.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Anh hùng dân tộc Trương Định

21-08-2019

Trương Định hay còn gọi là Trương Công Định là một anh hùng dân tộc có công trong việc khai phá và gìn giữ cõi đất phương Nam. Ông là một võ tướng tài ba, trung kiên luôn được người dân kính trọng, tin tưởng.

Trương Định (1820–1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, là võ quan nhà Nguyễn, và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859–1864, trong lịch sử Việt Nam.

Trương Định sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ uý ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị.
Tháng 2/1859, khi quân Pháp tấn công thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền tham gia chống giặc ngoại xâm cùng quân triều đình, lập được nhiều chiến công.Năm 24 tuổi, ông theo cha vào Nam, chiêu mộ dân cày, khẩn hoang lập ấp, trở thành bậc tiền hiền mở đất khai cơ ở vùng Tân An, Định Trường. Năm 1854, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận. Ông được phong chức Phó Quản cơ, rồi Quản cơ.

Năm 1862, triều đình ký hòa ước Nhâm Tuất, giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang.

Theo yêu cầu của nhân dân và các nghĩa sỹ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu Bình Tây Đại nguyên soái, tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp.

Rạng sáng 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân tại Đám lá tối trời, Gò Công Đông. Trương Định bị trọng thương. Không để rơi vào tay giặc, ông đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết người anh hùng. Sự nghiệp của ông đã mở đầu cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sau khi Trương Định mất vào ngày 20/8/1864, bà Trần Thị Sanh là người vợ thứ của Trương Định và nhân dân mang Ông về an táng rất trọng thể, tại một địa điểm nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Năm 1964, ngôi mộ và đền thờ Ông được tu bổ khang trang và giữ nguyên dáng dấp đến ngày nay.

Ngoài mộ và đền thờ tại thị xã Gò Công, nhân dân còn lập một đền thờ tại xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông, nơi được gọi là "Đám lá tối trời" mà Trương Định và nghĩa quân từng làm căn cứ chống Pháp để thờ Ông.

Di tích mộ và đền thờ Trương Định ở thị xã Gò Công được Bộ Văn hóa -Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 30/8/1987. Còn đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2004.

VĨNH SƠN tổng hợp