.: Trường Đại Học Tiền Giang tham gia nghiên cứu các giải pháp khôi phục cây sầu riêng sau hạn, xâm nhập mặn và thích ứng xâm nhập mặn :. 
Chia sẻ

Trường Đại Học Tiền Giang tham gia nghiên cứu các giải pháp khôi phục cây sầu riêng sau hạn, xâm nhập mặn và thích ứng xâm nhập mặn

17-06-2020

          Ngày 08/6/2020, tại Hội trường UBND huyện Cai Lậy diễn ra hội thảo “Giải pháp khôi phục cây sầu riêng sau hạn, xâm nhập mặn” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phối hợp UBND huyện Cai Lậy tổ chức với sự tham dự của gần 400 đại biểu là cán bộ, nông dân các vùng trồng sầu riêng chuyên canh của tỉnh.

            Sầu riêng, một trong những loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh Tiền Giang, có diện tích hơn 13.500 hecta (chiếm 14,7% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh), sản lượng thu hoạch mỗi năm hơn 277.000 tấn, có chất lượng và giá trị kinh tế cao.  Năm 2019 - 2020, mặn trên tất cả các tuyến sông xuất hiện sớm hơn năm 2015- 2016 bình quân khoảng từ 30 - 45 ngày, diễn biến rất phức tạp, nồng độ mặn cao hơn, lấn sâu hơn cùng kỳ mặn lịch sử năm 2016 làm ảnh hưởng gần 4.800 hecta diện tích vườn chuyên canh sầu riêng trên địa bàn tỉnh.

            Tại hội thảo, qua trao đổi các đại biểu đều có nhìn nhận chung là tình hình hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang ngày càng trở nên thường xuyên, gay gắt và lấn sâu vào nội đồng. Thích ứng với xâm nhập mặn là hướng đi lâu dài của nông dân các huyện phía Tây. Khác với trước đây, vùng đất này hết sức trù phú với nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm, nay nguồn tài nguyên này đã trở nên khan hiếm. Người dân cần phải thay đổi nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất để thích nghi với điều kiện thiếu nước ngọt trong các tháng mùa khô, có thể kéo dài đến 4-5 tháng như mùa khô năm 2019-2020. Trữ nước ngọt và sử dụng nước tiết kiệm là biện pháp duy nhất có thể giúp giữ vững được “vương quốc sầu riêng của tỉnh”. Ngoài ra, hạn chế sử dụng hóa chất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học để cải tạo đất, giúp cây khỏe, chống chịu tốt hơn với điều kiện bất lợi của môi trường (hạn, xâm nhập mặn) cũng là những biện pháp hết sức hữu ích. Công tác cảnh báo xâm nhập mặn cũng vô cùng cần thiết để các cơ quan hữu quan và nông hộ kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt.

            Đồng hành cùng nông dân trồng sầu riêng của tỉnh, giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn sản xuất, từ ngày 26/2/2020 Trường Đại học Tiền Giang đã phối hợp Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Tiền Giang tổ chức một cuộc khảo sát sơ bộ tình hình ảnh hưởng xâm nhập mặn đến cây sầu riêng trên địa bàn 2 xã Tam Bình và Ngũ Hiệp, độ mặn đo được trên sông, kênh, mương tại thời điểm dao động trong khoảng 2-5 mg/L. Tiếp đến trong 02 ngày 4/3/2020 và 6/3/2020 Trường Đại học Tiền Giang phối hợp UBND 2 xã Tam Bình và Ngũ Hiệp tổ chức 02 cuộc tập huấn “Thích ứng với xâm nhập mặn” cho nông dân do TS. Lê Hữu Hải – Phó hiệu trưởng Trường trực tiếp giảng dạy. Tài liệu tập huấn ngay sau đó được chuyển ngay về cho UBND 02 xã tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nông dân. Song song với việc tổ chức tập huấn, nhóm nghiên cứu của Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Tiền Giang cũng khẩn trương xây dựng thuyết minh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn cây sầu riêng ứng dụng công nghệ cao phục hồi sau hạn mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp, Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang”. Thuyết minh này đã được thông qua Hội đồng Tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân vào ngày 08/5/2020 với các nội dung chính như: điều tra, khảo sát thực trạng ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn lên cây sầu riêng tại xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp; Nghiên cứu ứng dụng hữu cơ - sinh học phục hồi sau hạn mặn cho 02 vườn mô hình sầu riêng ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao để xây dựng 02 vườn mô hình sầu riêng ở xã Tam Bình và xã Ngũ Hiệp thích ứng với xâm nhập mặn; Tổ chức tập huấn, hội thảo, giới thiệu, nhân rộng mô hình cho nông dân trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.

          Như vậy, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Tiền Giang đã gắn chặt nhiệm vụ giảng dạy với nghiên cứu khoa học, giải quyết các vấn đề thực tiễn quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo hướng bền vững. Từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học này: (i) quy trình tạm thời 5 bước phục hồi vườn sầu riêng sau hạn mặn của Viện Cây ăn quả miền Nam sẽ được thực nghiệm và ban hành chính thức để phổ biến rộng rãi cho nông dân các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang (ii) các loại phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang sản xuất được thử nghiệm thay thế các sản phẩm hữu cơ sinh học ngoại nhập trong quy trình 5 bước phục hồi vườn sầu riêng sau hạn mặn; (iii)  02 trạm quan trắc được lắp đặt tại Bến phà Thới Lộc và Bến phà Long Quới, để đo đạc độ mặn của nước sông với 02 hướng xâm nhập mặn từ Gò Công chảy lên theo Sông Tiền và từ Bến Tre chảy qua theo Sông Hàm Luông Hệ thống cảnh báo mặn liên tục tự động, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang có thể tự truy cập, biết được độ mặn trên các hệ thống sông, kênh của khu vực, được cảnh báo thời điểm tưới không an toàn cho cây sầu riêng. Hệ thống còn có khả năng cảnh báo khi độ mặn vượt ngưỡng một cách tự động qua email nhằm giúp các cơ quan, cá nhân hữu quan nắm bắt tình hình độ mặn quá mức cho phép và đưa ra các quyết định cần thiết kịp thời; (iv)  công nghệ trữ nước bằng túi HDPE, công nghệ sinh học (phân hữu cơ vi sinh, các chế phẩm sinh học,...) được nghiên cứu áp dụng; (v) Các thí nghiệm khoa học về hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân qua hệ thống tưới được tiến hành để cung cấp cơ sở khoa học cho việc vận hành các hệ thống phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng chuyên canh sầu riêng Cai Lậy (vi) các quy trình, mô hình ứng dụng sinh học hữu cơ phục hồi sau hạn mặn, ứng dụng công nghệ cao thích ứng xâm nhập mặn được xây dựng để tuyên truyền sâu rộng đến nông dân các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang./.

          TS Nguyễn Hồng Thủy – Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm

 

 

Khoa Nông nghiệp và Công nghệ Thực phẩm