.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Chuyện về hai Phó Giáo sư - Tiến sĩ của Trường Đại học Tiền Giang

21-01-2025

 

Trong tổng 614 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024, Trường Đại học Tiền Giang có 2 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư, gồm: Tiến sĩ Lê Minh Tùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật công nghệ.

Nhân dịp đầu xuân, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cùng Báo Ấp Bắc gặp gỡ, trò chuyện cùng hai Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS): Lê Minh Tùng và Nguyễn Ngọc Thắng của Trường Đại học Tiền Giang.

* PGS.TS LÊ MINH TÙNG: Không ngừng đam mê nghiên cứu khoa học

Gặp tân PGS.TS Lê Minh Tùng, điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là một người hiền lành, dễ chịu. Trong câu chuyện, thầy Tùng luôn mở lòng, chia sẻ nhiệt tình về niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình. Sau nhiều năm du học nước ngoài và công tác tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong nước, năm 2010, thầy Tùng quyết định về công tác tại Trường Đại học Tiền Giang.

“Sau tất cả, tôi quyết định trở về vì tình yêu với quê hương Tiền Giang. Tôi mong muốn với những gì đã được học tập và tích lũy kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học sẽ đóng góp vào sự phát triển của quê hương Tiền Giang. Tôi cảm thấy rất may mắn khi được tham gia công tác tại Trường Đại học Tiền Giang. Đây không chỉ là ngôi trường có bề dày lịch sử, truyền thống mà còn là môi trường tốt để tôi cùng các đồng nghiệp thỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Hơn thế nữa, tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức mà mình đã lĩnh hội được với thế hệ tương lai của đất nước”, thầy Tùng chia sẻ.

Theo thầy Tùng, con đường nghiên cứu khoa học của mình là một hành trình dài và đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ. So với phương pháp truyền thống trước đây, công tác nghiên cứu khoa học hiện nay đòi hỏi người thực hiện phải ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm làm ra phải hướng tới, phục vụ cộng đồng. Với tất cả sự đam mê, thầy Tùng đã vượt qua mọi khó khăn trên hành trình nghiên cứu làm công tác khoa học. Bên cạnh đó là sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, cộng tác của đồng nghiệp, cùng sự động viên kịp thời của gia đình, đã giúp thầy Tùng hoàn thành xuất sắc các đề tài nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, công nghệ vật liệu đã và đang phát triển mạnh mẽ, có nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Trong đó, các vật liệu ceramic (gốm); vật liệu nano chức năng như hạt nano từ tính, hạt nano bạc kim loại hoặc hạt nano oxit đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Cùng với đó, các nhà nghiên cứu, nhà công nghệ đã hướng đến việc phát triển ứng dụng các vật liệu nano chức năng vào thực tiễn đời sống để tạo ra các sản phẩm công nghệ mới do nhiều đặc tính ưu việt của vật liệu nano mang lại. Do đó, trong công tác nghiên cứu khoa học của mình, thầy Tùng đã tập trung nghiên cứu quy trình công nghệ chế tạo vật liệu nano chức năng và phát triển các tiềm năng ứng dụng thử nghiệm chúng ở một số lĩnh vực trong y sinh và môi trường.

Làm việc với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, đến nay, thầy Tùng đã hướng dẫn thành công 5 học viên sau đại học, hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Thầy Tùng cũng đã có 33 bài báo khoa học được công bố, trong đó có 25 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; xuất bản 1 giáo trình và 2 sách tham khảo. Các hướng nghiên cứu chính của thầy Tùng gồm: Nghiên cứu vật liệu gốm (ceramic); tổng hợp các vật liệu nano, vật liệu nano từ tính chức năng; phát triển thử nghiệm ứng dụng của các vật liệu nano từ tính chức năng chế tạo trong xử lý môi trường và cảm biến.

Thầy Tùng cho biết, danh hiệu Phó Giáo sư mà thầy đạt được là sự đánh giá của cả chặng đường cố gắng phát triển của bản thân từ sau giai đoạn tiến sĩ. Bản thân rất vui mừng và tự hào vì những nỗ lực, đóng góp của mình trong thời gian qua đã được các cấp lãnh đạo, nhà trường và xã hội ghi nhận. Điều này cũng là động lực cho thầy tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn trong thời gian tới để có nhiều nghiên cứu khoa học đóng góp thiết thực cho xã hội.

“Trong thời gian tới, công việc của tôi vẫn là nghiên cứu và giảng dạy. Tôi đã được anh em, bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp vun đắp, thì tôi sẽ phải có bổn phận vun đắp lại cho các thế hệ sau. Với công tác nghiên cứu khoa học, tôi sẽ tập trung nghiên cứu theo hướng ứng dụng để có thể giúp ích, phục vụ nhiều hơn cho đời sống con người”, thầy Tùng cho biết thêm.

* PGS.TS NGUYỄN NGỌC THẮNG: Tâm huyết với giải pháp xử lý nền đất yếu miền Tây

Xuất thân từ gia đình nông dân tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), PGS.TS Nguyễn Ngọc Thắng đã có hành trình học tập và nghiên cứu đáng ngưỡng mộ. Tốt nghiệp Kỹ sư Xây dựng tại Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh vào năm 2004, thầy Thắng bắt đầu sự nghiệp tại Công ty TNHH Xây dựng Hiệp Hòa trước khi chuyển về công tác tại Trường Đại học Tiền Giang từ năm 2005.

Năm 2006, với vai trò chuyên viên Ban Quản lý dự án xây dựng tỉnh Tiền Giang, thầy Thắng nhận được học bổng MEXT, theo học tại Đại học Công nghệ Toyohashi (Nhật Bản) và đạt Bằng Thạc sĩ Kỹ thuật xây dựng, chuyên ngành Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng năm 2008. Không dừng lại ở đó, năm 2009, thầy Thắng tiếp tục đạt thêm Bằng Thạc sĩ chuyên ngành Địa kỹ thuật xây dựng tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Bước ngoặt quan trọng đối với thầy Thắng là đến năm 2009, thầy chính thức đứng trên bục giảng tại Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường Đại học Tiền Giang. Năm 2010, thầy Thắng vinh dự nhận học bổng JASSO của Trường Đại học Kumamoto (Nhật Bản). Năm 2017, thầy bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Địa kỹ thuật xây dựng tại Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

Với năng lực và tâm huyết, thầy Thắng lần lượt đảm nhiệm các vị trí quan trọng như Trưởng Bộ môn Kết cấu công trình (năm 2017), Phó Trưởng khoa Kỹ thuật xây dựng (2017 - 2021) và hiện là Phó Trưởng khoa Kỹ thuật công nghệ từ năm 2021. "Mình là người con sinh ra, lớn lên và làm việc tại Đồng bằng sông Cửu Long, bản thân mình thấu hiểu những vấn đề đang tồn tại ở nơi đây như về đường xá, đê đập, nhà cửa, sông ngòi... Do đó, các vấn đề về giảng dạy, chuyên môn và nghiên cứu của mình luôn hướng về vùng đất Nam bộ này”, thầy Thắng chia sẻ.

Trong vai trò nhà giáo và nhà khoa học, thầy Thắng đã có những đóng góp đáng kể cho ngành Giáo dục và nghiên cứu khoa học. Thầy đã hướng dẫn thành công cho gần 10 học viên cao học, hoàn thành 2 đề tài cấp cơ sở với vai trò chủ nhiệm, tham gia 1 đề tài cấp cơ sở, 1 đề tài cấp bộ và 1 đề tài cấp tỉnh. Thành tựu nghiên cứu của thầy Thắng bao gồm gần 30 bài báo khoa học, trong đó có 7 bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín (ISI, Scopus). Đặc biệt, thầy Thắng có sáng kiến “Ảnh hưởng của hàm lượng Montmorillonite đến sức chịu tải của nền đất yếu được gia cố bằng trụ đất xi măng” được công nhận cấp tỉnh.

Với tư cách tác giả chính, thầy Thắng đã xuất bản 4 sách tham khảo quan trọng gồm: "Gia cố nền đất yếu bằng trụ đất xi măng" (năm 2019), "Ảnh hưởng của khoáng vật Montmorillonite đến tính chất cơ học của trụ đất xi măng" (năm 2019), "Thực nghiệm đánh giá Mô đun đàn hồi của đất đắp nền đường khi thay đổi độ ẩm và thành phần hạt" (năm 2022) và "Phòng, chống xói lở cống vùng Đồng bằng sông Cửu Long" (năm 2022).

Những nỗ lực và đóng góp của thầy Thắng đã được ghi nhận qua nhiều sự  tặng thưởng và danh hiệu cao quý như: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh năm 2022, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (năm 2020 và 2022) và đặc biệt là Bằng khen Nhà giáo tiêu biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023. Thành tựu mới nhất, là thầy Thắng được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Giao thông vận tải, chuyên ngành Nền móng công trình vào tháng 11-2024.

Với phương pháp giảng dạy hiện đại, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa trực tiếp và trực tuyến, cùng sự gắn kết chặt chẽ với địa phương và doanh nghiệp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thắng không chỉ là tấm gương về tinh thần học tập không ngừng, mà còn là người thầy tận tụy, nhà khoa học nhiệt huyết của tỉnh Tiền Giang.

ĐỖ PHI - TUẤN LÂM