09-10-2020
Phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong những khâu đột phá của tỉnh Tiền Giang nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội bền vững; góp phần đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, Trường Đại học Tiền Giang luôn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nói chung và đặc biệt là đào tạo đội ngũ giáo viên từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông nói riêng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
PGS.TS. Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang trao giấy khen cho các tân cử nhân năm 2020
Trường Đại học Tiền Giang được thành lập theo quyết định số 132/2005/QĐ-TTg ngày 06/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở hợp nhất Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang (thành lập 9/1997 trên cơ sở hợp nhất Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Trung học sư phạm mà tiền thân là 4 trường Sư phạm của tỉnh được thành lập từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng) và Trường Cao đẳng Cộng đồng Tiền Giang (thành lập 8/2000, trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Đào tạo và Bồi duỡng tại chức liên tỉnh Tiền Giang - Long An - Bến Tre mà tiền thân là Viện Đại học Cộng đồng Tiền Giang ra đời 1971 và Trường Công nhân Kỹ thuật Tiền Giang). Sứ mạng của Trường Đại học Tiền Giang là: Trường Đại học Tiền Giang đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mang đến cho người học cơ hội nghề nghiệp để thăng tiến.
Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay, trường đang đào tạo 20 ngành ở 2 bậc, trong đó đại học: 19 ngành, cao đẳng: 01 ngành (Cao đẳng Giáo dục Mầm non), theo phương thức đào tạo đa cấp, đa ngành, đáp ứng nhu cầu lao động có trình độ cho xã hội; triển khai có kết quả đào tạo theo học chế tín chỉ, với chương trình đào tạo được giảm tải theo hướng hiện đại, chất lượng đào tạo tăng lên qua từng năm học; hoạt động đào tạo của trường gắn kết với 200 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 15 năm qua , trường đã tuyển sinh được hơn 30.000 học sinh sinh viên ở nhiều trình độ hệ chính quy. Tuyển sinh liên thông đạt những kết quả nhất định. Ngoài ra, trường còn phát triển liên kết đào tạo cao học với một số trường như: Đại học Huế, Đại học Nông Lâm TP.HCM, Đại học Sư phạm TP. HCM… Ngoài ra còn liên kết đào tạo chính quy, bồi dưỡng ngắn hạn cho gần 60.000 người lao động có chuyên môn ở mọi trình độ, đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà, trong những năm qua, Khoa Sư Phạm của Trường Đại học Tiền Giang đã xây dựng và hoàn thiện nhiều chương trình đào tạo khác nhau, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông như: Đại học Sư phạm Ngữ văn, Đại học Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm Vật lý, Cao đẳng Sư phạm Âm Nhạc, Cao đẳng Sư phạm Mỹ Thuật, Cao đẳng Sư phạm Giáo dục thể chất, Cao đẳng Sư phạm Tiếng Anh, Cao đẳng Sư phạm Sinh - Hóa, Cao đẳng Sư phạm Ngữ Văn, Cao đẳng Sư phạm Sử - Địa, Cao đẳng Sư phạm Giáo dục Mầm non, Đại học Sư phạm Giáo dục tiểu học,… Nhiều sinh viên của Khoa hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục nổi tiếng như: Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Trường THPT Chợ Gạo, Trường THPT Đốc Binh Kiều, Trường THPT Vĩnh Kim, Trường THCS Xuân Diệu, Trường THCS Lê Ngọc Hân, Trường Tiểu học Thủ Khoa Huân, Trường Mầm Non Bông Sen, Trường Mầm Non Lê Thị Hồng Gấm,… Qua 15 năm xây dựng và phát triển, Khoa Sư Phạm của nhà trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy, đào tạo nguồn nhân lực sư phạm chất lượng cao cho ngành giáo dục của tỉnh nhà, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc gia. Điển hình tại Lễ xướng danh và phát bằng tốt nghiệp năm 2020, Trường Đại học Tiền Giang đã cấp bằng cho gần 150 sinh viên sư phạm các ngành như: Cao đẳng Sư phạm Giáo dục Mầm non, Cao đẳng Sư phạm Tiếng Anh, Cao đẳng Sư phạm Sinh - Hóa, Cao đẳng Sư phạm Sử - Địa, Cao đẳng Sư phạm Tiếng Anh…
Trước những yêu cầu về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của đất nước, một công việc quan trọng của các trường đại học có đào tạo ngành sư phạm là đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông như. Đây là một nhiệm vụ nặng nề đồng thời cũng là một hướng đi mới của Khoa Sư Phạm nói riêng và Trường Đại học Tiền Giang nói chung. Cùng với các đơn vị trong trường, Khoa Sư Phạm đã nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện dần các chương trình đào tạo mới như: bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, bồi dưỡng nâng hạng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp. Cùng với đó, Khoa Sư phạm gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học; biên soạn chương trình, tài liệu môn học; cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập…
Những năm gần đây, do yêu cầu nguồn nhân lực của thị trường, Trường ĐH Tiền Giang luôn tuyển sinh vào đào tạo thêm nhiều ngành học mới. Từ năm 2018 đến nay, Trường đã liên tục mở thêm 10 ngành đào tạo mới bên cạnh những ngành học đã và đang đào tạo nhằm đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội. Năm học 2020-2021, Trường Đại học Tiền Giang tiếp được Bộ Gáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh thêm 4 ngành học mới hệ đại học, trong đó có 3 ngành Đại học Sư phạm là: Đại học Sư phạm Toán (40 chỉ tiêu), Đại học Sư phạm Ngữ văn (40 chỉ tiêu), Đại học Sư phạm Giáo dục tiểu học (60 chỉ tiêu). Như vậy, Khoa Sư Phạm hiện đang quản lý 4 chuyên ngành là Đại học Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm Ngữ văn, Đại học Sư phạm Giáo dục tiểu học và Cao đẳng Giáo dục Mầm Non.
Có thể khẳng định, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và sư phạm nói riêng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với các cơ chế, chính sách của tỉnh, Khoa Sư Phạm - Trường Đại học Tiền Giang cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; chủ động “đi tắt, đón đầu” trong công tác đào tạo; đồng thời có chiến lược đào tạo dài hơi, chuẩn bị một bước nguồn nhân lực sư phạm bảo đảm về chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, phục vụ cho ngành giáo dục của Tiền Giang trong những năm tới.
PGS.TS. Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang trao bằng tốt nghiệp cho các tân cử nhân năm 2020
PGS.TS. Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết: Khoa Sư phạm của Trường Đại học Tiền Giang là một trong những đơn vị đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà trong lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Những năm qua, nơi đây đã rèn luyện nhiều thế hệ sinh viên có năng lực sư phạm, có khả năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường lao động trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Liên tục phát triển, khẳng định vị thế của trường đại học công lập, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn lại 15 năm xây dựng và phát triển của Khoa Sư Phạm của Trường Đại học Tiền Giang, chúng ta không khỏi tự hào. Hi vọng rằng, dưới sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và lãnh đạo Nhà trường, với những thành tựu đã đạt được, Khoa Sư Phạm tiếp tục là một địa chỉ tin cậy trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục nước nhà.
VĨNH SƠN