29-11-2019
Ngày 23/11/2019, Trường Đại học Tiền Giang phối hợp với Câu lạc bộ doanh nhân Tiền Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh (TGB), Công ty Tư vấn Việt Nam (VCG) và sự bảo trợ của Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức Hội thi Làm bánh dân gian Nam Bộ - Giải thưởng Hương vị Miền Tây lần 2, năm 2019 tại Cơ sở Thân Cửu Nghĩa. Hội thi thu hút 28 gian hàng đến từ các cơ quan, đơn vị trong và ngoài trường.
Hội thi Làm bánh dân gian Nam bộ, Giải Hương vị miền Tây là một hoạt động bổ ích dành cho giảng viên, sinh viên, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa nhà trường với các thành viên Câu lạc bộ TGB, các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài trường, kết nối thế hệ cùng nhau, thể hiện trách nhiệm giữ gìn văn hóa dân gian địa phương.
Bà Lâm Thúy Ái trao bảng tượng trưng 100 triệu đồng cho Hội thi
Đến dự có: GS.TS. Young Jin Nam (Trưởng Khoa Truyền Thông Đại Học Kyungmin, nguyên Tổng Thư Ký Hội Nhà Báo Hàn Quốc); ông Kim Tae Hwan (Trưởng Ban liên lạc Cộng đồng doanh nhân Hàn Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh); ông Đoàn Hữu Đức (Phó Chủ tịch câu lạc bộ TGB, Giám đốc công ty Tư vấn Việt Nam, Chủ biên cuốn Hương vị Miền Tây); bà Lâm Thúy Ái (Phó Chủ tịch thường trực câu lạc bộ TGB, Tổng Giám đốc tập đoàn MEBIPHA); TS. Nguyễn Viết Thịnh (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tiền Giang); TS. Lê Minh Tùng |(Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang); cùng thầy cô là lãnh đạo các đơn vị Phòng, Khoa, Trung tâm trực thuộc trường và hơn 1.000 sinh viên.
TS. Nguyễn Viết Thịnh và TS. Lê Minh Tùng tặng hoa cho Ban Giám khảo
Hội Đồng Ban giám khảo của cuộc thi gồm có: TS. Từ Minh Thiện (Nguyên Phó Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM); ông Trần Văn Thịnh (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội tư vấn Khoa học và Quản lý TP. HCM); ông Đoàn Hữu Đức (Phó Chủ tịch câu lạc bộ TGB, Giám đốc công ty Tư vấn Việt Nam, Chủ biên cuốn Hương vị Miền Tây); bà Lâm Thúy Ái (Phó Chủ tịch thường trực câu lạc bộ TGB, Tổng Giám đốc tập đoàn MEBIPHA); nhà báo Trần Công Khanh (Trưởng Ban biên tập Hương vị Miền Tây, Tổng thư ký báo Thế Giới Hội Nhập, nguyên Tổng thư ký báo Sài Gòn Tiếp Thị); cô Nguyễn Vân Ngọc Phượng (Phó trưởng khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm); cô Phạm Đỗ Trang Minh (Giảng viên khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm); cô Lê Minh Cúc Phương (Giảng viên khoa Sư phạm); cô Hồ Đoàn Thùy Mỹ Châu (Trưởng bộ môn văn hóa và Du lịch).
TS. Nguyễn Viết Thịnh và TS. Lê Minh Tùng tham quan và chụp hình cùng sinh viên tại các gian hàng
Theo tiêu chí của Ban Tổ chức, mỗi đội tham gia Hội thi làm 2 loại bánh dân gian (bánh mặn và ngọt) theo đúng thời gian quy định (không đưa các loại bánh đã chế biến sẵn), với thời gian chế biến và trình bày là 120 phút. Nguyên liệu làm bánh phải là những thực phẩm, ngũ cốc, rau, củ, quả của Việt Nam. Các loại Bánh dân gian được chế biến với hình thức thiết kế bao bì hấp dẫn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và mẫu mã đẹp. Thể hiện đặc trưng của địa phương, vùng, miền, dân tộc. Các đội thi phải thuyết trình về quy trình, ý nghĩa, cách thưởng thức. Ban giám khảo sẽ đánh giá chấm điểm dựa trên các tiêu chí: Chất lượng, hình thức, nội dung thuyết trình và an toàn thực phẩm.
Cuối cùng, Ban tổ chức đã trao 30 giải (nhất, nhì, ba, khuyến khích) và nhiều giải phụ cho các đội xuất sắc nhất. Giải viên chức, BTC trao giải nhất bánh mặn (bánh xèo) cho Đoàn Thanh niên Công an tỉnh; giải nhất bánh ngọt (bánh da lợn) cho liên quân Phòng Công tác sinh viên, Phòng Giáo dục thường xuyên, Phòng Quản lý đào tạo, Phòng Thanh tra pháp chế. Giải sinh viên, BTC trao giải nhất bánh mặn cho Đoàn khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm 1, giải nhất bánh ngọt cho Đoàn khoa Kinh tế - Luật. Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao giải viết cảm nhận về bánh dân gian Nam bộ cho các tác giả xuất sắc nhất.
GS.TS. Young Jin Nam (Trưởng Khoa Truyền Thông Đại Học Kyungmin, nguyên Tổng Thư Ký Hội Nhà Báo Hàn Quốc) thưởng thức món ăn của Đoàn khoa Khoa học xã hội và nhân văn
Ông Đoàn Hữu Đức (Phó Chủ tịch câu lạc bộ TGB, Giám đốc công ty Tư vấn Việt Nam, Chủ biên cuốn Hương vị Miền Tây) cho rằng: Bánh dân gian là loại bánh xuất xứ từ cộng đồng, có tính truyền thống. Hội thi làm bánh dân gian Nam Bộ nhằm tạo sân chơi bổ ích, góp phần bảo tồn và giữ gìn văn hóa ẩm thực Nam Bộ, đặc biệt là các món bánh truyền thống. Thông qua hội thi tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực, đặc biệt là các loại bánh truyền thống của Nam Bộ.
Đằng sau mỗi chiếc bánh là những câu chuyện dài được dệt nên với những ý ngĩa tốt đẹp. Chiếc bánh dân gian không chỉ là một món để “ăn chơi” hay lót dạ mà còn là sợi dây kết nối tình chòm xóm. Là thứ gợi nhớ quê nhà cho kẻ tha hương, là kết tinh của óc sáng tạo, sự khéo léo, tính nhẫn nại, siêng năng của người phụ nữ miệt vườn Nam bộ.
Hội thi còn là hoạt động bổ ích dành cho giảng viên, sinh viên, tạo cơ hội giao lưu, hợp tác giữa nhà trường với các thành viên Câu lạc bộ TGB, các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài trường, kết nối thế hệ cùng nhau, thể hiện trách nhiệm giữ gìn văn hóa dân gian địa phương.
BTC trao giải ấn tượng cho Khoa Kỹ thuật công nghiệp và Khoa Nông nghiệp & Công nghệ thực phẩm
BTC trao giải nhất bánh ngọt (bánh da lợn) cho liên quân Phòng Công tác sinh viên, Phòng Giáo dục thường xuyên, Phòng Quản lý đào tạo, Phòng Thanh tra pháp chế. Giải nhì món bánh ngọt thuộc về Khoa NN&CNTP với món bánh chuối hấp và giải ba thuộc về Đoàn thanh niên Công an Tiền Giang.
BTC trao giải nhất bánh mặn cho Đoàn khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm 1
Dịp này, Ban tổ chức cũng đã trao giải phụ cho các đội tham gia hội thi.
VĨNH SƠN