08-11-2024
Ngày 20/11 hay còn gọi là Ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam, là một trong những ngày lễ quan trọng nhằm tôn vinh và tri ân công lao của các thầy cô giáo – những người đã không ngừng nỗ lực vì sự phát triển của nền giáo dục. Ngày này mang nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử, phản ánh tinh thần tôn trọng, biết ơn của người Việt Nam đối với nghề giáo.
Nguồn gốc ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Nguồn gốc của Ngày Nhà giáo Việt Nam bắt đầu từ sự hình thành của Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục (Fédération International Syndicale des Enseignants, viết tắt là FISE) vào tháng 1/1946 tại Paris, Pháp. Đây là tổ chức quốc tế của các nhà giáo với mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người làm nghề giáo và đấu tranh cho một nền giáo dục công bằng, nhân văn.
Năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của FISE. Điều này đánh dấu bước tiến quan trọng trong sự hợp tác quốc tế của ngành giáo dục Việt Nam. Tại cuộc họp của FISE tổ chức từ ngày 26 đến ngày 30/8/1957 tại Ba Lan, quyết định tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo vào ngày 20/11 hàng năm được đưa ra.
Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức tại miền Bắc Việt Nam và nhanh chóng được lan tỏa đến các vùng giải phóng của miền Nam. Đến năm 1982, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày này đã trở thành Ngày Nhà giáo Việt Nam, một ngày lễ truyền thống hàng năm trên cả nước.
Ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Ngày 20/11 có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành giáo dục và toàn xã hội. Đây là dịp để người học bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy cô – những người đã dày công dạy dỗ, truyền đạt kiến thức, chắp cánh cho biết bao thế hệ học trò. Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là cơ hội để học sinh thể hiện lòng tri ân mà còn là dịp để toàn xã hội tôn vinh những người thầy, người cô.
Việc tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm cũng là cách để nhắc nhở các thế hệ trẻ về truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc. Đây là giá trị văn hóa đặc trưng, sâu sắc của người Việt Nam, thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với người thầy, người đã đồng hành trên con đường học vấn và phát triển toàn diện về mặt trí tuệ, thể chất và tâm hồn.
Không chỉ có ý nghĩa tôn vinh những người cống hiến thầm lặng, Ngày Nhà giáo Việt Nam còn là dịp để ngành giáo dục nhìn lại những thành quả đã đạt được và đánh giá lại công tác dạy và học. Đây là thời điểm các cơ quan giáo dục từ trung ương đến địa phương, từ nhà trường đến các phòng ban chuyên môn có thể rà soát, đưa ra những cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tri ân người thầy - Gìn giữ và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo
Mỗi năm, Ngày Nhà giáo Việt Nam không chỉ là dịp để các thế hệ học trò tri ân thầy cô mà còn để toàn xã hội tôn vinh, nhắc nhở nhau về vai trò quan trọng của nghề giáo. Trong xã hội hiện đại, mặc dù môi trường giáo dục gặp nhiều thách thức, nhưng giá trị và vị trí của người thầy vẫn luôn được gìn giữ và nâng cao.
Nhiều hoạt động kỷ niệm diễn ra khắp cả nước vào ngày 20/11, từ các buổi lễ tri ân trong trường học đến các chương trình biểu dương giáo viên tiêu biểu; tổ chức tặng hoa, gửi lời cảm ơn đến các thầy cô. Những hành động này, dù nhỏ bé, đều thể hiện lòng biết ơn của xã hội đối với công lao dạy dỗ của những người thầy – người đã truyền cảm hứng, dẫn dắt biết bao thế hệ học trò trưởng thành và cống hiến cho đất nước.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, tinh thần "Tôn sư trọng đạo" vẫn là một giá trị bất biến, giúp gìn giữ bản sắc dân tộc và truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là minh chứng cho sự tri ân của cả xã hội đối với những người đã chọn nghề giáo – nghề gieo mầm tri thức cho tương lai.
Nhân dịp ngày 20/11 đang đến gần, BGH Trường ĐH Tiền Giang xin gửi đến toàn thể quý Thầy/Cô của nhà trường lời chúc sức khoẻ dồi dào, hạnh phúc trong cuộc sống, luôn giữ vững ngọn lửa đam mê giảng dạy và luôn được nhiều thế hệ sinh viên tin yêu, quý mến!
BBT tổng hợp