16-11-2022
HIỀN TÀI
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” (Thân Nhân Trung 1419 -1499). Rõ ràng, từ xưa ông cha ta đã từng quan niệm nguyên khí của quốc gia vừa là khát vọng, vừa là sức sống của dân tộc.
Lịch sử nhân loại, việc dùng người mỗi thời khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử, thời thế và vai trò, nhiệm vụ. Người chân chính có thực tài thật là hiếm hoi, cần phải biết tìm, biết trân trọng. Đất nước ta, từ xưa đến nay lúc nào cũng nhiều người hiền tài, tuy nhiên từng thời kỳ, từng lúc mà người hiền tài đó được khơi ra như thế nào. Có nghĩa là khi được quan tâm, trọng dụng thì hiền tài sẽ có nhiều. Người có học vấn thường có khả năng phán đoán và nhận định tình hình sáng suốt hơn người thường. Thời phong kiến, ở nước ta đã có biết bao bài học khi biết trọng dụng trí thức thì công cuộc bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm và xây dựng đất nước phát triển rất hiệu quả nhờ tầng lớp trí thức khơi dậy, hoà đồng với nhân dân xả thân vì nghiệp lớn.
Ví như: “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt), “Bình Ngô đại cáo” (Nguyễn Trãi)… là minh chứng cho sự sáng suốt của các bậc tiền nhân biết quý trọng và sử dụng trí thức trong các cuộc chiến trên mặt trận trí tuệ. Khi thời kỳ cách mạng còn trong “trứng nước”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với tư duy, tầm nhìn sáng suốt và uy tín to lớn đã cảm hóa, thuyết phục được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bất chấp hiểm nguy đi theo cách mạng, hy sinh cho nghiệp lớn.
Cổ nhân đã dạy: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách, có nghĩa là ngay cả người tầm thường cũng phải chịu trách nhiệm trước sự hưng vong của đất nước. Trí thức lại càng phải có trách nhiệm nhiều hơn. Ngày nay, tiếp tục truyền thống của cha ông, trí thức cần được rèn luyện để trở thành hiền tài, có vai trò và trách nhiệm cống hiến tài năng vào xây dựng đất nước. Tri thức thời nay là tầng lớp tinh hoa của xã hội, sáng tạo ra các giá trị tinh thần, tôn trọng chân lý nhưng được nâng lên tầm cao mới theo tư duy của xã hội dân chủ và phù hợp với thời đại toàn cầu hóa của nền kinh tế tri thức. Chúng ta tin vào sức năng động tự thân của dân tộc, sự sáng tạo và bền bỉ của giới trí thức như ngọn lửa bùng lên để những người có trọng trách biết suy nghĩ, trọng dụng, quy tụ, sử dụng đội ngũ trí thức, nhất là các bậc trí thức lão thành, tâm huyết có kinh nghiệm, bản lĩnh hiến kế cho tiến trình xây dựng đất nước.
Nhìn xa hơn, hiền tài phải được hướng tới lớp người trẻ tuổi, bởi họ mới là lớp người có khả năng tiếp thu cái mới, sáng tạo, phụng sự đất nước khi còn sung sức. Khơi nguồn hiền tài từ lớp trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ trí thức là con đường lâu dài và đúng đắn nhất. Cần tạo môi trường cho trí thức làm việc, phát huy năng lực, đãi ngộ xứng đáng công sức, thành quả họ mang lại. Nếu chúng ta hiểu một cách sâu xa, chân lý “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” không cần phải đốt đuốc lên mới thấy được người có thực tài mà chỉ cần có kế sách cụ thể, thực sự trân trọng tài năng, khiêm nhường mời gọi người tâm huyết để khơi nguồn hiền tài của đất nước, làm cho đất nước hưng thịnh và hiền tài ngày một nhiều thêm.
Trước kia, bây giờ và mãi mãi sau này, “hiền tài” luôn là “nguyên khí” của quốc gia, là nguồn tài nguyên và động lực to lớn để đất nước đi lên. Ngày nay, có thể hiểu hiền tài không chỉ là trí thức, mà là tất cả những ai có năng lực, có tâm huyết và khát vọng cống hiến cho đất nước, cho dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.
Ths. Võ Thị Diệu
Giảng viên Bộ môn Lý luận chính trị
Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục Quốc phòng và Thể chất