.: Sinh viên ngành Văn hóa học của Trường Đại học Tiền Giang tham quan Thực tế văn hoá cơ sở 1 :. 

Thông báo

>> xem thêm

Giới thiệu

Khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:

Chia sẻ

Sinh viên ngành Văn hóa học của Trường Đại học Tiền Giang tham quan Thực tế văn hoá cơ sở 1

23-10-2024

Nhằm phân tích, đánh giá được một số vấn đề thực tế thuộc lĩnh vực văn hoá vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, từ ngày 14-16/10/2024, Bộ môn Văn hóa xã hội (Khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản của Trường Đại học Tiền Giang) đã tổ chức cho 16 sinh viên ngành Văn hóa học khóa 22 tham quan thực tế văn hoá cơ sở 1 tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang.

Dưới sự hướng dẫn của TS. Võ Văn Sơn (Giảng viên Bộ môn Văn hóa xã hội), trong chuyến tham quan thực tế văn hoá cơ sở 1 (Mã học phần: 04432), các bạn sinh viên đã có cơ hội áp dụng những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ được học vào thực tế thông qua các hoạt động tham quan, khảo sát các di sản văn hóa ở một số tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Qua chuyến tham quan lần này, bạn Lê Tấn Lộc (Bí thư Chi đoàn lớp Văn hóa học khóa 22) chia sẻ: “Khi được tham gia chuyến tham quan thực tế liên quan đến chuyên ngành mình học, em và cả lớp rất mong chờ. Đây cũng là chuyến đi đầu tiên trong của lớp. Suốt chuyến tham quan, chúng em được giảng viên hướng dẫn giới thiệu về những điều độc lạ của vùng đất An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, nơi giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc như Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Thật sự đối với em, đây là chuyến tham quan rất bổ ích cho chuyên ngành học của mình. Cả lớp rất háo hức và sẵn sàng cho các chuyến thực địa trong các môn học tiếp theo.”

Với định hướng đào tạo gắn liền thực tiễn, kết hợp với mục tiêu đem đến cho sinh viên nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc về hoạt động văn hóa cơ sở, Bộ môn Khoa học xã hội của Khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan thực tế cho sinh viên ngành Văn hóa học. Chuyến tham quan thực tế đã giúp cho các bạn sinh viên học hỏi thêm được nhiều kiến thức bổ ích và lý thú. Đây là một cơ hội trải nghiệm tuyệt vời của sinh viên khi lần đầu bước ra khỏi khuôn khổ của những trang sách, lời giảng để tiếp cận với môi trường làm việc thực tế. Bên cạnh đó chuyến đi cũng là dịp để các bạn gắn kết, biết quan tâm nhau hơn và trưởng thành về mọi mặt.

Một số hình ảnh về tham quan thực tế văn hoá cơ sở 1 tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang

Đoàn tham quan Di tích Chiến thắng Ấp Bắc được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp Quốc gia năm 1993. Khu di tích tọa lạc tại xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất miền Nam kể từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ vào ngày 2-1-1963, báo hiệu sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" mà Mỹ áp dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đến với khu di tích, du khách sẽ được đi trong quần thể rộng lớn với 2 phân khu chức năng. Khu vực 1 gồm có tượng đài, nhà mộ 3 chiến sĩ gang thép, 3 hồ sen lớn, nhà trưng bày xe tăng, máy bay, công viên với nhiều loại cây kiểng. Khu vực 2 gồm có nhà trưng bày hiện vật, phía dưới là hồ sen, bên trái là quảng trường và công viên được trồng cây cảnh; phía sau là những mô hình được phục chế tái hiện cảnh dân quân tải thương, nấu cơm, trảng xê, hầm bí mật. Xa xa ngoài cánh đồng rộng lớn là những biểu tượng máy bay, xe tăng địch bị bốc cháy.

Đoàn tham quan Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975 và khánh thành vào ngày 13/2/1977.  Đến ngày 9/4/1992 Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nằm trong quần thể Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc là Mô hình nhà sàn Bác Hồ và Ao Sen Đồng Tháp, được khởi công xây dựng vào ngày 19/5/1990 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, mô hình nhà sàn Bác được xây dựng theo tỉ lệ 1:1. 

Ðền thờ vua Hùng tại Thành phố Cần Thơ là công trình văn hóa, tâm linh độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia; là một trong hai điểm du lịch tiêu biểu của Thành phố được du khách yêu thích. Đền thờ tọa lạc tại đường Võ Văn Kiệt - Đặng Văn Dầy, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ có tổng diện tích khoảng 3,9 ha, gồm các hạng mục: Đền thờ chính, nghi môn, nhà điều hành, nhà dịch vụ, nhà bia, sân đường, cây xanh, hồ điều hòa… Trong đó, cổng chính lấy ý tưởng thiết kế từ hoa văn nhà sàn mái hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn, được ốp đá xanh Thanh Hóa, có cửa chính và 2 cửa phụ, phía trên nổi bật dòng chữ “ĐỀN THỜ VUA HÙNG”.

Được hình thành từ đầu thế kỷ 20, Chợ nổi Cái Răng là nơi người dân miền Tây đến đây trao đổi, mua bán hàng hóa, đặc biệt là các đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ nổi Cái Răng nằm ngay ngã ba sông (nhánh sông Hậu và sông Cái Răng). Bởi vì tọa lạc ở vị trí đắc địa, vùng nước nông chứ không sâu nên tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu. Dần dần, tàu thuyền đến đây neo đậu ngày càng nhiều và trở thành một phiên chợ nổi vô cùng náo nhiệt. Vào năm 2016, Chợ nổi Cái Răng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành niềm tự hào của người dân miền Tây sông nước.

Miếu Bà Chúa Xứ tọa lạc dưới chân núi Sam thuộc phường núi Sam; thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang; Việt Nam. Miếu Bà Chúa Xứ có rất nhiều truyền thuyết huyền bí xung quanh hoàn cảnh ra đời của ngôi miếu; được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Miếu Bà có bố cục kiểu chữ “Quốc”; hình khối tháp dạng hoa sen nở; mái tam cấp ba tầng lầu; lợp ngói đại ống màu xanh; góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Các hoa văn ở cổ lầu chánh điện thể hiện đậm nét nghệ thuật.

Lăng Thoại Ngọc Hầu còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc nguyên vẹn hiếm hoi tiêu biểu thời nhà Nguyễn còn lại ở đất phương Nam. Đây là một công trình bề thế, tuyệt mỹ, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc. Nhìn tổng thể từ xa, bên triền núi Sam cạnh bờ kinh Vĩnh Tế, khu lăng mộ uy nghi đường bệ, xanh um những tàn cây đại thụ. Sơn Lăng nằm dưới chân núi Sam, bên cạnh vô vàn các di tích khác, nhưng kỳ lạ thay lại không bao giờ ồn ào náo nhiệt như các lăng miếu khác ở đây mà luôn có một không khí lặng lẽ, trang nghiêm, thành kính. Lăng vừa là lăng mộ, vừa bao gồm đền thờ, thờ Nguyễn Văn Thoại, tức Thoại Ngọc Hầu, một vị quan triều Nguyễn, được triều đình cử vào khai phá và trấn giữ An Giang.

Khu Di tích lăng Mạc Cửu thuộc quần thể di tích Bình San được xếp hạng là khu danh thắng quốc gia từ năm 1989 nằm trên đường Mạc Cửu dưới chân núi Bình San, thuộc phường Bình San, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Theo sử sách ghi lại, Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước đưa gia đình lên thuyền xuôi Nam. Năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã dừng lại ở đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến 8-1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm “Tổng trấn Hà Tiên”. Mặc dù đã dâng Hà Tiên cho nhà Nguyễn, nhưng Chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn cho Mạc Cửu quyền tự chủ tại vùng đất này, duy trì truyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương. Trải qua 7 đời nắm quyền, dòng họ Mạc đã biến vùng đất Hà Tiên hoang sơ thành một trong những địa điểm buôn bán sầm uất nhất trong khu vực.

Chùa Phù Dung còn có một tên gọi khác là chùa Phù Cừ, nằm dưới chân núi Bình San, phường Bình San, thành phố Hà Tiên, Kiên Giang. Là một trong những danh lam cổ tự của miền đất Hà Tiên hiền hòa thơ mộng, chùa Phù Dung không chỉ điểm tô cho non nước cõi biên thùy nét uy nghiêm trầm mặc của một ngôi già lam mà còn làm say lòng du khách bởi phát tích câu chuyện tình diễm lệ của ngài Tổng trấn và “nàng Ái cơ trong chậu úp”. Chùa Phù Dung gắn liền với sự tích của người nằm trong ngôi mộ cổ đó là bà Phù Dung, mà sau này người đời còn đặt cho một cái tên khác nữa, là bà Dì Tự, vị sư nữ đầu tiên trụ trì ở chùa.

VĨNH SƠN

Khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản