21-04-2020
Trong thời gian cả nước đang thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, Trường Đại học Tiền Giang đã chủ động xây dựng Phương án số 193/PA-ĐHTG ngày 31/3/2020 về tổ chức giảng dạy học kỳ 2, năm học 2019-2020 bằng hình thức đào tạo trực tuyến (E-learning) để đảm bảo việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức luôn được xuyên suốt, có chất lượng và đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi của sinh viên từ ngày 20/4/2020.
Ngày 17/4/2020, Trường Đại học Tiền Giang đã ban hành hướng dẫn thực hiện quy định tạm thời về giảng dạy trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Nhà trường sử dụng hệ thống VNPT E-LEARNING được thiết lập cho Trường Đại học Tiền Giang tại địa chỉ http://tgu.lmsvn.edu.vn/ để giảng dạy trực tuyến. Đây là hình thức giảng dạy có sử dụng kết nối mạng để thực hiện việc học tập: cập nhật tài liệu học tập, tương tác với học liệu điện tử với giảng viên. Đồng thời, có nhiều phương thức tương tác khác nhau, tùy thuộc vào nội dung, thời lượng và số lượng sinh viên tham gia mà giảng viên có thể lựa chọn các phương thức tương tác phù hợp.
Giảng viên giảng dạy theo mục tiêu, nội dung đề cương chi tiết của học phần yêu cầu về năng lực mà sinh viên đạt được sau khi kết thúc học phần, điều chỉnh và công bố phương pháp và kế hoạch học tập, giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Lịch học và giảng dạy giữ theo lịch sinh viên đã đăng ký trên phần mềm quản lý đào tạo (http://qlddt.tgu.edu.vn/) và đã được phê duyệt. Số tiết giảng dạy trực tiếp phải thực hiện ít nhất 50% thời gian đã quy định trong đề cương chi tiết học phần.
Tại điểm cầu Trường Đại học Tiền Giang, PGS.TS. Võ Ngọc Hà – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; TS Lê Minh Tùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tham dự Hội nghị “Đào tạo trực tuyến của giáo dục đại học trong đại dịch Covid-19”.
Quan điểm của Nhà trường là việc giảng dạy trực tuyến hay học tập bằng hệ thống cơ sở dữ liệu E-learning chỉ là thay đổi phương thức giảng dạy nhằm ứng phó với dịch Covid-19. Do vậy, khối lượng học tập, chất lượng đào tạo và chuẩn đầu ra đối với từng môn học/học phần vẫn được Nhà trường đảm bảo như khi tổ chức dạy học trực tiếp trên lớp học. Vì vậy, Nhà trường yêu cầu sinh viên phải truy cập vào cổng đào tạo trực tuyến để tiếp cận, cập nhật bài giảng, tài liệu học tập, tham gia học, trao đổi, thảo luận với giảng viên phụ trách bài giảng/ học phần. Nhà trường sẽ bố trí một số ca học/buổi học để giảng viên hệ thống lại kiến thức và giải đáp thắc mắc trước khi sinh viên thi kết thúc học phần. Số lượng ca/buổi để giảng viên hệ thống lại kiến thức và giải đáp thắc mắc của mỗi học phần tùy thuộc vào số tín chỉ/ đơn vị học trình của học phần và thời gian mà Nhà trường đã tổ chức học E-learning.
Theo PGS.TS. Võ Ngọc Hà (Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường): Ngày 17/4/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị “Đào tạo trực tuyến của giáo dục đại học trong đại dịch Covid-19”. Hội nghị được kết nối tới hơn 300 điểm cầu gồm các cơ sở giáo dục đại học, nhà cung cấp công nghệ, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là xu thế của giáo dục thế giới. Tại Việt Nam, việc triển khai đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến trong hệ thống giáo dục đại học đã có chủ trương, kế hoạch và lộ trình từ trước. Chính vì vậy, việc triển khai đẩy mạnh áp dụng giảng dạy E-learning của Trường Đại học Tiền Giang là phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại về cách mạng dạy và học, có thể giúp người học vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, lại vừa học tập một cách hiệu quả. Đối với Nhà trường có thêm phương thức đào tạo rất phù hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu của xã hội khẳng định vị thế là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh nhà.
Vĩnh Sơn