại học; đến nay có 1 PGS.TS, 22 tiến sĩ, 260 thạc sĩ (32 nghiên cứu sinh), 187 đại học (66 cao học).
Ngoài việc quan tâm đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, nhà trường đã không ngừng cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan, doanh nghiệp, phối hợp với với trường Kaizen School của Nhật mở các lớp đào tạo ngay tại Trường ĐH Tiền Giang, sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm việc tại Nhật Bản,…; thường xuyên mở và đào tạo những ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.
Giờ học Thể chất của sinh viên Trường ĐH Tiền Giang tại cơ sở chính
Ngoài ra, trong quá trình đào tạo sinh viên, trường cũng chú trọng nhiều đến việc giáo dục kỹ năng thực hành, kỹ năng sống thông qua các hoạt động phong trào Đoàn, phong trào TDTT, chiến dịch Thanh niên tình nguyện, chương trình Tiếp sức mùa thi, thi người dẫn chương trình, thi học tập và làm theo lời Bác, các cuộc thi chuyên ngành như: Nét chữ nết người; Khởi nghiệp cùng sinh viên kinh tế; Kiến thức thực phẩm; Cuộc thi đọc sách chuyên ngành,… để giúp sinh viên nhanh chóng thích nghi với cuộc cộng việc, môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Kiểm định chất lượng để tạo uy tín và khẳng định chất lượng đào tạo
Năm 2017 sẽ là năm đánh dấu cột mốc mới trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển của Trường Đại học Tiền Giang gắn với việc hoàn thiện các nội dung báo cáo để tiến hành đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Ban Giám hiệu nhà trường luôn xác định kiểm định chất lượng giáo dục là công cụ giúp nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, đây cũng là công việc thường xuyên của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Tự đánh giá theo các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học của Bộ GD&ĐT chính là cơ hội để nhà trường tự xem xét, phân tích, đánh giá hiện trạng, chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác quản lý của nhà trường.
Với những tiêu chuẩn đã được kiểm định và đánh giá một cách toàn diện sẽ làm cơ sở nền tảng, tạo uy tín, niềm tin của nhà trường đối với người học và nhà tuyển dụng. Đồng thời, trên cơ sở đó, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người sử dụng lao động.
Liên kết với doanh nghiệp tạo việc làm cho sinh viên
Từ tháng 8/2015, Công ty Esuhai, Trường Kaizen Yoshida School và Trường Đại học Tiền Giang thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tiếng Nhật dùng trong công việc và tuyển dụng làm việc tại Nhật Bản nhằm thể hiện trách nhiệm của hai đơn vị đối với sinh viên trong công tác đào tạo và định hướng việc làm sau khi tốt nghiệp.
Lễ tiễn 22 học viên trong chương trình liên kết đào tạo sang Nhật Bản học tập và làm việc.
Tháng 3/2016, Công ty Esuhai-– Trường Kaizen Yoshida School phối hợp cùng Trường Đại học Tiền Giang tổ chức khai giảng lớp tiếng Nhật đầu tiên mang mã hiệu C1-H1 chương trình “Làm việc tại Nhật Bản và tiếng Nhật dùng trong công việc” ngay tại Trường.
Tính đến nay, sau hơn 11 tháng hợp tác liên kết đào tạo đã đạt những kết quả như sau: Khai giảng 16 lớp học với 262 học viên. Trong số 49 học viên tham gia chương trình thực tập kỹ năng đến nay đã có 26 học viên đậu phỏng vấn, 4 học viên đã sang Nhật làm việc từ tháng 09/2016 và hiện đang làm việc tại các tỉnh: Chiba, Mie và Saitama ở Nhật Bản. Sắp tới (02/03/2017) sẽ có 22 học viên trong chương trình liên kết đào tạo sẽ tiếp tục sang Nhật Bản học tập và làm việc.
Tuyển sinh 2017
Năm 2017, Trường ĐH Tiền Giang dự kiến tuyển sinh 15 ngành bậc đại học và 11 ngành bậc cao đẳng với 2.100 chỉ tiêu (đại học:1.500 và cao đẳng: 600).
Chỉ tiêu tuyển sinh theo các ngành hệ đại học: ĐH Kế toán (120), ĐH Quản trị kinh doanh (100), ĐH Tài chính ngân hàng (60), ĐH Công nghệ thông tin (80), ĐH Hệ thống thông tin (70), ĐH Công nghệ thực phẩm (120), ĐH Công nghệ sinh học (100), ĐH Nuôi trồng thủy sản (80), ĐH Khoa học cây trồng (100), ĐH Công nghệ kỹ thuật xây dựng (80), ĐH Công nghệ kỹ thuật cơ khí (80), ĐH Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (80), ĐH Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử (70), ĐH Văn học (70), ĐH Toán ứng dụng (90). Ngoài ra, trường cũng dành 200 chỉ tiêu cho liên thông từ cao đẳng chính quy lên đại học chính quy các khối ngành kinh tế và kỹ thuật công nghệ.
Chỉ tiêu tuyển sinh theo các ngành hệ cao đẳng: CĐ Kế toán (40), CĐ Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (60), CĐ Dịch vụ pháp lý (40), CĐ Công nghệ May (40), CĐ Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (40), CĐCông nghệ kỹ thuật cơ khí (40), CĐ Công nghệ thực phẩm (40), CĐ Công nghệ thông tin (40), CĐ Tiếng Anh (70), CĐ Dịch vụ thú y (40), CĐ Giáo dục mầm non (150).
Trường Đại học Tiền Giang xét tuyển theo 2 phương thức: Dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và căn cứ kết quả học tập 4 học kỳ THPT.
Nhằm giúp các thí sinh và phụ huynh nắm rõ ngành nghề tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, các thông tin về tuyển sinh luôn được cập nhật trên trang: www.tgu.edu.vn, www.tuvantuyensinh.tgu.edu.vn, www.facebook.com/dhtgtgu hoặc các thí sinh có thể gọi qua đường dây nóng (073)3.888.585 hay 0913.043.841 hoặc 01237.567.768 để được tư vấn
Trường tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú thuộc 17 tỉnh Nam bộ (từ Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai trở vào). Các ngành sư phạm tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú trong tỉnh Tiền Giang.
LÊ TÂN – THANH TÚ