.: Chia sẻ kinh nghiệm học tốt của sinh viên Khoa Sư Phạm tại Tọa đàm trao đổi phươngpháp học tập cho Tân Sinh viên Khóa 19 với chủ đề “Học đại học học gì?” :. 
Chia sẻ

Chia sẻ kinh nghiệm học tốt của sinh viên Khoa Sư Phạm tại Tọa đàm trao đổi phươngpháp học tập cho Tân Sinh viên Khóa 19 với chủ đề “Học đại học học gì?”

01-10-2019

CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC TẬP TỐT

 

 
   

 

                                       Nguyễn Hoàng Trinh

                                            Sinh viên lớp Cao đẳng Giáo dục mầm non 17

 

Kính chào quý thầy cô và các bạn tân sinh viên thân mến!

Em tên là Nguyễn Hoàng Trinh, hiện đang là sinh viên năm thứ ba, lớp CĐGDMN khóa 17, Khoa Sư phạm. Hôm nay em rất vui vì được chia sẻ những kinh nghiệm học tập nho nhỏ của mình với các bạn tân sinh viên.

Từ thời phổ thông em rất thích nghề giáo và cũng yêu mến trẻ con nên việc định hướng bản thân trở thành một giáo viên mầm non là một lựa chọn phù hợp của em. Để biến ước mơ trở thành một cô giáo trong tương lai em đã chọn trường Đại học Tiền Giang làm nơi gửi gắm ước mơ của mình. Quả thật, vượt trên cả mong đợi của em. Trường Đại học Tiền Giang nói chung và khoa Sư Phạm nói riêng đã tạo điều kiện rất tốt để em học tập kiến thức và tích lũy kinh nghiệm về ngành học mà em đang theo đuổi.

Sau 2 năm gắn bó với ngành học của mình, em đãtích lũy được một số kinh nghiệm về phương pháp học tập đối với sinh viên ngành Giáo dục mầm non như sau:

1. Đối với các học phần lí thuyết

-Trước khi đến lớp chúng ta có thể đọc tài liệu trước ở nhà. Trong khi đọc nếu có điều chưa hiểu mình có thể đánh dấu lại để lên lớp chú ý lắng nghe thầy, cô giảng giải hay chuẩn bị sẵn câu hỏi để trao đổi với thầy,cô. Khi lên lớp, sinh viên cần cần chú ý lắng nghe thầy, cô giảng bài để hiểu bài, xác định được trọng tâm bài nằm ở đâu. Các lý thuyết luôn dược thầy cô minh họa trực quan, cụ thể bằng những ví dụ. Cho nên sinh viên cần lắng nghe và ghi lại những ví dụ mà thầy cô đã cho, về nhà đọc lại rồi tự minh cho ví dụ khác, làm vậy sẽ hiểu bài và làm bài cũng được điểm cao.  Ngoài tự học một mình, các bạn nên trao đổi thêm với các bạn trong nhóm để bàn bạc, mở rộng thêm bài học hay tìm kiếm thêm thông tin liên quan đến bài học qua sách tham khảo, mạng Internet.

-Trong quá trình học, em luôn thích học cùng các bạn. Bởi tham khảo sách vở thôi chưa đủ, từ những người bạn của mình, em học hỏi được nhiều cái rất hay, nhiều ý tưởng rất sáng tạo. Và chính các “đồng đội” này là động lực cho em, giúp đỡ em rất nhiều và cả góp ý để em hoàn thiện hơn.

2. Đối với các học phần thực hành

- Quan sát là việc làm rất cần thiết đối với bản thân, em luôn cố gắng theo dõi những giờ học trên lớp cũng như quan sát mỗi khi có cơ hội xuống trường mầm non. Em luôn chú ý quan sát những giờ lên tiết mẫu: như khi được đi thực tế kiến tập, thực hành thường xuyên ở trường mầm non. Trong những lần dự giờ, các cô giáo ở trường mầm non đã minh họa cho sinh viên rất nhiều điều phải học hỏi. Các cô luôn chuẩn bị giáo án chỉnh chu, những giáo án đó nội dung dạy rất phong phú và hấp dẫn, thu hút. Không chỉ học được ở các cô về giáo án mà chúng ta còn học được cách chuẩn bị cho 01 tiết dạy, tác phong sư phạm của cô giáo mầm non trước trẻ, cách các cô xử lí các tình huống trên tiết và nhất là cách các cô ân cần chăm sóc trẻ như thế nào. Vì vậy, khi có cơ hội dự giờ sinh viên nên tập trung quan sát và ghi chếp đầy đủ những điểm mới, cái sáng tạo hay gây ấn tượng làm kinh nghiệm cho bản thân.

- Với bản thân, khi thực hành soạn giảng em luôn cố gắng chuẩn bị những gì tốt nhất mà bản thân mình có thể để lên tiết.

Đầu tiên, em nghiên cứu nắm vững lí thuyết về trình tự tổ chức hoạt động, cách sử dụng các phương pháp giáo dục, lập kế hoạch giáo dục và phân chia thời gian hợp lý cho mỗi nội dung giảng dạy. Trước khi lên tiết, em luôn tự tập trước ở nhà để biết được mình còn thiếu sót chỗ nào và khắc phục ngay để không vướng phải lỗi này khi lên tiết. Em thường xuyên kiểm tra lại đồ dùng để tránh trường hợp thiếu đồ dùng hay đồ dùng bị hư hỏng và kiểm tra lại tổng thể các khâu trước khi lên tiết chính thức cho thầy, cô dự. Chỉ khi nào chuẩn bị tốt mọi thứ thì em mới cảm thấy mình tự tin để thực hiện tiết dạy.

- Thường xuyên rèn luyện các khả năng diễn đạt ngôn ngữ mạch lạc, cách trò chuyện với trẻ và kỹ năng xử lý tình huống sư phạm khi lên tiết.

- Hằng năm khoa có tổ chức các cuộc thi đầy bổ ích như: Hội thi làm Đồ dùng đồ chơi, hội thi Nghiệp vụ Sư phạm, hội thi Khởi nghiệp, khuyến khích sinh nghiên cứu khoa học… các bạn sinh viên nên mạnh dạn đăng ký tham gia, trực tiếp tham dự để cổ vũ cho bạn bè và để học hỏi thêm nhiều kiến thức, kĩ năng cần thiết bổ trợ cho việc học tập của bản thân.

Trên đây là những kinh nghiệm nho nhỏ mà em đúc kết được trong quá trình học tập của mình. Hy vọng sẽ giúp ích được cho các bạn sinh viên khóa 19.

Cuối cùng em xin cảm ơn quý thầy cô và các bạn đã lắng nghe.

Kính chúc quý thầy cô thật nhiều sức khỏe, các bạn tân sinh viên có một năm học mới gặt hái thật nhiều kiến thức. Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Em xin trân trọng kính chào

KINH NGHIỆM HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN NGÀNH GIÁO DỤC MẦM NON

 

                                Lương thị Tuyết Trinh

                                            Sinh viên lớp Cao đẳng Giáo dục mầm non 17

 

Kính chào quý thầy cô và tất cả các bạn sinh viên thân mến.

Em tên Lương Thị Tuyết Trinh sinh viên năm thứ ba, ngành Giáo dục mầm non, Khóa 17. Lời đầu tiên em xin gửi lời cảm ơn đến quý thầy, cô đã tạo cơ hội để em và các bạn sinh viên có mặt hôm nay cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm học tập.

Các bạn sinh viên thân mến! Trong số các bạn tân sinh viên ngành Giáo dục mầm non, có ai đến với giáo dục mầm non bằng lòng yêu trẻ và bằng năng khiếu? Hay là lý do chọn nghề khác? Xin cảm ơn tất cả các bạn.

Ngày trước tôi cũng từng làm hồ sơ xét tuyển đại học như các bạn, tôi chọn học ngành giáo dục mầm non theo định hướng của gia đình vì hai lí do. Thứ nhất, nhu cầu về việc làm của giáo viên mầm non là rất cao, không lo về thất nghiệp. Thứ hai, ngành này phù hợp với điều kiện hiện tại của gia đình tôi. Lúc đó tôi lo lắm. Tôi không biết hát, không biết múa, chưa từng đứng trước nhiều người. Vậy làm sao tôi có thể vượt qua kỳ thi năng khiếu của trường Đại học Tiền Giang? Tôi đã nổ lực hết sức mình để tập hát, tập múa và tôi đã được trúng tuyển ngành Giáo dục mầm non của Trường Đại học Tiền Giang. Khi tôi biết mình có tên trong danh sách nhận học bổng, tôi thật sự sung sướng các bạn ạ. Lần đầu tiên tôi hiểu được ý nghĩa của sự nổ lực đối với người sinh viên năm thứ nhất quan trọng như thế nào. Năng khiếu, sự đam mê về nghề nghiệp là rất cần nhưng muốn đạt được sự đam mê thì sự nỗ lực còn quan trọng hơn nhiều lần các bạn ạ.

Tôi nghĩ có nhiều bạn cũng từng nghĩ như tôi, vào học mầm non chỉ toàn là học múa, học hát. Nhưng không phải vậy, vào học mới biết chương trình đào tạo ngành giáo dục mầm non thật đa dạng, phong phú, đòi hỏi cái gì chúng ta cũng phải học tốt từ chính trị khô khan đến thật nhiều các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành như đặc điểm tâm sinh lý trẻ mầm non, lập kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động nuôi, chăm sóc và giáo dục trẻ, chơi cùng trẻ, làm đồ dùng đồ chơi và tạo môi trường học tập bên trong và bên ngoài lớp để dạy trẻ học bằng chơi. Điều này muốn nói rằng học ngành Giáo dục mầm non không phải chỉ cần năng khiếu, cái chân, cái tay mà còn cần cả sự tư duy và sáng tạo nữa các bạn.

Thật sự tôi không siêng học bài, nhưng tôi có thể đọc, hiểu và nói theo suy nghĩ của mình. Khi học tôi luôn ngồi bàn đầu hoặc bàn thứ hai, vì sao vì để nghe dễ hơn và đó là vị trí theo tôi là học tốt nhất. Tôi không cần biết các bạn giỏi hay dở nhưng không học thì thôi, quyết định đi học thì các bạn phải đề ra cho mình mục tiêu là học phải qua môn, phấn đấu để được lãnh học bổng, ra trường sớm,… tuyệt đối đừng thả trôi, đừng nghĩ học tới đâu hay tới đó.

Các giờ học lý thuyết thì rất chán đúng không các bạn? Nhưng trước khi thực hành thì các bạn không thể thiếu lí thuyết vì lý thuyết giúp chúng ta hiểu đúng vấn đề, nên các bạn đừng xem nhẹ nó. Sau khi chọn vị trí ngồi thì bạn cần chọn bạn cùng học ngồi kế bên, vì tôi đã từng ngồi kế bạn chẳng chịu học hành gì, mỗi khi thắc mắc muốn hỏi cũng chẳng có ai để hỏi, lúc đó rất chán các bạn ạ. Nhưng những cái đó là yếu tố phụ quan trọng vẫn là ở các bạn, khi học trên lớp thầy cô đã dạy nhưng chưa đủ, về nhà các bạn phải tìm hiểu thêm. Chắc có bạn sẽ nói rằng học trên lớp buồn ngủ lắm rồi về nhà ai mà thèm tìm nữa. Nhưng các bạn hãy thử tìm và đọc sách đi, mỗi ngày chỉ đọc một ít đi, nó hay lắm các bạn, thay vì cầm điện thoại lướt facebook, đọc truyện thì tôi sẽ dành thời gian để đọc tài liệu liên quan về môn học. Trước khi lên lớp tôi sẽ đọc tài liệu trước và gạch chân những chỗ không hiểu, thay vì chờ câu trả lời tôi sẽ tra google hoặc tìm câu trả lời trong sách trước. Khi học trên lớp, ngoài việc tập trung nghe thầy cô nói tôi sẽ hỏi thầy, cô những điều tôi không hiểu, không rõ và tôi so sánh với thông tin mình tìm được. Ngoài ra, tôi còn trao đổi với bạn cùng bàn, nhiều khi tranh luận rất gay gắt nhưng lại có được thêm thông tin mình chưa biết. Vì vậy tôi mới nói cần chọn bạn cùng học ngồi kế bên là vậy.

Đã học nghề giáo viên mầm non thì nhất thiết phải học lý thuyết kết hợp với tham gia các giờ thực hành để rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp. Đến giờ thực hành thì mình phải thực hành, phải trải nghiệm. Mặc dù khi thực hành lên tiết tôi rất run, lo sợ không biết phải làm như thế nào nhưng tôi luôn xung phong để được thực hành trước, các bạn đừng sợ bị la, đừng sợ bị cười vì mình phải tập dạy thì sau này ra trường mình mới dạy giỏi được. Khi bạn tập dạy, thầy cô và bạn bè sẽ góp ý về tác phong lên tiết, ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy,…Đôi lúc tôi cũng thấy xấu hổ, tự ti  lắm nhưng tôi nghĩ nếu bây giờ không thực hành để thầy cô, bạn bè góp ý thì sau này sẽ xấu hổ với toàn xã hội thì mình không làm tron trách nhiệm của người mẹ thứ hai của trẻ. Những lần đầu tập lên tiết tôi run lắm, run thật sự dù ở nhà học giáo án rất thuộc nhưng khi tập dạy tôi vẫn quên. Nhưng những lần sau, tôi đỡ run hơn, nói tốt hơn, linh hoạt hơn và biết sửa sai những chỗ cần sửa.

Khi học hoặc tham gia phong trào, phần lớn thời gian là phải làm việc nhóm và rất cần thiết và quan trọng, kết quả làm việc nhóm ảnh hưởng đến tập thể chứ không chỉ có cá nhân. Khi làm nhóm, trách nhiệm luôn là yếu tố tôi ưu tiên hàng đầu. Dù là môn lí thuyết hay thực hành thì các bạn cũng cần có trách nhiệm hoàn thành việc của mình và góp ý với việc của người khác để cùng nhau hoàn thiện. Đối với tôi, nếu các bạn muốn học tốt thì trước hết các bạn cần tích cực tham gia các hoạt động chớ không chỉ hoạt động học tập. Đừng né tránh tham gia hay ỷ lại vào người khác nó tai hại vô cùng vì dần dần nó sẽ làm bạn mất hứng thú học tập, mất tự tin.

Vào học ngành Giáo dục mầm non, ngay từ năm học nhất, không một hoạt động nào của trường, Khoa phát động mà tôi không tham gia, từ phong trào văn nghệ đến tham gia học tập, thảo luận nhóm, thuyết trình, tham gia kiến tập, thực hành thường xuyên và thực tập ở trường mầm non và những hoạt động văn thể khác. Tham gia rồi tôi mới thấy rằng không một hoạt động nào là vô ích các bạn ạ! Nhờ tích cực tham gia các hoạt động học tập và các phong trào của Đoàn trường và Hội sinh viên tổ chức mà hết năm thứ nhất, tôi đã tích lũy được một số vốn kĩ năng mềm như kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng giao tiếp với thầy cô và với bạn, kỹ năng thuyết trình, ...và kết quả 2 năm vừa rồi tôi luôn đạt loại khá, giỏi.

Với tôi cái gì càng dở thì bạn càng phải đối mặt với nó. Hãy mạnh dạn thử và sai để rồi có thể làm đúng. Có như vậy bạn mới tiến bộ được. Không một ai là không giỏi chỉ là bạn chưa cố gắng, bạn chưa dám thử để biết mình có thể làm được gì. Với một chút kinh nghiệm nêu trên tôi mong muốn chia sẻ với các bạn để các bạn thi đua với tôi dành lấy các suất học bổng. Các bạn có nhận lới thách thức của tôi không nào?

 Cuối lời em xin cảm ơn tất cả quý thầy cô và các bạn sinh viên đã lắng nghe em chia sẻ.

Xin chúc thầy cô và tất cả các bạn một ngày đầu tuần vui vẻ và tốt đẹp.

Khoa Sư phạm và Khoa học cơ bản