.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh

22-04-2024

 

Ðã 70 năm trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng ấy vẫn luôn vang vọng và là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đưa đất nước phát triển đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, đánh dấu thời khắc của chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đất nước ta trong những ngày đầu độc lập gặp muôn vàn khó khăn, thử thách trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài” - thực dân Pháp dã tâm quay trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tập trung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 12 năm 1946), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã nêu cao tinh thần độc lập, tự do, quyết chiến, quyết thắng, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhất tề đứng lên thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, từng bước đánh bại các chiến lược quân sự của bè lũ thực dân, giành được những thắng lợi quan trọng, nổi bật là trên các mặt trận Việt Bắc 1947, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, Trung ương Đảng đề ra Kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, quyết tâm giữ vững thế chủ động, đánh địch cả chính diện và sau lưng, với phương châm tác chiến “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “đánh chắc thắng” để đánh bại Kế hoạch Na-va của địch. Với tinh thần cả nước ra trận, quân và dân ta đã liên tục tiến công, giáng cho địch nhiều thất bại nặng nề, buộc chúng rơi vào thế bị động đối phó trên khắp các chiến trường. Trước nguy cơ kế hoạch Na-va bị phá sản, thực dân Pháp gấp rút điều động lực lượng nhảy dù, chiếm Điện Biên Phủ, tăng cường lực lượng, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - “một pháo đài không thể công phá”, nhằm tạo bàn đạp chiến lược khống chế khu vực Tây Bắc, Thượng Lào và thu hút, “nghiền nát” chủ lực của ta.

Nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, “tập trung đại bộ phận lực lượng chủ lực thiện chiến của ta lên mặt trận Điện Biên Phủ, mở chiến dịch tiến công tiêu diệt những lực lượng tinh nhuệ nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của chúng trên chiến trường Đông Dương”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo, đây là chiến dịch có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng; phải đánh thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm chiến lược đó, quân và dân ta đã khẩn trương chuẩn bị tốt mọi mặt và bước vào trận quyết chiến chiến lược bằng khát vọng độc lập dân tộc cháy bỏng cùng ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ.

Trước thực tiễn chiến trường và quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” ngay trước giờ mở màn Chiến dịch. Đây là một quyết định sáng suốt, thể hiện tài thao lược quân sự, phù hợp với thực tế diễn biến chiến dịch và chính là một trong những yếu tố mang tính quyết định đến thắng lợi cuối cùng. Trải qua “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng; chí không mòn”(2), ngày 07 tháng 5 năm 1954, lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm Đờ Ca-xtơ-ri, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ-Mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc

 

Đây là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xứng đáng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, của ý chí tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam; thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc, dân chủ nhân dân trên thế giới và của lương tri thời đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân hiếu chiến, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, mở ra trang mới cho cách mạng Việt Nam; đồng thời là một sự kiện quan trọng báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, của ý chí quyết chiến, quyết thắng, “dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng”; của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; đồng thời, là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt của quân, dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa mang tầm thời đại sâu sắc, làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một Đảng Mác-xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tại Lễ kỷ niệm 10 năm chiến thắng “chấn động địa cầu” ngày 07/5/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào Sổ cảm tưởng của Bảo tàng Điện Biên Phủ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định bị thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”. Còn trong bài “Nhân ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ” (ký bút danh Chiến Sĩ) đăng trên Báo Nhân dân, Bác viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn…Với tinh thần quyết chiến quyết thắng của Điện Biên Phủ, từ nay về sau nhân dân miền Nam chắc sẽ thắng lợi hơn nữa. Muốn tránh một thất bại như ở Điện Biên Phủ và muốn khỏi mất thể diện, thì đế quốc Mỹ chỉ có một cách là chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược, rút ngay quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam tự giải quyết lấy vấn đề nội bộ của mình”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, là niềm tự hào dân tộc. Tinh thần của Chiến thắng vĩ đại này đã được quân và dân ta tiếp nối, phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lập lên những chiến công hiển hách, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cũng là thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là do các nhân tố cơ bản:

Một là, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và phong kiến, vừa kiến quốc xây dựng chế độ mới. Ngay từ đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.

Hai là, nhân dân ta rất anh hùng, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ đã phát huy tinh thần cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận.

Ba là, các lực lượng vũ trang nhân dân ta trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến trường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm hy sinh lập nhiều chiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Bốn là, sự chi viện, cổ vũ và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là của Trung Quốc, Liên Xô, phong trào đấu tranh vì hòa bình của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Pháp, đặc biệt là của các nước trên bán đảo Đông Dương cùng chung chiến hào, đã tạo nên sức mạnh thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong bối cảnh hiện nay, xu thế chủ đạo của thế giới là hòa bình, hợp tác và phát triển nhưng vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn, diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, chủ nghĩa dân tộc, dân túy, bảo hộ và các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… gia tăng. Khoa học công nghệ phát triển nhanh và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng xuất hiện những thách thức mới trên mọi mặt của đời sống xã hội. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo, thế và lực của đất nước ta không ngừng được nâng lên; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu vẫn còn hiện hữu. Phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng nhiệm vụ đặt ra còn rất nặng nề.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng và khát vọng hòa bình của nhân dân ta, thể hiện sâu sắc, đậm nét trong các cuộc kháng chiến mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng , tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Lịch sử đã chứng minh, sự đoàn kết và kỷ luật là cội nguồn sức mạnh của Ðảng và là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi vậy, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Ðảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ðồng thời, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, từng tổ chức đảng và từng đảng viên phải chủ động ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Ðảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Qua đó, tập hợp lực lượng, tạo xung lực chính trị và tinh thần, phát huy trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, chúng ta phải có ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên, xây dựng đất nước Việt Nam thịnh vượng. Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Ðảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, có cơ cấu, thành phần hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, bảo đảm thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, để xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh vững mạnh, Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, trong đó xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(3). Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian trước mắt và lâu dài, đáp ứng đòi hỏi khách quan về tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời đang thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa chống đại dịch COVID-19 thành công, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta nguyện chung sức, đồng lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện mục tiêu cao cả của Đảng xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, cường thịnh.

Phát huy hào khí của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để thực hiện khát vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

 
Vương Đức Thương - Nguyễn Văn Tuệ