.: Thẩm định chương trình đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường Đại học Tiền Giang theo hướng tiếp cận CDIO :. 

Thông báo

>> xem thêm

Giới thiệu

Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:

Chia sẻ

Thẩm định chương trình đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường Đại học Tiền Giang theo hướng tiếp cận CDIO

28-09-2023

Ngày 04/8/2023 vừa qua, tại Trường Đại học Tiền Giang đã diễn ra buổi họp hội đồng thẩm định chương trình đào tạo (CTĐT) Đại học ngành Nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng tiếp cận CDIO của Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm Trường đại học Tiền Giang. Sau 2 giờ làm việc nghiêm túc, kết quả 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua chương trình đào tạo ngành NTTS theo CDIO.

Tham gia hội đồng thẩm định CTĐT ngành NTTS (mã 7620301) có 5 thành viên gồm: Chủ tịch Hội đồng là TS. Nguyễn Viết Thịnh (Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Tiền Giang), Phản biện 1 là PGS. TS. Vũ Cẩm Lương (Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), Phản biện 2 là TS. Võ Thị Tuyết Minh (Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh), Ủy viên là ThS. Trần Hoàng Tuân (Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Vibo), Thư ký là TS. Trương Văn Phước (Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Tiền Giang).

Hình 1. Họp hội đồng thẩm định CTĐT ngành NTTS theo hướng tiếp cận CDIO

Bản mô tả, cấu trúc và các nội dung của CTĐT ngành NTTS được hội đồng thẩm định đánh giá rất tích cực và thiết thực. CTĐT ngành NTTS được xây dựng dựa trên Chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, có khảo sát nhu cầu của thị trường lao động vùng Đồng bằng Sông cửu Long và khảo sát ý kiến đánh giá của các bên liên quan (nhà sử dụng lao động, cựu người học, chuyên gia, người học và giảng viên). Bên cạnh đó, CTĐT còn tham khảo CTĐT ngành NTTS từ một số trường khác ở Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu người học, đặc biệt là phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế biển, sản xuất NTTS trên địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, mục tiêu của CTĐT đảm bảo được tính tích hợp, mô tả được các chuẩn đầu ra của người học, sau khi hoàn thành chương trình người học có đủ kiến thức, kỹ năng và mức tự chủ trách nhiệm để đáp ứng tốt nhu cầu làm việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hội đồng thẩm định cũng chỉ ra những điểm hạn chế mà nhóm xây dựng CTĐT ngành NTTS cần chỉnh sửa, bổ sung để CTĐT được hoàn thiện hơn.

Hình 2. Các thành viên tổ xây dựng CTĐT ngành NTTS lắng nghe các ý kiến góp ý, nhận xét từ các thành viên hội đồng thẩm định

Hình 3. TS. Nguyễn Viết Thịnh, chủ tịch hội đồng thẩm định kết luận thông qua bản mô tả CTĐT đại học ngành NTTS theo hướng tiếp cận CDIO

CTĐT ngành NTTS theo định hướng CDIO của Trường Đại học Tiền Giang đã được thông qua là kết quả sự nỗ lực của Trường Đại học Tiền Giang, Khoa Nông nghiệp và CNTP, Bộ môn NTTS-KHMT và các cá nhân trong Tổ Xây dựng CTĐT ngành NTTS. Kết quả đó sẽ được vận dụng vào thực tiễn đào tạo, giảng dạy chương trình Đại học ngành NTTS từ khóa 2023 về sau. Giảng dạy ngành NTTS theo hướng tiếp cận CDIO là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo ngành NTTS của Trường Đại học Tiền Giang trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Việc xây dựng, áp dụng đào tạo ngành NTTS theo hướng tiếp cận CDIO dựa trên triết lí phát triển năng lực trụ cột của người học đáp ứng được các nguyên lí, triển khai quy trình và hệ thống - Hình thành ý tưởng (Conceive) – Thiết kế (Design) – Triển khai (Implement) và Vận hành (Operate) trong bối cảnh của doanh nghiệp và xã hội. Người học ngành NTTS tại Trường Đại học Tiền Giang được học tập, nghiên cứu theo định hướng CDIO sẽ là nguồn lao động có chất lượng tốt; có kiến thức, kỹ năng, thái độ có tính cập nhật, bám sát nhu cầu thực tiễn sản xuất; sau khi tốt nghiệp người học sẽ đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực NTTS.

Nguyễn Công Tráng - Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm.

Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm