.: Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghề giáo :. 

Tag

;

Thông báo

>> xem thêm

Giới thiệu

Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất
Địa chỉ:119, Ấp Bắc, Phường 5, TP. Mỹ Tho – Tiền Giang
Điện thoại liên hệ:
Email:

Chia sẻ

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghề giáo

19-11-2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem nghề giáo là nghề rất vẻ vang và người giáo viên có vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội. Người giáo viên phải có đủ cả đức, tài và nội dung, phương pháp dạy của giáo viên ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), bài viết điểm lại một số nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà giáo.

1. Vai trò, vị trí của nhà giáo trong xã hội

Sinh thời, Hồ Chí Minh có nhiều cách để nhắc về nhà giáo: cô giáo, thầy giáo, người thầy, giáo viên (GV), nghề thầy giáo, nhà văn hóa, thầy dạy học, chiến sĩ ngành giáo dục.

Hồ Chí Minh đề cao vai trò của các nhà giáo đối với xã hội, người thầy có địa vị rất quan trọng và rất vẻ vang: “Nhiệm vụ của giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa” và “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10/1964), Người nói: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Theo Hồ Chí  Minh, người thầy, người trí thức, người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa có sứ mệnh quan trọng là hun đúc nguyên khí quốc gia, đào tạo lớp người tài - đức kế tục sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân ta. Người viết:“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Người còn là hiện thân của một nhà giáo cách mạng, cả cuộc đời vì nước, vì dân, vì nền giáo dục của dân tộc.

2. Về “đức” và “tài” của nhà giáo

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo nên phải vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc, phải có chính trị trước rồi có chuyên môn. Người khẳng định: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Đức của nhà giáo là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; tài là tri thức, kinh nghiệm thực tiễn.  

Phẩm chất đạo đức đầu tiên, quan trọng nhất là hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người nêu: “Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Người nêu ra chân lý tối cao là lợi ích của Tổ quốc, nhân dân: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân- tức là phục chân lý. Theo Người, “Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”. Người còn cho rằng, GV phải học ở quần chúng nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn, phải học và hành để tiến bộ kịp nhân dân.

Nhà giáo phải có phẩm chất đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là những phẩm chất không thể thiếu được đối với mỗi nhà giáo. Người khẳng định: “Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn thì phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Đây là đạo đức cách mạng”. Sự nghiệp giáo dục không hề dễ dàng mà đầy khó khăn, gian khổ, đòi hỏi người giáo viên phải có lòng quyết tâm, sự hy sinh, có kế hoạch, biết tổ chức, có phương pháp làm việc khoa học mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Người thầy giáo phải là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức và tự học, đánh giá kết quả của người học phải khách quan, công bằng, không thiên tư, thiên vị.

Người thầy phải có tinh thần đoàn kết, kỷ luật, phát huy dân chủ trong nhà trường;  có tình yêu thương học trò và yêu nghề. Người viết: “Đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân. Toàn thể nhà trường phải đoàn kết thành một khối, đoàn kết phải thật sự trăm phần trăm chứ không phải chỉ là đoàn kết miệng”.

 Người thầy phải nêu gương về đạo đức” “Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Đừng bảo học trò phải dậy sớm mà mình thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu .... Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô, các chú phải là người tốt”.

Theo Người, chuyên môn, nghiệp vụ của người thầy cũng rất quan trọng. Người thầy phải vững kiến thức, sâu rộng về chuyên môn, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết, thực tế và kinh nghiệm; có vốn sống, vốn hiểu biết về con người, tự nhiên và xã hội; có óc sáng tạo, nhạy bén, luôn đi tìm cái mới: “Có tài mà không có đức là hỏng, có đức mà chỉ i tờ thì dạy thế nào”. Người yêu cầu GV “cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội”. Do đó, người thầy phải chú ý rèn luyện cả đức và tài. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của nhà giáo phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ (công việc, đồng nghiệp, học trò, cha mẹ học trò, các tổ chức đoàn thể).

3. Nội dung, phương pháp dạy học

Hồ Chí Minh yêu cầu người thầy phải nhận thức được đối tượng, nội dung, phương pháp giáo dục để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất. Giáo dục phải chú ý đến đặc điểm của đối tượng, chọn cách dạy để học trò hiểu nhanh, nhớ lâu, tiến bộ nhanh. Nội dung giáo dục phải rõ ràng, dễ hiểu, không sáo rỗng và phù hợp mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học, bậc học. Theo Người, nội dung giáo dục gồm trí dục, thể dục, mỹ dục, đức dục và kết hợp tất cả các nội dung này. Người nhấn mạnh “Đối với các em, việc giáo dục gồm có: Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khỏe, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung. Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới. Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp. Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công (5 cái yêu). Các em cần rèn luyện đức tính thành thật và dũng cảm. Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ. Ở xã hội, thì tuỳ sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung”.

Người yêu cầu mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này. Người nêu rõ: “Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công”.

Phương pháp học tập đúng là phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với gia đình, xã hội. Người chỉ ra rằng để người học hiểu thấu vấn đề thì có hai cách dạy, một cách dạy thật tỷ mỷ và cách thứ hai là dạy bao quát. Nghĩa là phải chọn lấy cái gì cơ bản nhất, cốt yếu nhất mà người học không thể quên, không thể nhầm lẫn với cái khác, khi cần có thể đem ra vận dụng ngay và còn có thể bổ sung cho phong phú thêm.

Người còn thường xuyên động viên thầy, cô giáo và cán bộ quản lý phải bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình cảm tốt đẹp. Đó là tình thương yêu gia đình, bạn bè, đồng chí, quý trọng thầy cô giáo, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ý thức kỷ luật, thật thà, trung thực, khiêm tốn, giản dị,.... Theo Người, giáo dục phải kết hợp học tập với việc chơi, dạy từ dễ đến khó; phải gắn liền với thi đua; có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Người viết: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thấy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải gương mẫu cho các em trước mọi việc”. Người chỉ rõ giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Các bậc phụ huynh, thầy giáo phải cùng nhau phụ trách, trước hết phải gương mẫu cho các em trước mọi việc. Bởi mục đích giáo dục là nhằm tạo ra những công dân hữu ích cho xã hội. Người nêu rõ: “Gia đình, nhà trường và xã hội chăm lo giáo dục, đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. 

Có thể nói, đội ngũ GV là một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng, quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến đội ngũ này. Người là hiện thân của nhà giáo, nhà quản lý giáo dục mẫu mực mà còn là người học trò xuất sắc của nền giáo dục Việt Nam./.

 

Cao Thị Tuyết Loan – Võ Trần Thái

Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất