.: Quan điểm và định hướng phát triển, Sứ mạng và tầm nhìn; Giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục của Trường Đại học Tiền Giang đến năm 2035 :. 

Thông báo

>> xem thêm

Giới thiệu

Công đoàn
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:

Chia sẻ

Quan điểm và định hướng phát triển, Sứ mạng và tầm nhìn; Giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục của Trường Đại học Tiền Giang đến năm 2035

28-03-2022

Vừa qua, Hội đồng Trường Trường Đại học Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết thông qua Chiến lược phát triển Trường Đại học Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2035. BBT Website trích đăng lại: Quan điểm và định hướng phát triển, Sứ mạng và tầm nhìn; Giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục của Trường Đại học Tiền Giang đến năm 2035:

I. QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

Phát triển Trường Đại học Tiền Giang phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới GD&ĐT, Chiến lược phát triển GD&ĐT; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ của tỉnh Tiền Giang và cả nước. Xây dựng nhà trường theo định hướng ứng dụng, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với tất cả các loại hình đào tạo. Phát triển toàn diện và bền vững, ưu tiên đầu tư phát triển các hướng nghiên cứu khoa học trọng điểm, mũi nhọn của các tỉnh Nam bộ và cả nước. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường theo hướng ứng dụng; từng bước thực hiện tự chủ và hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới. 

Thứ hai, phát huy vai trò của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Nam bộ và cả nước.

Trường tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa, xã hội hóa giáo dục đào tạo, phục vụ tốt nhu cầu học tập của cộng đồng xã hội, nhằm phát triển con người toàn diện, có khả năng phát huy năng lực và lợi thế địa phương trong cạnh tranh để góp phần xây dựng ĐBSCL thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản xuất khẩu và phát triển du lịch.

Thứ ba, đào tạo đa ngành theo học chế tín chỉ, bồi dưỡng nguồn nhân lực đa dạng phục vụ sản xuất, kinh doanh và các hoạt động dịch vụ. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, góp phần phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân các tỉnh Nam bộ.

Thứ tư, thực hiện dân chủ hóa mọi mặt trong nhà trường làm cơ sở phát huy sức mạnh của đội ngũ GV, viên chức để đổi mới, phát triển và mở rộng   hợp tác. Phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của tập thể viên chức, GV và sinh viên. Từ đó, tạo điều kiện để tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm nhanh chóng tiếp cận xu thế phát triển giáo dục đại học tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Định hướng phát triển

a) Phát triển Trường Đại học Tiền Giang phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang.

b) Xây dựng Nhà trường theo định hướng ứng dụng vừa là mục tiêu vừa là động lực để Nhà trường huy động các nguồn lực, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh Nam bộ.

c) Phát huy sức mạnh tổng hợp từ mọi nguồn lực trong Trường, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của các thế hệ giảng viên, cán bộ quản lý của Nhà trường; phát huy tính năng động, tự giác, tích cực của người học; khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội vào hoạt động đào tạo của Nhà trường. Xây dựng và khẳng định vị thế của Trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, kết nối phục vụ cộng đồng, góp phần thiết thực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Tiền Giang và vùng Nam bộ.

d) Phát triển nhà trường một cách toàn diện và bền vững, xây dựng thương hiệu về đào đạo đại học các lĩnh vực sư phạm, du lịch, kinh tế - kinh doanh, khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.

e)  Đào tạo sau đại học một số lĩnh vực đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao của tỉnh Tiền Giang và các tỉnh Nam bộ.

Cover trường học

II. SỨ MẠNG VÀ TẦM NHÌN

1. Sứ mạng

“Trường Đại học Tiền Giang đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Nam bộ và cả nước”.

2. Tầm nhìn

- Đến năm 2025, Trường là cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động về tổ chức, bộ máy, nhân sự, tài chính, học thuật theo lộ trình phân quyền quản lý giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Tiền Giang.

- Đến năm 2030, Trường Đại học Tiền Giang sẽ trở thành một trong những trường đại học theo hướng nghề nghiệp ứng dụng có uy tín trong vùng Nam bộ. Là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ và cung ứng dịch vụ có uy tín, chất lượng; đảm bảo cho người học sau khi tốt nghiệp có trình độ và kỹ năng đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang bắt tay, chào đón tân sinh viên năm học 2020 - 2021 của trường.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang bắt tay, chào đón tân sinh viên

III. GIÁ TRỊ CỐT LÕI VÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

1. Giá trị cốt lõi: “Thiết thực - Hiệu quả - Hài hòa”.

2. Triết lý giáo dục: “Học để tự chủ, giải quyết vấn đề thực tiễn, phát huy tiềm năng và sống hài hòa”.

Nội hàm của triết lý giáo dục này được cụ thể hóa qua mục tiêu giáo dục ở Trường Đại học Tiền Giang, hướng người học đến 07 mục tiêu chính như sau:

(1) Nhận biết được bản thân để phát huy tiềm năng; hiểu được ý nghĩa cuộc sống để hướng đến hạnh phúc, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, xã hội;

(2) Có năng lực tự học, tự chủ, có khả năng khởi nghiệp;

(3) Có kiến thức nền tảng vững chắc, rèn luyện kỹ năng, có thái độ đúng đắn đối với ngành nghề, lĩnh vực đào tạo và làm việc hiệu quả;

(4) Kiến tạo các sản phẩm, quy trình, hệ thống mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn và vận hành chúng thành thạo;

(5) Có đủ sức khỏe và nghị lực để khắc phục những khó khăn, thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra;

(6) Có năng lực sáng tạo ra những cách làm mới, khám phá tri thức mới nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn một cách khoa học, mang lại hiệu quả cao;

(7) Có hiểu biết cơ bản về bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam bộ nói riêng và Việt Nam, ASEAN nói chung; trở thành công dân ASEAN, công dân toàn cầu trong tương lai gần.

 

Công đoàn