23-10-2022
Chiều ngày 20/10/2022 vừa qua, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức Họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp Trường “Nghiên cứu khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa của dịch trích vỏ chuối” do Ths. Phạm Thị Minh Hoàng (Khoa NN&CNTP) làm chủ nhiệm đề tài. Thành viên tham gia: TS. Nguyễn Hồng Thủy, TS. Trương Quốc Tất, Kỹ sư Nguyễn Duy Khánh (Khoa NN&CNTP).
Hội đồng xét duyệt do TS. Lê Minh Tùng - Phó Hiệu trưởng nhà trường làm Chủ tịch cùng với sự tham gia của các thành viên: ThS. Lê Thị Kim Loan, TS. Đoàn Thị Ngọc Thanh, TS. Nguyễn Trịnh Nhất Hằng - Khoa NN&CNTP; ThS. Phạm Quốc Thịnh - Chuyên viên Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Tiền Giang.
Tóm tắt nội dung nghiên cứu của đề tài:
Chuối (Musa sp.) là loại cây ăn quả nhiệt đới, được trồng ở khắp các tỉnh thành từ Bắc vào Nam với nhiều giống khác nhau. Theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, hiện Việt Nam có khoảng 150.000 ha chuối lấy quả quy mô trang trại, nông trại. Nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối trồng không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng thì diện tích chuối ước đạt trên 200.000 ha, chiếm khoảng 19% tổng diện tích cây ăn trái của cả nước với sản lượng khoảng 1,4 triệu tấn/năm. Quả chuối được dùng để sản xuất thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát,... Tuy nhiên, quả không phải là bộ phận duy nhất có ích trên cây chuối. Theo tính toán, để thu hoạch được 01 tấn quả chuối, người ta phải bỏ đi 10 tấn rác thải gồm vỏ, lá và thân cây. Trong đó, vỏ chuối chiếm 36 - 40% tổng khối lượng của quả nhưng hầu hết bị loại bỏ dưới dạng chất thải hoặc chỉ sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hay sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, phụ phẩm này lại rất giàu hợp chất polyphenols và có thể được sử dụng để làm đẹp hoặc bổ sung vào thực phẩm chức năng.
Polyphenols là hợp chất trao đổi bậc hai từ thực vật chiếm nhiều nhất với hơn 8.000 cấu trúc đã được xác định. Các hợp chất polyphenols tự nhiên có rất nhiều dạng cấu trúc khác nhau, từ những hợp chất đơn giản chứa 02 vòng thơm với 01 hoặc nhiều nhóm hydroxyl (-OH) cho đến những hợp chất polymer có độ phức tạp cao như tannins. Polyphenols có khả năng loại trừ các gốc tự do, tham gia điều biến hoạt động của các enzyme, có tác dụng như chất kháng sinh, chống dị ứng, ngăn ngừa tiêu chảy, ung thư và viêm nhiễm trong thử nghiệm in vitro. Nhiều kết quả thử nghiệm cho thấy chế độ ăn giàu polyphenols sẽ làm hạn chế sự xuất hiện stress oxy hóa và nhiều bệnh liên quan. Ngoài ra, polyphenols chiết xuất từ lá chè xanh có tác dụng chống oxy hóa rất rõ rệt và mạnh hơn nhiều so với ascorbic acid và tocopherol. Tác dụng chống oxy hóa của polyphenols thu được từ lá chè xanh Việt Nam đã được chứng minh trong bảo quản dầu hạt cải.
Xuất phát từ những thực trạng trên, đề tài “Nghiên cứu khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa của dịch trích vỏ chuối (Musa sp.)” đã được thực hiện.
Từ các kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, qua các thí nghiệm, nhóm tác giả đã nghiên cứu và xác định giống chuối và độ chín thích hợp để thu được vỏ chuối có hàm lượng hợp chất TPP cao, thiết lập được quy trình trích ly bột vỏ chuối để thu được dịch trích chứa hợp chất TPP với hàm lượng cao, đánh giá khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa của dịch pha loãng cao chiết vỏ chuối, thử nghiệm sấy phun dịch hòa tan cao chiết vỏ chuối, đánh giá độc tính cấp đường uống của chế phẩm bột hòa tan có chứa hợp chất TPP được thu nhận từ vỏ chuối trên chuột.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học đáng tin cậy để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu cũng như sử dụng quy trình chiết xuất hợp chất TPP để chiết tách hợp chất này từ nguồn phụ phẩm vỏ chuối già từ các công ty chế biến chuối trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long đồng thời là tư liệu phục vụ giảng dạy, học tập thiết thực đối với giảng viên và sinh viên của 02 ngành Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Tiền Giang./.
Quốc Thịnh
Phòng Quản lý khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế