Công đoàn
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:
22-05-2018
Năng động, nhiệt tình, hòa đồng với mọi người, hết lòng vì công việc, say mê nghiên cứu khoa học và làm theo lời Bác là nhận xét của đồng nghiệp, sinh viên về thạc sĩ Nguyễn Vân Ngọc Phượng - Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm, Phó Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Tiền Giang.
Cô Nguyễn Vân Ngọc Phượng và sinh viên tại Phiên chợ công nhân năm 2018
* Say mê nghiên cứu khoa học
Cô Nguyễn Vân Ngọc Phượng sinh ngày 27/10/1972 tại thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 1996, cô tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Cần Thơ. Cô về công tác tại Xí nghiệp Liên hiệp xuất khẩu Rau quả (nay là Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang) tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Với mong muốn được học tập nâng cao trình độ, học thêm nhiều kiên thức mới cũng như mong muốn truyền đạt các kiến thức của mình cho thế hệ mai sau nên giữa năm 1998, chị chuyển sang công tác về Trung tâm Đào tạo tại chức liên tỉnh Tiền Giang - Long An - Bến Tre với vị trí là chuyên viên phòng Đào tạo. Trong thời gian này, chị tranh thủ học và hoàn thành chương trình cao học chuyên ngành Công nghệ thực phẩm. Đến năm 2000, Trung tâm Đào tạo tại chức liên tỉnh Tiền Giang - Long An - Bến Tre được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Cộng đồng Tiền Giang, rồi Trường Đại học Tiền Giang (2005). Cô Ngọc Phượng được nhà trường tín nhiệm giữ nhiều trọng trách như: Phó Trưởng khoa Khoa Công nghệ, Trưởng bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Phó Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm. Hiện tại, cô là Phó Trưởng khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm và kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Nữ công của Trường Đại học Tiền Giang.
Không chỉ giỏi về chuyên môn và công tác quản lý, cô Ngọc Phượng còn say mê nghiên cứu khoa học. Cô và đồng nghiệp đã thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học như: “Ứng dụng mô hình toán học RASCH để quy trình hóa việc xây dựng ngân hàng để thi trắc nghiệm khách quan ở Trường Đại học Tiền Giang” (cấp tỉnh năm 2007), “Nghiên cứu công nghệ chế biến rau má tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang” (cấp huyện năm 2008); “Nghiên cứu chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm từ trái khóm” (cấp tỉnh năm 2011); “Nghiên cứu chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm từ trái sơ ri (cấp tỉnh năm 2011), “Hoàn thiện quy trình sản xuất xoài sấy” (cấp cơ sở năm 2015) “Nghiên cứu quy trình chế biến bánh dứa, bánh xoài dạng bản mỏng” (cấp tỉnh năm 2016), “Nghiên cứu quy trình nghiên cứu bánh khoai mỡ” (cấp cơ sở năm 2017), “Xây dựng chuẩn đầu ra (cấp 3) ngành công nghệ thực phẩm trình độ đại học theo mô hình CDIO” (cấp cơ sở năm 2017), đang thực hiện đề tài “Xây dựng chương trình đào tạo ngành công nghệ thực phẩm trình độ đại học theo mô hình CDIO”
Bên cạnh đó, chị Ngọc Phượng và đồng nghiệp còn tham gia viết nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí trong và ngoài trường như: Khảo sát quá trình trích ly và kết tủa pectinase từ canh trường nuôi cấy nấm mốc theo phương pháp bề mặt Aspergillus ficuum; Nghiên cứu chế biến nước atisô đóng lon; Nghiên cứu chế biến nước rau má đóng chai; Nghiên cứu chế biến khô cá lóc tẩm gia vị, ăn liền; Nghiên cứu chế biến trà xanh, mật ong, hương bạc hà; Nghiên cứu chế biến trà thảo mộc, Nghiên cứu chế biến xoài sấy tẩm gia vị; Nâng cao hiệu quả thực tập ngoài trường của sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm – trường Đại học Tiền Giang; Nghiên cứu chế biến bánh dứa dạng bản mỏng; Nghiên cứu chế biến bánh khoai mỡ...
Ngoài ra, cô Ngọc Phượng còn tích cực cùng đồng nghiệp tham gia xây dựng nhiều chương trình đào tạo của trường: Trung cấp Công nghệ thực phẩm (năm 2007), Đại học Công nghệ thực phẩm (năm 2011), Cao đẳng Công nghệ sau thu hoạch (năm 2011), Trung cấp Phát triển nông nghiệp, nông thôn (năm 2013) và tham gia cải tiến, đổi mới 3 chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, giảm tải: Đại học Công nghệ thực phẩm và Cao đẳng Công nghệ thực phẩm (năm 2012); Cao đẳng Phát triển nông nghiệp, nông thôn (năm 2014), chuyển đổi chương trình cao đẳng nghề ngành Công nghệ thực phẩm năm 2017. Các chương trình đào tạo này đang được áp dụng giảng dạy tại Trường Đại học Tiền Giang, có cấu trúc, nội dung phù hợp với trình độ của người học, nhu cầu lao động của xã hội. Thống kê năm 2017, hơn 85% sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm ra trường đều có việc làm.
Đặc biệt, cô Ngọc Phượng còn tham gia bồi dưỡng nhiều tài năng trẻ. Trong thời gian qua, nhiều sinh viên được cô bồi dưỡng đã hoàn thiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học mang lại hiệu quả như: Sinh viên Lê Thị Hiếu và Trần Thị Thùy (Cao đẳng Công nghệ thực phẩm khóa 10) tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ X, năm 2012 - 2013, đoạt giải Khuyến khích; hướng dẫn 2 nhóm sinh viên thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất trà xanh nha đam” và “Nghiên cứu quy trình chế biến đu đủ sấy tẩm gia vị”, cả 2 đề tài được xếp loại A cấp trường năm 2014; Hướng dẫn các sinh viên Đặng Thiên Hương, Nguyễn Xuân Điểu và Nguyễn Thị Mỹ Duyên tham dự Cuộc thi “Sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn cho tài năng trẻ” dành cho sinh viên các trường đại học phía Nam, do Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Công ty tổ chức triển lãm phụ gia thực phẩm quốc tế UBM (Hà Lan) và Liên hiệp Công nghệ thực phẩm Việt Nam (VAFOST) đồng tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, với kết quả lọt vào tốp 15 sản phẩm vô vòng chung kết xếp hạng năm 2015; Hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình chế biến khoai mỡ sấy tẩm phomai” được xếp loại A cấp trường 2016. Hướng dẫn các sinh viên Đỗ Lan Nhi, Phan Thị Thúy An, Nguyễn Minh Nhân tham dự Cuộc thi “Young Achievers’ safe food awards – Thực phẩm an toàn cho tài năng trẻ” dành cho sinh viên 3 nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, do Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, Công ty tổ chức triển lãm phụ gia thực phẩm quốc tế UBM (Hà Lan) và Liên hiệp Công nghệ thực phẩm Việt Nam (VAFOST) đồng tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, với kết quả lọt vào tốp 20 sản phẩm vô vòng chung kết xếp hạng năm 2018.
Cô Nguyễn Vân Ngọc Phượng và đồng nghiệp tại Lễ bế mạc Hội thao viên chức TGU năm 2018
* Đam mê hoạt động công đoàn
Từ khi nhận thêm nhiệm vụ Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và Trưởng Ban Nữ công của Trường Đại học Tiền Giang, nhiệm kỳ 2017-2022, mặc dù công việc bận rộn nhưng cô Ngọc Phượng đã bố trí, sắp xếp công việc phù hợp. Cô luôn phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo nhà trường và BCH Công đoàn nhà trường, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho công đoàn viên, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn, quan tâm công tác nữ công và xây dựng cơ sở công đoàn trong sạch vững mạnh. Nhờ có nhiều đổi mới, sáng tạo và các hoạt động phù hợp nên các phong trào thi đua do Công đoàn nhà trường và Ban Nữ công phát động được đoàn viên công đoàn tích cực hưởng ứng.
Với vai trò Trưởng ban Nữ công nhà trường, chị Ngọc Phượng đã chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc nước - đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ, hạnh phúc”. Chị còn thường xuyên vận động chị em đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể như thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện..., qua đó động viên chị em phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ có nhiều đổi mới, sáng tạo và các hoạt động phù hợp nên các phong trào thi đua do Công đoàn trường và Ban Nữ công phát động được đoàn viên công đoàn tích cực hưởng ứng và tham gia.
Do đặc thù của Công đoàn Trường Đại học Tiền Giang có đoàn viên nữ chiếm tỷ lệ cao, những hoạt động về giới gắn với phong trào thi đua: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xây dựng “Gia đình văn hóa” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” luôn được chị cùng tập thể BCH Công đoàn quan tâm đầu tư. Các ngày lễ 8/3, 1/6, 20/10 và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 luôn trở thành ngày hội của đoàn viên công đoàn nhà trường. Với những gia đình đoàn viên công đoàn kém may mắn, cô luôn sâu sát nắm tình hình, động viên chia sẻ kịp thời, cùng tập thể có biện pháp giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, nhất là nhà ở. Thời gian qua, Công đoàn Trường Đại học Tiền Giang đã trao tặng hang trăm suất quà, hỗ trợ vốn và xây mới 03 căn nhà “Mái ấm công đoàn” với số tiền hàng trăm triệu đồng cho các đoàn viên công đoàn khó khăn.
Từ những hoạt động thiết thực trên, cô đã góp phần không nhỏ tạo nên sự đoàn kết gắn bó giữa các công đoàn viên của nhà trường, giúp mọi người yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Cô Ngọc Phượng chia sẻ: “Hoạt động Công đoàn đòi hỏi cần có lòng nhiệt tình với công việc. Sau nhiều năm hoạt động thì bản thân đúc rút kinh nghiệm, đồng thời học hỏi qua bạn bè, đồng nghiệp. Với sự quan tâm giúp đỡ của cấp uỷ Đảng, LĐLĐ tỉnh, bản thân tôi đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.
Năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc được giao cũng như với tổ chức Công đoàn, nhiều năm liền cô Nguyễn Vân Ngọc Phượng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh. Năm 2012, chị được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen đạt thành tích “Trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2007-2008 đến năm học 2011-2012, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”. Năm 2014, chị được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Ngoài ra, chị còn được nhận được nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Liên đoàn lao động tỉnh Tiền Giang.
Có thể nói, kết quả từ các phong trào thi đua chính là nguồn động viên khuyến khích cô tiếp tục làm tốt hơn nhiệm vụ của người cán bộ nữ công đoàn, là chỗ dựa tin cậy cho viên chức và công đoàn viên nhà trường. Đây chính là nguồn động viên to lớn để cô dành tâm, trí, lực vào hoạt động Công đoàn.
VĨNH SƠN