06-08-2018
Với vị trí và tiềm năng quan trọng, công nghệ thực phẩm là ngành được xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015 - 2025. Theo các chuyên gia, nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Tiềm năng tương lai cho Ngành Công nghệ thực phẩm
Theo Bộ Công Thương, công nghiệp thực phẩm được xếp vào nhóm ngành có lợi thế cạnh tranh và có định hướng, chiến lược phát triển trên cơ sở sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khai thác sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước, tạo sản phẩm đa dạng, có khả năng cạnh tranh cao, qua đó, góp phần đưa ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nước ta thành ngành kinh tế thế mạnh, từng bước hội nhập vững chắc với khu vực và thế giới.
Với vị trí và tiềm năng quan trọng, công nghệ thực phẩm là ngành được xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015 - 2025. Theo các chuyên gia, nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần có chiến lược xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Sinh viên khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm
Công nghệ thực phẩm là gì?
Công nghệ thực phẩm là 1 trong 5 ngành thuộc khối ngành công nghệ chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,…
Sản phẩm nghiên cứu của sinh viên và viên chức khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm
Công nghệ thực phẩm học gì?
Tại trường đại học Tiền Giang, ngành công nghệ thực phẩm được tuyển sinh ở cả hệ đại học và cao đẳng. Ở hệ đại học sinh viên được đào tạo 3 khối kiến thức: đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành công nghệ thực phẩm. Trong đó, khối kiến thức chuyên ngành công nghệ thực phẩm bao gồm các học phần như nguyên liệu và phụ gia thực phẩm; máy thiết bị thực phẩm; công nghệ chế biến rau quả, lương thực, bia rượu, nước giả khát, dinh dưỡng, độc học và an toàn thực phẩm; bao bì thực phẩm; quản lý chất lượng thực phẩm; vi sinh thực phẩm và phân tích sản phẩm thực phẩm,... Kết thúc khóa học sinh viên sẽ vận dụng những kiến thức và kỹ năng học được để thực hiện đồ án tốt nghiệp tại phòng thí nghiệm tại trường hoặc thực tập tốt nghiệp tại các nhà máy, cơ sở sản xuất thực phẩm hoặc có thể thực tập tại các cơ quan quản lý nhà nước về chế biến thực phẩm. Sinh viên sẽ trực tiếp làm ra các sản phẩm thực phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm nghiên cứu của sinh viên và viên chức khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm
Ở hệ cao đẳng nghề ngành công nghệ thực phẩm, sinh viên sẽ được học các kiến thức về cơ cở ngành và chuyên ngành như truyền nhiệt, truyền khối, hóa học thực phẩm, vi sinh thực phẩm, công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm từ thịt, cá, rau quả, lương thực, …Thời gian đào tạo cho sinh viên có học lực trung bình là 2,5 năm, nếu sinh viên có học lực khá giỏi, thời gian có thể ngắn hơn vì trường đào tạo theo hệ thống tín chỉ, các bạn có thể đăng ký các nhiều học phần trong một học kỳ. Đặc biệt, nhà trường rất chú trọng kỹ năng thực hành trong quá trình học tập tại trường, ngoài thời gian thực tập tại các phòng thí nghiệm (chiếm 60 % thời lượng của khóa học), sinh viên sẽ có các đợt kiến tập nhà máy, thực tâp nhà máy và thực tập tốt nghiệp.
Cơ hội nghề nghiệp đa dạng
Sinh viên ngành công nghệ thực phẩm sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm (trong các phòng thí nghiệm phân tích vi sinh, dinh dưỡng, phòng phát triển sản phẩm, …), các viện nghiên cứu, công ty liên quan đến lương thực thực phẩm; làm cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao như QA, QC trong lĩnh vực chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng thực phẩm; quản lý một khâu trong quy trình chế biến thực phẩm ở các nhà máy có quy mô hiện đại hoặc có thể trở thành chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng ở trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng,…
Thành Nhân, Ngọc Phượng