.: Một số giải pháp tạo sự hứng thú cho sinh viên đối với môn Giáo dục thể chất :. 
Chia sẻ

Một số giải pháp tạo sự hứng thú cho sinh viên đối với môn Giáo dục thể chất

06-01-2023

                                                                             

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Đảng và nhà nước ta luôn coi trọng vị trí của công tác thể dục thể thao (TDTT) đối với thế hệ trẻ, xem đó là động lực quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ phát triển hài hoà về các mặt thể chất, tinh thần, trí tuệ và đạo đức.

Công tác GDTC và hoạt động TDTT trong các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp là một mặt giáo dục quan trọng không thể thiếu được trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo góp phần thực hiện mục tiêu: Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước để đáp ứng nhu cầu đổi mới sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội vaø nhà trường là một trong những cơ sở quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này.

Giáo dục thể chất (GDTC) trong các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp  là một bộ phận hữu cơ của mục tiêu giáo dục đào tạo. Đồng thời là một mặt giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ là tiền đề quan trọng trong mọi hoạt động học tập, sinh hoạt của sinh viên. Qua đó rèn luyện cho sinh viên về đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể tác phong công nghiệp nhằm tạo những con người mới trong tư thế sẵn sàng bước vào thế kỷ của khoa học hiện đại.

Ngoài ra, GDTC trong nhà trường các cấp cũng giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển TDTT.  Ngày 24/ 3/ 1994 Ban bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị số 36 CT/ TW về công tác giáo dục TDTT trong giai đoạn mới : "Xây dựng chiến lược phát triển con người là quốc sách hàng đầu để đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam phát triển cả về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần và trong sáng về đạo đức".

Ngày 31/01/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2015/NĐ-CP Quy định về GDTC và hoạt động thể thao trong nhà trường. Trong đó có nhấn mạnh vị trí, mục tiêu GDTC: “Giáo dục thể chất trong nhà trường là nội dung giáo dục, môn học bắt buộc, thuộc chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo, nhằm trang bị cho trẻ em, học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện”.

Ngày 14/10/2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BGDĐT Quy định về chương trình môn học GDTC thuộc các chương trình đào tạo trình độ đại học. Trong đó có nêu mục tiêu: “Chương trình môn học Giáo dục thể chất nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao đnâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, hoàn thiện nhân cách, nâng cao khả năng học tập, kỹ năng hoạt động xã hội với tinh thần, thái độ tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện”.

Như vậy, công tác GDTC trong trường học luôn nhận được sự quan tâm của các cấp từ Trung ương đến Bộ, Ngành.

Ở nước ta, mặc dù GDTC từ lâu đã trở thành môn học chính bắt buộc trong chương trình các cấp học, các ngành học và được toàn xã hội quan tâm, nhưng cho đến nay ở một số Trường công tác này vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu về một số mặt như: cơ sở vật chất (CSVC) còn  thiếu, chương trình quá cứng nhắc, đội ngũ cán bộ giảng viên còn thiếu và còn hạn chế về trình độ chuyên môn, công tác tổ chức quản lý còn nhiều bất cập … dẫn đến sinh viên không hứng thú với môn học này và không ít sinh viên cho rằng môn GDTC nhàm chán, vô bổ và tỉ lệ rớt cao. Không ai có thể phủ nhận lợi ích của tập luyện TDTT, đặc biệt xã hội càng phát triển người dân càng tìm đến TDTT coi TDTT là phương tiện hữu hiệu và tích cực nhất để duy trì và nâng cao sức khỏe, giúp tinh thần sảng khoái hơn sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Vậy tại sao sinh viên lại “sợ”, “lo lắng” khi đăng ký các học phần GDTC? Đó là vấn đề chúng ta cần quan tâm và tìm ra giải pháp để tổ chức giảng dạy môn học này có hiệu quả hơn.

Về thực trạng công tác GDTC hiện nay Bộ giáo dục đào tạo đã nhận định: “Chất lượng giáo dục thể chất còn thấp, giờ dạy thể dục còn đơn điệu, thiếu sinh động…” ( Hội nghị khoa học GDTC và Y tế trường học toàn quốc lần V-2010 tại Nha Trang)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hải – Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo thì : “ GDTC trong các trường Đại học- Cao đẳng hiện nay còn hạn chế là chương trình quá cứng nhắc, nhiều trường không đủ khả năng thực hiện do thiếu cơ sở vật chất. Do giảng viên được đào tạo quá chuyên sâu về một môn nên khó dạy tốt các nội dung khác trong chương trình môn GDTC”. (Phóng viên Thanh Hà thực hiện và đăng trên Việt Báo.Vn ngày 3/1/2007 )

Thấy rõ được thực trạng này Đảng và Nhà nước ta đã đề ra một số giải pháp cho công tác GDTC ở tất cả các trường các cấp. Điều đó được thể hiện trong Chỉ thị 36 của Ban chấp hành Trung ương Đảng: “Hiệu quả GDTC trong các nhà trường còn thấp, hai ngành GD - ĐT và Thể dục Thể thao phối hợp chỉ đạo cải tiến chương trình giảng dạy, tiêu chuẩn rèn luyện thân thể, đào tạo giáo viên TDTT cho trường học các cấp, tạo điều kiện cần thiết về CSVC để thực hiện chế độ GDTC ở tất cả các trường học”.

Như vậy, sự đổi mới trong chương trình dạy thể dục, đổi mới trong tổ chức quản lý tại các trường học là cần thiết; làm thế nào để sinh viên thật sự hứng thú với môn học thì chất lượng GDTC mới đạt được hiệu quả cao.

Trong Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTC, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2022-2023 của Bộ giáo dục và Đào tạo có nhấn mạnh: “Tổ chức, thực hiện hiệu quả chương trình môn học GDTC, bố trí thời gian hợp lý, khoa học góp phần nâng cao chất lượng giờ học; đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và cách đánh giá tạo hứng thú, yêu thích môn học, không gây áp lực cho học sinh, sinh viên…”.

Cùng chia sẽ với thực trạng trên, chúng tôi đề xuất 10 nhóm giải pháp để tạo sự hứng thú cho sinh viên khi học môn GDTC:

1. Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của sinh viên về vị trí, vai trò và tác dụng của TDTT.

2. Cải tiến chương trình theo hướng mở đáp ứng nhu cầu của sinh viên, hạn chế sự lặp lại những kỷ năng vận động cơ bản mà sinh viên đã học ở cấp phổ thông. Ví dụ như hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội có 04 môn học GDTC cho sinh viên là: Golf, Bóng bán, Võ thuật tự vệ và khiêu vũ. Hay Trường Đại học Hoa sen có 04 nhóm môn: nhóm môn bóng, nhóm môn võ thuật, nhóm môn thể dục thể hình-nhảy, nhóm môn thể thao giải trí để sinh viên tự lựa chọn đăng ký học.

3. Cải tiến phương pháp, hình thức và nội dung giảng dạy theo hướng nâng cao lượng vận động, tăng cường sức khoẻ cho người học.

4. Bố trí thời gian hợp lý, khoa học góp phần nâng cao chất lượng giờ học.

5. Thường xuyên nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên (theo hướng chuyên môn hóa).

6. Tận dụng điều kiện sẵn có, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác GDTC.

7. Phát huy thế mạnh của nhà trường; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

8. Tăng cường hoạt động ngoại khoá, xây dựng các câu lạc bộ TDTT trong sinh viên.

9. Cải tiến việc kiểm tra đánh giá chất lượng GDTC; Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá phù hợp. Tạo điều kiện để mỗi sinh viên tham gia kiểm tra và tự kiểm tra trong quá trình học, kiểm tra và thi kết thúc học phần.

10. Xây dựng cơ chế quản lý theo hướng “nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng, gây áp lực cho sinh viên”;

Bài viết mang tính định hướng, chúng tôi hy vọng rằng với các giải pháp trên sinh viên sẽ hứng thú, yêu thích môn GDTC hơn.

Võ Trần Thái, Trần Thanh Phong

Khoa LLCT-GDQP&TC

 

 

Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất