16-03-2020
Mùa khô 2019-2020, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện sớm hơn so với mùa khô 2015-2016, ở mức độ gay gắt và sẽ tiếp tục duy trì mức cao trong thời gian còn lại của mùa khô. Trên lưu vực sông Mê Công, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020.
Thực tế, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12/2020 (ngày 12-15/12/2019), ranh mặn 4 g/L ở các cửa sông Cửu Long sâu nhất đến 57km (Sông Hàm Luông), sâu hơn TBNN là 24km, sâu hơn năm 2015 là 17km. Trong tháng 1/2020, xâm nhập mặn đã tăng cao trong thời gian từ ngày 6-13/1/2020 với ranh mặn 4g/L ở vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) từ 82-85km, sâu hơn năm 2016 từ 18-20km; vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66km, sâu hơn năm 2016 từ 6-17km; vùng ven Biển Tây lớn nhất 48km, sâu hơn năm 2016 là 6km [1]. Đợt xâm nhập mặn đạt mức cao xảy ra từ ngày 8 đến 14-2 (đạt đỉnh ngày 12-2) với ranh mặn 4g/L ở các cửa sông Cửu Long từ 55-74km. Theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 7 đến 15-3, xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường [2]. Khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô, phạm vi ảnh hưởng của ranh mặn 4g/L, phạm vi ảnh hưởng ở khu vực sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) vào sâu khoảng 100-110km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62-65km[3]. Nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó [4].
Tại Tiền Giang, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn rất phức tạp, độ mặn năm 2020 cao hơn độ mặn lịch sử năm 2016, lấn sâu vào nội đồng từ 03 hướng: Cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ và đặc biệt sông Hàm Luông tỉnh Bến Tre mức độ tăng đột biến lấn sang, làm ảnh hưởng từ Mỹ Tho đến Mỹ Thuận và đã làm cho chân triều cống Xuân Hòa độ mặn cao. Từ đó, xâm nhập mặn lấn sâu vào đến kênh Nguyễn Văn Tiếp, nghiêm trọng nhất là đoạn từ Vàm kênh Nguyễn Tấn Thành đến Vàm Ba Rài. Đến ngày 5/2/2020, độ mặn đo được tại cống Xuân Hòa (cống chủ lực của Vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, cách cửa sông 42 km) đo được là 3,54 g/L; tại Vàm Tân Mỹ Chánh (cách cửa sông 44km) độ mặn đo được là 2,77g/L; tại vườn hoa Lạc Hồng - TP. Mỹ Tho (cách cửa sông 46 km) độ mặn đo được là 2,59 g/L; tại cầu Bình Đức - TP. Mỹ Tho (cách cửa sông 49 km) độ mặn đo được là 0,44 g/L; tại cầu Xoài Hột (cách cửa sông 51 km) độ mặn đo được 0,39 g/L; tại cầu Đồng Tâm (cách cửa sông 55 km) độ mặn đo được 0,47 g/L và do ảnh hưởng mặn từ sông Hàm Luông, độ mặn tại cầu Kim Sơn đo được 1,55 g/L; cầu Phú Phong đo được 1,99 g/L; tại bến đò Tam Bình đo được 1,98 g/L; tại bến phà Thới Lộc đo được 2,57 g/L [5].
Trong một cuộc khảo sát sơ bộ của Trường Đại học Tiền Giang vào ngày 26/2/2020, độ mặn đo được trên sông, kênh, mương trên địa bàn xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang dao động trong khoảng 2-5 mg/L. Với độ mặn này, nguồn nước không thể sử dụng để tưới cho cây trồng. Xếp loại nước tưới theo mức độ nhiễm mặn (UC Davis, USA, 2007), chất lượng nước tưới 0,45-2 mg/L sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến cây trồng. Đặc biệt, sầu riêng thuộc nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn 0,5 mg/L - <1 mg/L) [6].
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện có 12.100 hecta sầu riêng và vườn cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1 đang bị thiếu nước ngọt thuộc địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Châu Thành. Thời gian gần đây, một số vườn cây sầu riêng đã có hiện tượng khô lá, chết cành đang cần nguồn nước ngọt để tưới cho cây, giúp cây giảm suy kiệt. Tỉnh Tiền Giang sẽ thuê đơn vị Hợp tác xã Rạch Gầm vận chuyển nước ngọt bằng sà lan giao cho các địa phương và Ủy ban nhân dân (UBND) các xã chịu trách nhiệm chuẩn bị phương tiện trữ nước; quản lý việc cung cấp nước và phân phối theo định mức cho người dân tiếp nhận vận chuyển nước về vườn nhà. Dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 13-14/3/2020 sẽ bắt đầu cung cấp nước cho các huyện, bình quân mỗi ngày sẽ cung cấp khoảng 30.000 m3/ngày đêm. Dự kiến thời gian hỗ trợ nước ngọt tưới sầu riêng và vườn cây ăn trái đến ngày 30/4/2020 [7].
Xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp là cái nôi của nghề trồng sầu riêng, được mệnh danh là “vương quốc sầu riêng” ở tỉnh Tiền Giang. Địa phương có gần 3.000 ha sầu riêng trồng dưới dạng chuyên canh, chiếm gần 100% diện tích canh tác toàn xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá bán 50.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi ha sầu riêng đạt giá trị sản xuất trên 1 tỷ đồng. Sầu riêng là loại cây trồng lâu năm, trồng 1 lần nhưng cho khả năng thu hoạch liên tục trong 50-60 năm và phải trồng sau 06 năm cây mới đến thời kỳ kinh doanh cho trái ổn định. Do đó, khi nguồn nước bị xâm nhập mặn sẽ gây thiệt hại lớn và lâu dài cho vùng đất trù phú này.
Từ ngày nguồn nước bị nhiễm mặn 6/1/2020 đến nay, để có nước ngọt tưới cây sầu riêng, người dân đã tự phát mua máy lọc nước mặn thành nước ngọt, giá máy lọc từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, mỗi ngày có thể sản xuất 2 – 10 m3 nước ngọt; đào mương, lót bạt đáy rồi mua nước bơm vào để trữ, mua nước từ sà lan hay ghe chở, giá từ 70.000 – 120.000 đồng/khối tùy khoảng cách từ ghe đến vườn, nếu vườn ở sâu trong nội đồng phải mua nước bình 100.000 đồng/30L [8]. Từ ngày 2/3/2020, Ủy ban nhân dân xã Tam Bình đã phối hợp với khoảng 30 sà lan trọng tải 500-1.500 m3, tổ chức vận chuyển nước ngọt từ Đồng Tháp về, kiểm soát độ mặn chặt chẽ, phân phối 24/24 h, 40.000 đồng/m3 tại nhiều điểm tập trung trên địa bàn xã Tam Bình, rồi từ đó tỏa sâu vào từng nhà vườn. Người dân nhờ đó được hưởng nước tốt, giá thấp 60.000 đồng/m3. Ngày 12/3/2020, UBND xã Ngũ Hiệp gửi Thông báo số 128/TB-UBND về việc cấp nước ngọt tưới cho cây sầu riêng, đối với khu vực không có nguồn nước ngọt do bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 trên địa bàn xã Ngũ Hiệp. Theo đó địa điểm cấp nước là tại UBND xã Ngũ Hiệp, từ 9h sáng đến 6h chiều ngày 13/3/2020 và từ 6h sáng đến 6h chiều các ngày còn lại; người dân tự trang Bầmị phương tiện chứa nước và vận chuyển nước; định mức cấp 80m3/ha/tháng cho cây sầu riêng trên 5 năm tuổi, 40m3/ha/tháng cho cây sầu riêng trên 5 năm tuổi [9].
Cùng góp sức cùng người dân và chính quyền trong cuộc chiến phòng chống hạn mặn trên địa bàn tỉnh, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức 02 cuộc tập huấn “Thích ứng với xâm nhập mặn” cho nông dân 02 xã Tam Bình và Ngũ Hiệp vào 02 ngày 4/3/2020 và 6/3/2020 do TS Lê Hữu Hải – Phó hiệu trưởng trực tiếp giảng dạy. Với kinh nghiệm thực tiễn về phòng chống hạn mặn và kiến thức chuyên môn về canh tác sầu riêng, TS Hải đã phân tích rõ 06 nguyên nhân xảy ra xâm nhập mặn mùa khô 2020; trình bày tình hình xâm nhập mặn và các dự báo xâm nhập mặn năm 2020; phân tích tại sao cây trồng chết khi nước mặn xâm nhập vào kênh, mương; so sánh các thiết bị và kết quả đo độ mặn khác nhau; cách xếp loại nước tưới theo mức độ nhiễm mặn; các triệu chứng gây hại của nước nhiễm mặn trên cây trồng; đề xuất các giải pháp nông dân thích ứng với xâm nhập mặn. Ngay sau buổi tập huấn, TS Hải đã gửi tài liệu tập huấn “Thích ứng với xâm nhập mặn” cho UBND 02 xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nông dân.
“Thích ứng với xâm nhập mặn” là chủ đề tập huấn của Trường Đại học Tiền Giang và cũng là thông điệp gửi đến nông dân 02 xã Tam Bình và Ngũ Hiệp kêu gọi người dân phải thay đổi cách sử dụng nguồn tài nguyên nước, thay đổi kỹ thuật canh tác, biến thách thức thành cơ hội phát triển bền vững “vương quốc sầu riêng” của tỉnh. Bên cạnh đó, Trường Đại học Tiền Giang cũng khẩn trương đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình vườn cây sầu riêng ứng dụng công nghệ cao thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”. Nếu được phê duyệt, cho phép triển khai Đề tài sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho nông dân 02 xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp thay đổi cách sử dụng nguồn tài nguyên nước, thay đổi kỹ thuật canh tác sầu riêng để thích ứng với xâm nhập mặn, đồng thời kết quả có thể được nhân rộng áp dụng cho 12.100 hecta sầu riêng và vườn cây ăn trái phía Nam Quốc lộ 1 đang bị thiếu nước ngọt thuộc địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Châu Thành.
[1] https://nongnghiep.vn/bao-cao-thu-tuong-tinh-hinh-han-man-d257516.html
[2]https://www.bentre.gov.vn/Pages/TinTucSuKien.aspx?ID=25791
[6] http://ccttbvtv.vinhlong.gov.vn/Info.aspx?id=212020171712633
[8] http://trangtraiviet.vn/tien-giang-gia-nuoc-ngot-300-ngan-khoi-phai-mua-cuu-sau-rieng-1062804.htm
[9] Thông báo số 128/TB-UBND của UBND xã Ngũ Hiệp về việc cấp nước ngọt tưới cho cây sầu riêng, đối với khu vực không có nguồn nước ngọt do bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 trên địa bàn xã Ngũ Hiệp
TS. Lê Hữu Hải - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Tiền Giang tập huấn cho bà con xã Tam Bình
TS. Lê Hữu Hải - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH Tiền Giang tập huấn cho bà con xã Ngũ Hiệp
Điểm phân phối nước ngọt tập trung do UBND xã Tam Bình kiểm soát
Vườn sầu riêng bị thiệt hại nặng do xâm nhập mặn
TS. NGUYỄN HỒNG THỦY – TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG
Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm