.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Tuổi trẻ TGU Hành trình về với bảo tàng và di tích lịch sử tại thành phố Hồ Chí Minh

25-09-2017

Ngày 23/9/2017, hơn 90 cán bộ, đoàn viên thanh niên của Trường ĐH Tiền Giang đã tham gia chương trình “Hành trình về với bảo tàng” nhân kỷ niệm 72 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (02/9/1945-02/9/2017) và 72 năm ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2017).

Chuyến hành trình về nguồn, hành trình về với bảo tàng nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa của quê hương; nâng cao nhận thức và khơi dậy trong tuổi trẻ nhà trường niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên tìm hiểu và khám phá những giá trị lịch sử to lớn của dân tộc được lưu giữ tại các bảo tàng trên địa bàn TP.HCM.

Giúp các cán bộ đoàn viên bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công tác tổ chức các hoạt động về nguồn, giúp đẩy mạnh hoạt động phong trào ở cấp Chi đoàn.

Đoàn đã lần lượt đến tham quan và tìm hiểu cá địa danh, di tích như: Bến nhà Rồng - Bảo tàng Tp. HCM, nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.

Các bạn theo dõi phần giới thiệu về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ.

Đoàn cũng đã đến tham quan, tìm hiểu về Dinh độc lập nơi chiếc xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính tiến thẳng vào Dinh lúc 10h45 phút ngày 30/4/1975. 11h30’ cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận - Ðại đội trưởng chỉ huy xe tăng 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên. Cờ phấp phới tung bay trên nóc Dinh, kết thúc 30 năm chiến tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam.

Đoàn chụp hình lưu niệm trước dinh độc lập.

Điểm cuối cùng đoàn đến tham quan trong hành trình là Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TP. HCM. Nơi đây hiện đang lưu giữ hơn 30.000 tư liệu, hiện vật quý của lịch sử Việt Nam từ thời khai sinh đến thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930). Bên trong Bảo tàng được chia thành nhiều gian phòng khác nhau: Phòng trưng bày thời Ngô - Đinh -Tiền Lê - Lý, phòng trưng bày cổ vật thời Tây Sơn, phòng cổ vật Vương Hồng Sển hay phòng trưng bày áo vua, áo hoàng hậu thời Nguyễn. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn trưng bày nhiều chuyên đề liên quan đến nhiều nền văn hóa đặc trưng của khu vực phía Nam như nền văn hoá Óc Eo, văn hoá cổ đồng bằng sông Cửu Long, văn hóa nghệ thuật Chămpa, Bến Nghé Sài Gòn, các dân tộc Việt Nam,…

Trước khi tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng lịch sử, các bạn cũng đã ghi lại những hình ảnh kỷ niệm.

Tin, ảnh: LÊ TÂN, TẤN CHÍ