13-08-2019
Ngày 9/8/2019, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 25 năm phong trào thanh niên tình nguyện hè (TNTN) và các hoạt động phục vụ cộng đồng Trường Đại học Tiền Giang (1994 – 2019). Tham dự lễ có: anh Nguyễn Thành Luân (Ủy viên Thường vụ Tỉnh Đoàn Tiền Giang) cùng đại diện Ban Chỉ đạo Chiến dịch TNTN hè qua các thời kỳ của các huyện, thành phố, Chỉ huy trưởng các mặt trận, các doanh nghiệp đã có nhiều năm đóng góp bằng vật chất ủng hộ nhà trường thực hiện chiến dịch.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu được xem một đoạn phóng sự ngắn ôn lại chặng đường 25 năm các chiến sĩ tình nguyện của Trường Đại học Tiền Giang ( tiền thân là Trường CĐSP và CĐCĐ) có mặt tại mặt trận trong và ngoài tỉnh. Trong 25 năm qua, Trường Đại học Tiền Giang đã có hơn 8 ngàn chiến sĩ tình nguyện tham gia chiến dịch tại các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre, có mặt tại 120 xã, thị trấn với tổng giá trị thực hiện các công trình, phần việc hơn 50 tỷ đồng.
Là đơn vị khởi xướng Chiến dịch Ánh sáng văn hóa Hè tỉnh Tiền Giang từ năm 1995, Trường Trung học Sư phạm Tiền Giang (trường tiền thân của Trường Cao đẳng Sư phạm trước đây) đã đặt nền móng cho phong trào thanh niên tình nguyện tỉnh Tiền Giang trong việc cùng chung tay góp sức cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang thực hiện công tác phổ cập giáo dục tiểu học vào mỗi dịp Hè. Tiếp nối Chiến dịch Ánh sáng văn hóa Hè, từ năm 2000, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Vì Cộng đồng Hè đã được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực công tác đã được tập thể cán bộ, đoàn viên, thanh niên Trường Đại học Tiền Giang tích cực hưởng ứng tham gia.
Trong 25 năm qua, đoàn viên, thanh niên của Trường Đại học Tiền Giang đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào tình nguyện tỉnh Tiền Giang: đã có 550 km đường giao thông, 50 cây cầu được sửa chữa, nâng cấp 180 km đường dây điện nông thôn, sửa chữa thiết bị điện gia dụng cho 1.000 hộ gia đình và xây mới 108 căn nhà đại đoàn kết, với kinh phí hơn 50 tỷ đồng, cùng nhiều công trình, phần việc hướng tới an sinh xã hội, chăm sóc, giúp đỡ người có công, trẻ em nghèo; đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 11.685 cán bộ làm công tác thanh thiếu nhi; ôn tập hè cho 20.000 học sinh, giảng dạy tin học ứng dụng cho 10.000 học viên, trồng 10.000 cây xanh, chuyển giao ứng dụng công nghệ cho 1.000 hộ gia đình, tư vấn cho 45.000 lượt thí sinh và hỗ trợ 13.230 chỗ trọ, 10 nghìn suất cơm miễn phí cho thí sinh, giới thiệu cho Đảng kết nạp 10 đảng viên từ đoàn viên ưu tú đã được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào.
Ngoài ra, các đội hình còn tham gia giao lưu, kết nghĩa với tổ chức đoàn thể địa phương và công tác giáo dục thiếu niên, nhi đồng tại địa phương như; giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, tổ chức các hoạt động tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,… thu hút hàng chục nghìn lượt thanh niên địa phương tham gia, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt thanh niên tại địa phương.
Với những thành tích đã đạt được, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Tiền Giang đã vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang... Nhân dịp này, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang đã trao tặng giáy khen cho 11 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc cho 25 năm phong trào thanh niên tình nguyện hè (TNTN) và các hoạt động phục vụ cộng đồng Trường Đại học Tiền Giang (1994 – 2019).
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Tiến Dũng (Bí thư Đoàn Trường Đại học Tiền Giang, Phó Chỉ huy Trưởng Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Hè Trường Đại học Tiền Giang năm 2019) đánh giá cao về chất lượng các công trình, phần việc của các chiến sĩ Trường Đại học Tiền Giang, đây xem như một dấu ấn tốt đẹp, nghĩa tình của các chiến sĩ tình nguyện nói riêng, nghĩa tình khó có thể nào quên được giữa các địa phương của tỉnh nhà với đơn vị nhà trường suốt 25 năm qua. Những công trình, phần việc không chỉ là những món quà vật chất, mà hơn cả là mang những giá trị nhân văn đầy ý nghĩa, thể hiện tình cảm thắt chặt giữa các chiến sĩ tình nguyện với người dân địa phương. Những mối tình thật đẹp và kết thúc có hậu giữa các mùa chiến dịch. Đó còn là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của bà con nhân dân tỉnh nhà trước hình ảnh của các chiến sĩ nhà trường, tăng cường và nâng cao nhận thức của người dân trong sự đóng góp bằng sức người, sức của và tham gia tích cực hơn nữa vào xây dựng quê hương giàu đẹp.
VĨNH SƠN