06-05-2024
Ngày 02/5/2024, Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN “Ứng dụng chế phẩm vi sinh để sản xuất phân hữu cơ trong canh tác rau ăn lá theo hướng an toàn” do Thạc sĩ Trần Thụy Ái Tâm (Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm) làm chủ nhiệm.
Thành viên tham gia hội đồng thẩm định gồm: Tiến sĩ Lê Hữu Hải - Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác như Tiến sĩ Lê Thị Như Thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hạnh, Thạc sĩ Thái Hoàng Phúc - Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm; Thạc sĩ Đặng Như Ngà - Chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Thư ký hội đồng.
Phương thức sản xuất nông nghiệp thâm canh với việc sử dụng ngày càng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã tạo ra một khối lượng thực thực phẩm rất lớn đáp ứng nhu cầu của hơn 6 tỷ người trên hành tinh. Tuy nhiên, với phương thức sản xuất trên đã làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy. Dịch bệnh trên cây trồng xuất hiện với chu kỳ ngắn dần và việc phòng trị ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, sức khoẻ con người bị ảnh hưởng xấu do nguồn lương thực, thực phẩm đặc biệt các loại rau xanh tồn dư hàm lượng nitrat, các kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh vượt quá ngưỡng cho phép. Chính vì vậy, hiện nay việc từng bước chuyển từ nông nghiệp thâm canh sang nông nghiệp hữu cơ - nông nghiệp tuần hoàn với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng đang là xu hướng ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng. Thực tế ghi nhận, một số nông dân biết tự ủ phân bón hữu cơ sử dụng cho cây trồng tuy nhiên thời gian ủ lâu, đặc biệt đối với việc ủ các loại xác động vật có mùi hôi gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó giá phân bón hóa học mức thấp, dễ dàng sử dụng và thể hiện hiệu quả nhanh so với phân bón hữu cơ nên việc tự sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ không được phổ biến và nhân rộng. Để khai thác tận dụng nguồn chất thải, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trong nước, hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, đồng thời giảm lệ thuộc và ảnh hưởng của việc sử dụng các loại phân bón hóa học.
Đối với rau ăn lá có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn và chủ yếu phát triển tăng sinh khối nên nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt là phân đạm rất cao. Để thay thế nguồn đạm hóa học trên rau ăn lá thì việc cung cấp phân đạm dạng phân hữu cơ phun qua lá và bón qua gốc rất cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp không những giúp cho người nông dân giảm chi phí sản xuất do thay thế phân bón hóa học mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp, giúp cho đất tơi xốp và làm tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cây trồng, tránh được dư lượng về hàm lượng nitrat và hàm lượng kim loại nặng tồn dư.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học dạng phun qua lá và bón qua gốc, tuy nhiên giá sản phẩm còn mức tương đối cao. Trong khi đó, nếu biết tận dụng các nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất chăn nuôi và trồng trọt đồng thời kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh phù hợp nông dân có thể tự sản xuất phân bón hữu cơ đảm bảo chất lượng qua đó góp phần giảm chi phí mua phân bón. Qua nội dung thực hiện đề tài dự kiến chọn được loại chế phẩm sinh học và nguồn nguyên liệu ủ phân hữu cơ phun qua lá và bón gốc để ứng dụng vào mô hình trồng rau ăn lá theo hướng an toàn.
Tại cuộc họp, các thành viên phản biện, thành viên Hội đồng nghiệm thu đã có những ý kiến đóng góp cho đề tài những điểm cần lưu ý chỉnh sửa để hoàn thiện. Kết luận, Chủ tịch Hội đồng đề nghị tác giả tiếp thu toàn bộ các góp ý của hội đồng. Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài do nhóm tác giả thực hiện với kết quả xếp loại Tốt./.
Như Ngà – Phòng QLKHCN&HTQT
Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế