22-04-2019
Sáng 21/4/2019, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Tọa đàm khoa học “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao”. Theo các chuyên gia đến năm 2020, nông nghiệp nước ta sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.
Sinh viên ngành Đại học Khoa học Cây trồng của Trường ĐH Tiền Giang trong giờ thực hành
Đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, sửa đổi, bổ sung năm 2015. Qua chín năm triển khai, Đề án đã từng bước nâng cao trình độ của người sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Lan (Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, lao động nông nghiệp Việt Nam đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn nhất đối với các cơ sở đào tạo nông nghiệp.
Sinh viên ngành Đại học Nuôi trồng thủy sản của Trường ĐH Tiền Giang trong giờ thực hành
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Để làm được những việc này, Bộ trưởng cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông - lâm - ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cần sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới.
Sinh viên ngành Đại học Công nghệ sinh học của Trường ĐH Tiền Giang trong giờ thực hành
Những năm qua, Trường Đại học Tiền Giang rất quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp của Tiền Giang nói riêng và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói chung. Ðể đáp ứng nguồn nhân lực, Nhà trường đã thường xuyên điều chỉnh, cải tiến và xây dựng các chương đào tạo nông nghiệp. Nhà trường thường xuyên cải tiến và tăng tương thời gian thực hành của các học phần. Đặc biệt là các học phần thực tập nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các sinh viên được cử đi thực tập tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ giúp sinh viên sẽ tiếp cận và làm chủ các trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật hiện đại và tăng khả năng thích ứng sau khi ra trường. Ngoài ra, Nhà trường cũng tăng cường quan hệ quốc tế, mời các chuyên gia đầu ngành về giao lưu cũng như hằng năm đưa giảng viên đi đào tạo học sau đại học ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giảng viên.
Sản phẩm nghiên cứu khoa học của Viên chức và sinh viên ngành Đại học Công nghệ thực phẩm của Trường ĐH Tiền Giang
Năm 2019, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Tiền Giang sẽ tiếp tục tuyển sinh các ngành đại học: Khoa học cây trồng (7620110), Công nghệ sinh học (7420201), Công nghệ thực phẩm (7540101), Nuôi trồng thủy sản (7620301) và Chăn nuôi (ngành mới). Mọi thắc mắc thí sinh và phụ huynh vui lòng liên hệ: Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Tư vấn tuyển sinh (Website: tuvantuyensinh.tgu.edu.vn, Phone: (0273) 3888 585, Hotline: 0913 043 841, Zalo: 0913 043 841; 01237 567 768 hay Facebook: www.facebook.com/truongdaihoctiengiang)
VĨNH SƠN