.: Nghiệm thu kết quả Đề tài Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường :. 

Thông báo

>> xem thêm

Giới thiệu

Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:

Chia sẻ

Nghiệm thu kết quả Đề tài Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường

23-05-2024

Sáng ngày 14/5/2024 vừa qua, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức Họp đánh giá kết quả thực hiện Đề tài Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường: “Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn có hàm lượng đạm khác nhau đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá chốt trắng (mystus planiceps) giai đoạn nuôi thương phẩm trong lồng bè”.

Đề tài do sinh viên Võ Văn Hồng Thịnh - Lớp Đại học Nuôi trồng thủy sản 20, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm làm chủ nhiệm và  sinh viên Trần Minh Chánh và Cao Hoàng Phước - Lớp Đại học Nuôi trồng thủy sản 20, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm là thành viên tham gia thực hiện đề tài dưới sự hướng dẫn khoa học của ThS. Nguyễn Công Tráng - Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm.

Hội đồng xét duyệt do TS. Cao Nguyên Thi - Trưởng Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế làm chủ tịch cùng các thành viên khác, gồm: ThS. Hồ Đại, ThS. Lê Quốc Phong, ThS. Lâm Quang Huy - Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm và ThS. Phạm Quốc Thịnh - Chuyên viên Phòng QLKHCN&HTQT, Trường Đại học Tiền Giang.

Tóm tắt nội dung nghiên cứu của đề tài:

Cá chốt trắng (Mystus planiceps Cuvier and Valenciennes, 1839) là một loài cá bản địa có giá trị kinh tế cao và đang có nhiều tiềm năng để phát triển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do cá có khả năng sống được trong môi trường nước ngọt, lợ và mặn. Tuy nhiên, nghề nuôi cá chốt trắng chưa được phát triển do còn gặp nhiều hạn chế khi chưa có nhiều nghiên cứu về loại thức ăn và khẩu phần thức ăn phù hợp trong quá trình nuôi.

Bên cạnh đó, cá chốt trắng (Mystus planiceps) có tập tính ăn tạp nhưng sẽ khó phát triển tốt nếu nguồn thức ăn không phù hợp. Vì vậy, việc xác định thức ăn có hàm lượng đạm phù hợp cho tăng trưởng và nâng cao tỷ lệ sống nhằm phục vụ nhu cầu nghề nuôi cá chốt trắng là vấn đề đang rất cần thiết. Với mong muốn tìm ra hàm lượng đạm phù hợp để nuôi cá chốt trắng, nên đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của thức ăn có hàm lượng đạm khác nhau đến tăng trưởng và tỷ lệ sống của cá chốt trắng (Mystus planiceps) giai đoạn nuôi thương phẩm trong lồng bè” được thực hiện.

Kết quả của quá trình thí nghiệm sau 60 ngày nuôi cá chốt trắng sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm khác nhau cho thấy các chỉ tiêu về tăng trưởng chiều dài (LG); tăng trưởng cân nặng (WG); Tỷ lệ sống (TLS); hệ số phân đàn CV (%); hệ số thức ăn (FCR) và chi phí thức ăn (CPTA) cho kết quả tối ưu ở nghiệm thức 30% đạm.

 Trong đó chỉ tiêu tăng trưởng về chiều dài (LG) cho giá trị 32,350±1,4084 (mm) khác biệt có ý nghĩa thống kê (p>0,05) với nghiệm thức 25% đạm cho giá trị là 22,993±0,7220 , nhưng cho kết quả khác biệt không có ý nghĩa thống kê với hai nghiệm thức còn lại (nghiệm thức 35% đạm và nghiệm thức 40% đạm). Chỉ tiêu tăng trưởng cân nặng cũng cho kết quả tương tự với ở nghiệm thức 30% đạm cho giá trị là 3799,2±647,68 (mg), khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05) với nghiệm thức 35% đạm và nghiệm thức 40% đạm và cho kết quả khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) với nghiệm thức 25% đạm (2269,4±158,18). Các chỉ tiêu còn lại như: TLS (%), CV (%); FCR; CPTA; ở cả bốn nghiệm thức đều cho kết quả phân tích ANOVA không có khác biệt ý nghĩa thống kê (p>0,05)

Kết quả đề tài có thể dùng tham khảo phục vụ giảng dạy cho sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Tiền Giang. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu có khả năng chuyển giao cho các nông hộ nuôi cá lồng bè ở Thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) để ứng dụng vào nuôi thử nghiệm cá chốt trắng.

QUỐC THỊNH

Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế