.: MỘT SỐ LỖI CẦM VỢT SINH VIÊN THƯỜNG MẮC PHẢI TRONG MÔN CẦU LÔNG, NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC :. 

Tag

hung;

Thông báo

>> xem thêm

Giới thiệu

Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:

Chia sẻ

MỘT SỐ LỖI CẦM VỢT SINH VIÊN THƯỜNG MẮC PHẢI TRONG MÔN CẦU LÔNG, NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

28-10-2024

MỘT SỐ LỖI CẦM VỢT

SINH VIÊN THƯỜNG MẮC PHẢI TRONG MÔN CẦU LÔNG,

NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC

1. MỞ ĐẦU

Tại Trường Đại học Tiền Giang, Cầu lông là môn thể thao tự chọn được phần lớn sinh viên yêu thích, lựa chọn. Tuy nhiên, để chơi cầu lông hiệu quả, kỹ thuật cầm vợt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cầm vợt đúng kỹ thuật không chỉ giúp tăng cường lực đánh, điều khiển cầu chính xác mà còn giảm nguy cơ chấn thương.

Trong thực tế giảng dạy học phần này cho sinh viên Trường Đại học Tiền Giang trong nhiều năm qua nhận thấy, sinh viên khó tiếp thu được các kỹ thuật tay được giảng dạy trong nội dung chương trình môn học. Các lỗi này xuất phát từ việc sinh viên cầm vợt chưa đúng cách, chưa đúng kỹ thuật. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp thu kĩ thuật động tác và sự phát triển kỹ năng của sinh viên.

Trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích những lỗi cầm vợt phổ biến mà sinh viên thường mắc phải trong môn cầu lông, nguyên nhân dẫn đến những lỗi này và đề xuất các phương pháp khắc phục.

2. NỘI DUNG

2.1. Một số lỗi cầm vợt sinh viên thường mắc phải trong quá trình học các học phần tự chọn môn Cầu lông tại Trường Đại học Tiền Giang

2.1.1. Cầm vợt quá chặt hoặc quá lỏng

2.1.1.1. Cầm vợt quá chặt

Một trong những lỗi phổ biến nhất là sinh viên thường cầm vợt quá chặt. Khi cầm vợt quá chặt, các cơ tay bị căng cứng, dẫn đến giảm sự linh hoạt và tốc độ trong

các động tác đánh cầu. Điều này không chỉ làm giảm hiệu suất chơi mà còn dễ gây mỏi cơ và chấn thương.

                          

2.1.1.2. Cầm vợt quá lỏng

Ngược lại, cầm vợt quá lỏng khiến vợt không ổn định trong tay, dễ bị xoay chuyển khi đánh cầu, dẫn đến mất kiểm soát và giảm độ chính xác của các cú đánh.

2.1.2. Sai tư thế ngón cái và ngón trỏ

Ngón cái và ngón trỏ của tay cầm vợt đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các kỹ thuật động tác

2.1.2.1. Ngón cái đặt sai vị trí

Nhiều sinh viên đặt ngón cái không đúng vị trí, thường là quá cao/thấp hoặc đặt ngón cái sai vị trí trên cán vợt. Ngón cái nên đặt ở mặt phẳng sau (hay 1 trong 2 cạnh lớn) của cán vợt để tạo điểm tựa và giúp điều khiển vợt tốt hơn.

Hình 3. Ngón cái đặt sai vị trí

2.1.2.2. Ngón trỏ không đóng vai trò hỗ trợ

Ngón trỏ nên đặt dọc theo cạnh bên của cán vợt để tạo sự ổn định và hỗ trợ trong việc điều khiển vợt. Nhiều sinh viên để ngón trỏ quá lỏng hoặc không đúng vị trí, dẫn đến giảm kiểm soát vợt.

Hình 4. Ngón trỏ đặt sai vị trí

2.1.3. Cầm vợt ở vị trí không cân đối

2.1.3.1. Cầm vợt quá gần đầu vợt

Một số sinh viên có xu hướng cầm vợt quá gần đầu vợt, điều này làm giảm khả năng tạo lực và kiểm soát cú đánh. Trong thực tế, cầm vợt tại vị trí phía trên của cán vợt thường sẽ phù hợp với các kỹ thuật trên lưới, ví dụ như: bỏ nhỏ, kéo lưới hoặc chụp cầu . Tuy nhiên, có nhiều sinh viên thường cầm vợt cố định tại 1 vị trí, điều này sẽ dẫn đến việc thiếu linh hoạt và khó điều khiển mặt vợt.

2.1.3.2. Cầm vợt quá gần đuôi vợt

Ngược lại, cầm vợt quá gần đuôi vợt làm giảm sự linh hoạt trong việc điều chỉnh hướng cầu và tốc độ phản ứng. Cách cầm vợt này thường sẽ phù hợp với các kỹ thuật như đập cầu, phông cầu.

2.2. Nguyên nhân dẫn đến các lỗi cầm vợt

2.2.1. Thiếu kiến thức và hướng dẫn kỹ thuật

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các lỗi cầm vợt là do sinh viên thiếu kiến thức cơ bản về kỹ thuật cầm vợt đúng. Sự hướng dẫn không đầy đủ hoặc thiếu sự thực hành kỹ thuật chính xác trong các buổi học cũng góp phần làm gia tăng các lỗi này.

2.2.2. Thiếu thực hành và rèn luyện thường xuyên

Kỹ thuật cầm vợt đúng đòi hỏi sự luyện tập thường xuyên để hình thành thói quen. Thiếu thời gian và sự kiên nhẫn trong việc thực hành dẫn đến việc sinh viên không thể nắm vững kỹ thuật cơ bản.

2.2.3. Thiếu thiết bị và dụng cụ hỗ trợ

Vợt được trang bị cho các lớp học phần tự chọn môn Cầu lông tại Trường Đại học Tiền Giang chưa đảm bảo về chất lượng, cán vợt sẽ bị xoay sau 1 thời gian ngắn tập luyện, lưới chưa đủ độ căng, cán vợt chỉ có 1 kích cỡ chu vi cán vợt,… Sự thiếu hụt thiết bị và dụng cụ hỗ trợ như vợt cầu lông đủ chất lượng, phù hợp với tay người chơi cũng là một yếu tố góp phần vào việc sinh viên mắc phải các lỗi cầm vợt.

2.3. Phương pháp khắc phục các lỗi cầm vợt

2.3.1. Hướng dẫn kỹ thuật cầm vợt đúng

2.3.1.1. Các bài học lý thuyết

Tăng cường giảng dạy lý thuyết về kỹ thuật cầm vợt đúng trong các buổi học, bao gồm cả việc sử dụng hình ảnh và video minh họa để sinh viên dễ dàng nắm bắt.

2.3.1.2. Thực hành kỹ thuật

Tổ chức các buổi thực hành kỹ thuật cầm vợt dưới sự hướng dẫn của giảng viên có kinh nghiệm, giúp sinh viên sửa chữa các lỗi cầm vợt ngay lập tức.

2.3.2. Tạo điều kiện thực hành thường xuyên

2.3.2.1. Thiết lập các buổi tập luyện thường xuyên

Thiết lập các buổi tập luyện cầu lông thường xuyên trong tuần để sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng và củng cố kỹ thuật cầm vợt.

2.3.2.2. Khuyến khích tham gia các câu lạc bộ cầu lông

Khuyến khích sinh viên tham gia các câu lạc bộ cầu lông để có môi trường luyện tập tốt hơn và học hỏi từ các bạn chơi cùng.

2.3.3. Cung cấp dụng cụ hỗ trợ phù hợp

2.3.3.1. Đảm bảo chất lượng vợt cầu lông

Đảm bảo rằng sinh viên được trang bị vợt cầu lông đủ chất lượng, phù hợp với kích thước và sức lực của họ, giúp họ dễ dàng thực hiện các kỹ thuật cầm vợt đúng.

2.3.3.2. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ khác

Cung cấp các thiết bị hỗ trợ như băng quấn cán vợt để giúp sinh viên cầm vợt chắc chắn và thoải mái hơn.

3. KẾT LUẬN

Cầm vợt đúng kỹ thuật là yếu tố then chốt để chơi cầu lông hiệu quả và an toàn. Việc nhận diện và khắc phục các lỗi cầm vợt phổ biến mà sinh viên thường mắc phải không chỉ giúp cải thiện hiệu suất chơi mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe của người chơi. Bằng cách tăng cường hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện thực hành thường xuyên và cung cấp dụng cụ hỗ trợ phù hợp, chúng ta có thể giúp sinh viên nắm vững kỹ thuật cầm vợt đúng và phát triển kỹ năng chơi cầu lông một cách toàn diện.

Đồng thời, việc tiếp tục nghiên cứu và cải tiến các phương pháp giảng dạy, luyện tập trong môn cầu lông sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thúc đẩy phong trào thể thao trong cộng đồng sinh viên, từ đó tạo ra những thế hệ trẻ khỏe mạnh và yêu thích thể thao.

                                                  NGUYỄN THẾ HÙNG

 

Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất