Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:
09-10-2024
MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ
TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
1. Giải phóng phụ nữ về phương diện chính trị - xã hội
Để cho phụ nữ có quyền bình đẳng, Hồ Chí Minh cho rằng cần đưa phụ nữ vào các hoạt động chính trị - xã hội, vì đó là môi trường thuận lợi để phụ nữ khẳng định, phát huy hết khả năng vốn có của mình. Nghĩa là, trước hết cần giải phóng phụ nữ về phương diện chính trị - xã hội. Để hiện thực hóa tư tưởng đó, Người yêu cầu, trước hết mọi người cần có ý thức và thái độ tôn trọng, quan tâm đến phụ nữ, chú ý đến tính đặc thù của giới nữ; phải thực hiện sự phân công, sắp xếp lại lao động xã hội một cách hợp lý, gắn liền với công tác tổ chức lại đời sống gia đình, xã hội để người phụ nữ có thời gian học tập và tham gia các công tác cộng đồng, xã hội. Theo Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ về mặt chính trị - xã hội phải bắt đầu và chú trọng từ việc giáo dục, trang bị cho họ về lý luận để họ tự giác tham gia tích cực cuộc đấu tranh giải phóng cho bản thân mình từ người dân mất nước trở thành công dân của một nước độc lập, có chủ quyền. Không dừng lại ở giáo dục lý luận, tư tưởng, công việc quan trọng hơn là phải có những giải pháp, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội đem lại quyền lợi vật chất, tinh thần cho phụ nữ.
Phụ nữ được giải phóng về chính trị thể hiện cụ thể ở quyền tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý một cách bình đẳng với nam giới. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm tuyên truyền, giác ngộ phụ nữ, đưa phụ nữ tham gia tích cực vào công việc cách mạng, chú ý nêu gương phụ nữ và những phong trào của phụ nữ. Hồ Chí Minh cho rằng, phụ nữ có quyền tham gia mọi hoạt động chính trị một cách bình đẳng như nam giới, có quyền bầu cử, ứng cử, có quyền tự do ngôn luận, đi lại, cư trú và quyền bình đẳng trước pháp luật. Điều 6 Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa”. Cụ thể hơn về quyền lợi, Điều 9 ghi: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Phát biểu tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập,... phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”. Những quy định về quyền bình đẳng nam nữ được ghi trong Hiến pháp, pháp luật đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam và thể hiện tính nhân văn, tầm nhìn vượt thời đại, tư duy chính trị sắc sảo của Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Việt Nam được pháp luật thừa nhận và bảo đảm có những quyền bình đẳng với nam giới trên tất cả các lĩnh vực. Từ đây, người phụ nữ có cơ sở pháp lý để đấu tranh đòi bảo đảm những quyền bình đẳng trong cuộc sống của mình.
2. Giải phóng phụ nữ khỏi tâm lý tự ti, trọng nam khinh nữ
Hồ Chí Minh khẳng định:“Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”. Người đã sớm chỉ rõ, giải phóng phụ nữ cần phải giải phóng tâm lý tự ti, đầu óc phụ thuộc bởi thân phận người phụ nữ trong chế độ cũ, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới, thật sự giải phóng toàn diện để người phụ nữ vươn lên tự tin làm chủ bản thân, gia đình, cũng như các quan hệ xã hội.
Hồ Chí Minh yêu cầu: “Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong đàn ông”. Điều độc đáo trong lời giáo huấn của Người là ở chỗ, cần phải xóa bỏ thói “trọng nam khinh nữ” ấy ngay trong bản thân nữ giới vì vẫn còn nhiều người phụ nữ có tư tưởng bảo thủ, tự ti, e dè, ngại đấu tranh để tự lập, tự do và phát triển. Để điều này được triển khai thực hiện trong đời sống xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Hôn nhân và gia đình có vai trò vô cùng quan trọng, bởi lẽ nó liên quan mật thiết đến tương lai của mỗi gia đình, của toàn xã hội, cũng như của giống nòi. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tuyên truyền giáo dục lâu dài, sâu rộng và đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể; mặt khác, chính quyền cần phải thi hành xử lý, kỷ luật một cách nghiêm chỉnh đối với những người không thực hiện tốt.
3. Giải phóng phụ nữ trong gia đình
Hồ Chí Minh quan niệm vai trò của phụ nữ trong quan hệ gia đình và quan hệ xã hội có sự thống nhất, bổ sung cho nhau. Vai trò xã hội của người phụ nữ được thể hiện chính từ vai trò của họ trong gia đình - với tư cách là hạt nhân của xã hội. Phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; tích cực xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc cũng chính là vai trò xã hội của nữ giới; được giải phóng về mặt xã hội là một điều kiện để phụ nữ xây dựng gia đình, góp phần để nam giới đề cao, coi trọng nữ quyền. Hồ Chí Minh căn dặn, phụ nữ phải tham gia vào công việc xã hội, tham gia làm chủ đất nước và đó là quyền lợi, đồng thời là trách nhiệm to lớn mà họ phải “hăng hái nhận lấy”.
Hồ Chí Minh coi việc thực hiện bình đẳng nam nữ, quyền bình đẳng vợ chồng là một trong những nội dung thiết thực, trực tiếp nhất của công cuộc giải phóng phụ nữ, bắt đầu từ gia đình - những tế bào của xã hội, nên Người đặc biệt quan tâm. Người phê phán những biểu hiện tiêu cực trong xã hội như tình trạng coi thường phụ nữ, coi thường vai trò của phụ nữ và công tác phụ nữ... Người đề cập tới quyền bình đẳng và thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng từ yêu cầu của đạo đức, văn hóa, từ trách nhiệm xã hội cũng như từ nghĩa vụ pháp lý, phải tôn trọng Hiến pháp và luật pháp để tôn trọng và bảo vệ quyền lợi, nhân phẩm của phụ nữ, làm cho chị em phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng, được đối xử công bằng, tự do và có cuộc sống hạnh phúc.
Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 đã khẳng định rõ: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động của phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để tham gia sản xuất được tốt” (Bác Hồ phát biểu trong lần về thăm đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình tháng 01/1967).
Giải phóng phụ nữ là công việc của toàn Đảng, Nhà nước, xã hội và nhân dân; phụ nữ còn phải được học văn hóa, được giáo dục - đào tạo để trở thành những công dân dưới chế độ xã hội mới - chủ nghĩa xã hội. Do đó, có thể nói, giải phóng phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp giải phóng của cách mạng và phát triển của dân tộc.
4. Giải phóng phụ nữ về giáo dục, văn hóa
Trong Lời kêu gọi chống nạn thất học tháng 10/1945, Hồ Chí Minh đã viết: “Mọi người Việt Nam phải hiểu hết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu và ứng cử”. Điều đó cho thấy, bên cạnh lĩnh vực chính trị - xã hội, gia đình, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giải phóng phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa. Sau cách mạng tháng Tám, Người đã khuyến khích chị em chịu khó học tập để có khả năng làm chủ đất nước đảm nhiệm những công việc như nam giới. Người rất vui mừng khi thấy phong trào Bình dân học vụ, phụ nữ đã tham gia tích cực làm người dạy học cũng như làm học trò. Người đặc biệt khen ngợi các cụ bà ham học đã làm gương, khuyến khích cho thanh niên noi theo: “Nhiều cụ, tuy tuổi tác đã cao, vẫn cố gắng học chữ, học làm tính. Thật là đáng kính, đáng quý”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của phụ nữ, giải phóng phụ nữ là tư tưởng có tính nhất quán trong suốt cuộc đời lãnh đạo cách mạng của Người. Khẳng định phụ nữ là một lực lượng quan trọng trong đời sống xã hội con người, Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Vì vậy, cách mạng Việt Nam phải đặt ra yêu cầu bức thiết là giải phóng “nửa thế giới” khỏi “xiềng xích nô lệ”, phải “cởi trói” cho phụ nữ.
Nghị quyết số 26-NQ/TW (19/5/2018) của Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%”. Điều đó cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với sự bình đẳng của phụ nữ trong tiến trình phát triển của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay.
ThS. GVC Nguyễn Trung Hiếu
Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất