06-10-2018
Ngày 05/10/2018, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dưng chương trình đào tạo ngành Công nghệ Thực phẩm hệ đại học theo hướng tiếp cận CDIO”.
Đến dự buổi hội thảo có mặt của GS.TS Lê Văn Việt Mẫn - Trưởng Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM; TS. Park Kwan Hwa, nguyên giáo sư Trường Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc; TS. Phạm Công Bằng - Phó trưởng khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh; TS. Lâm Quang Vũ - Phó trưởng Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh; Ths. Vũ Thị Thanh Đào – Phó trưởng Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học An Giang; Lãnh đạo các phòng, khoa, các bộ môn trực thuộc khoa NN&CNTP, toàn thể viên chức Bộ môn CNTP, doanh nghiệp và cựu sinh viên ngành CNTP cùng tham dự.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Trong buổi hội thảo, các khách mời chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong việc viết chuẩn đầu ra chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO, những khó khăn thuận lợi trong quá trình thực hiện xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO. Ngoài ra, các chuyên gia còn hướng dẫn giảng viên trong Khoa phương pháp viết đề cương chi tiết học phần nhằm đào tạo đội ngũ kỹ sư hội đủ các yếu tố: kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng ngành đào tạo.
Phần trình bày của cô Nguyễn Vân Ngọc Phượng - Phó trưởng Khoa NN&CNTP về quá trình xây dựng chương trình đào tạo Ngành Công nghệ thực phẩm theo chuẩn CDIO
TS. Phạm Công Bằng - Phó trưởng khoa Cơ khí, Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thiết kế đề cương môn học theo hướng tiếp cận CDIO.
Phương pháp tiếp cận CDIO là một mô hình cải cách giáo dục ở các trường đại học kĩ thuật theo hướng đáp ứng nhu cầu của nghề nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp và xã hội. CDIO cung cấp một bộ công cụ rất cụ thể (gồm 12 tiêu chuẩn) hướng dẫn các trường xây dựng được một chương trình tích hợp nhằm phát triển năng lực cần thiết của người học để họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong hoạt động nghề nghiệp; hướng vào hiệu quả của quá trình đào tạo để giúp nhà trường làm tốt hơn việc hình thành những năng lực đó cho người học.
Quy trình và phương pháp luận mà tổ chức CDIO xây dựng đã hỗ trợ rất nhiều trong việc khảo sát và phân tích lại hiện trạng về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo hiện hành. Với bộ chuẩn đầu ra tổng quát của CDIO và quy trình điều chỉnh vào một chương trình đào tạo cụ thể nào đó đã giúp nhóm xây dựng chương trình hệ thống hóa lại toàn bộ khung chương trình đào tạo hiện có và đưa ra được chuẩn đầu ra mới. Qua đó, giúp giảng viên, sinh viên và các doanh nghiệp hiểu rõ hơn và đánh giá đúng hơn chất lượng dạy và học của sinh viên ngành CNTP tại Đại học Tiền Giang.
Trang Minh - Khoa NN&CNTP
Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm