02-04-2025
Ngày 27/3/2025, Trường Đại học Tiền Giang tổ chức cuộc họp Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đề tài KHCN cấp cơ sở (đề tài KHCN do tỉnh quản lý) “Xây dựng mặt Geoid 2D và 3D cục bộ lưới cao độ code nên cho Thành phố Mỹ Tho” do Tiến sĩ Cao Nguyên Thi – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang làm chủ nhiệm đề tài. Đồng chủ nhiệm: Tiến sĩ Trần Anh Tú (Trường ĐH Bách Khoa, Đại học Quốc Gia TPHCM)
Hội đồng đánh giá gồm: PGS. TS. Lê Minh Tùng - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng; và các thành viên khác, gồm PGS. TS. Nguyễn Việt Kỳ - Nguyên trưởng khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu Khí - Đại học Bách Khoa ; PGS. TS Nguyễn Thị Hồng Điệp - Giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thắng - Phó trưởng khoa KTCN; TS. Bùi Quang Thịnh - Phó trưởng phòng QLKHCN&HTQT: Thư ký hội đồng.
Thành phố Mỹ Tho là một trong những thành phố vùng đồng bằng Sông Cửu Long được thành lập cách nay hơn 300 năm, với diện tích 81,56 km2, và ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư công nghiệp, du lịch và dịch vụ với tốc độ đô thị hóa nhanh. Xét trong bối cảnh chung của những quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt, Mỹ Tho được đánh giá là có khoảng cách hợp lý đến Tp.HCM và Cần Thơ. Từ đó công tác quy hoạch và quản lý đô thị cần có những chính sách phù hợp, trong đó bao gồm cả vấn đề địa hình hiện trạng và cao độ nền.
Việc xây dựng cao độ nền cho một thành phố để phục vụ cho đồng bộ quy hoạch là một vấn đề không hề đơn giản ở Việt Nam do có nhiều yếu tố cần phải quan tâm đến như: hiện trạng cao độ của nền đất tự nhiên và nhân tạo, mức độ lún cố kết nền tự nhiên, dự báo mực nước sông/biển dâng tương đối trong một khoảng thời gian trong tương lai, và các tập quán của cư dân địa phương mà chính quyền chưa đủ căn cứ khoa học để thể bao quát hết được.
Cao độ nền xây dựng được tính toán và xác định trong các đồ án quy hoạch và là yêu cầu bắt buộc trong công tác quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc xác định cao độ nền vẫn còn đang bỏ ngõ, thậm chí ở các đô thị lớn và từng khu vực khác nhau trong đô thị vẫn khó khăn trong việc xác định cao độ nền. Đối với khu vực đồng bằng, như Đồng bằng sông Cửu Long vấn đề cao độ nền sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi thủy triều, mực nước biển dâng, và lún do phát triển đô thị và khai thác nước ngầm làm giảm cao độ nền tự nhiên, chưa kể việc quy hoạch đồng bộ hướng thoát nước để tránh bị ngập cục bộ.
Mỹ Tho có lịch sử hình thành gần 350 năm, là tỉnh lị của tỉnh Tiền Giang, được công nhận là đô thị loại I đầu tiên của cả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long năm 2016, và là đô thị trung tâm của khu vực bắc Sông Tiền. Các đợt triều cường gây ngập lụt được ghi nhận ngày càng gia tăng đạt 1,82m (10/2018). Bề dày tầng đất yếu của Mỹ Tho dao động trung bình khoảng 10-15m đôi chỗ lên đến 26m, nên quá trình cố kết do đô thị hóa sẽ ảnh hưởng đến cao độ nền đất tự nhiên của thành Phố. Ngoài ra, trong quá trình đô thi hóa với việc san lấp nền, cao độ địa hình thay đổi nhanh chóng nên công tác cập nhật phục vụ cho quản lý là vấn đề cần giải quyết.
Do đó, báo cáo kết quả tập trung vào đánh giá phân bố cao độ nền thành phố Mỹ Tho, tốc độ lún của đô thị do nhiều tác động khác nhau, và mực nước triều dâng để làm cơ sở khoa học cho việc quy hoạch đô thị
Hội đồng đã cùng nhau thảo luận và đưa ra những góp ý để nhóm tác giả hoàn thiện chỉnh sửa đế tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang nghiệm thu kết quả. Hội đồng thống nhất xếp loại đề tài đạt loại ĐẠT.
Như Ngà - Phòng QLKHCN&HTQT
Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế