15-10-2020
HỒI 1: SỨC HÚT BẠCH MÃ
"Bạch Mã đẹp lắm!", "Bạch Mã cực kỳ hấp dẫn","Nếu thích khám phá thiên nhiên hãy đến Bạch Mã!".
Từ lúc biết "suy nghĩ vẫn vơ" mình và có lẽ nhiều người Huế khác đã nghe nói nhiều về núi rừng Bạch Mã ở quê nhà như thế nên trong lòng mong ước sẽ có một ngày nào đó được đặt chân lên đó... Thế nhưng tuổi học sinh đã đi qua..., tuổi sinh viên cũng đã hết ... nhưng ước mơ vẫn còn là ước mơ ?!
Cho đến một ngày cầm được giấy báo tuyển dụng giáo viên ở phương xa tận đồng bằng sông Cửu long, trong lòng tôi thật nhiều cảm xúc đan xen nhau! Thật lòng thì bản thân không hề muốn xa Huế vì người thân, bạn bè, cảnh vật quê nhà ... nhưng vì nghề nghiệp mà mình yêu thích nên đành quyết định đi xa... Từ khi nhận giấy báo thì chỉ còn khoảng hai tuần nữa là tôi phải rời Huế. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó tôi tranh thủ đi dạo quanh Huế càng nhiều càng tốt như thể lần ra đi này sẽ không còn dịp trở lại quê nhà. Trong những chuyến lang thang như thế có hai nơi tạo ấn tượng mạnh cho tôi. Đó là chuyến đi bộ một ngày vòng quanh Kinh thành Huế phía trên tường Thành với chu vi khoảng 10 km và đặc biệt nhất là chuyến về với Bạch Mã trong ba đêm bốn ngày cùng với hai người bạn.
HỒI 2: HẠNH PHÚC TRONG VẤT VẢ
Một sáng đầu thu năm 1996, có ba lữ khách trẻ vai mang ba lô từng bước, từng bước tiến dần theo triền dốc của con đường dẫn lên đỉnh Núi. Vì muốn đến với Bạch Mã bằng chính đôi chân của mình nên dù đường dốc, trời càng lúc càng nắng nóng, ba lô trên vai cứ trĩu nặng dần nhưng lòng chúng tôi vẫn rất phấn chấn. Ba hơi hít sâu vào được tiếp nối với ba hơi thở mạnh ra và liên hoàn như vậy với từng bước chân nặng nhọc nhưng thanh thản trên đường. Cứ đi được vài trăm mét chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh vật sống động bao la, trò chuyện rồi lại tiếp tục hành trình … Đến trưa thì Nhóm đến được km thứ 8, đây cũng là điểm bắt đầu con đường mòn rẽ vào một vùng suối thác nên thơ. Đường mòn này không dốc, không khí ở đây mát lạnh nhờ tán rừng già dày đặc, đi giữa trưa mà nhiều lúc như cuối chiều. Thỉnh thoảng tiếng vượn hú phá tan bầu không khí tĩnh mịch, lác đác trên lối đi có những cánh lông chim trĩ rơi rớt lại nên có lẽ vì vậy mà đường mòn này được đặt tên là Trĩ Sao?
Tuy bụng cồn cào, chân mỏi lắm nhưng Nhóm vẫn quyết tâm đi hết đường mòn này để đến điểm cắm trại đầu tiên cạnh suối thác. Phía trước hình như có tiếng nước chảy? Kinh nghiệm của bạn Xuân Anh (chàng trai đã từng đến Bạch Mã trước đó) cho biết sắp đến suối thác rồi. Càng lúc tiếng róc rách của nước chảy càng rõ hơn và nhờ vậy chúng tôi càng phấn khởi ...
Đến rồi! Dòng suối trong lành len lỏi giữa một bãi đá cuội trắng đủ loại kích cỡ nằm lọt thỏm giữa hai sườn núi với nhiều cây cổ thụ và dây leo chằng chịt, gió rừng man mát, không khí tĩnh mịch. Đẹp thật! Sự vất vả vừa qua không làm chúng tôi chùn bước, nay lại được chiêm ngưỡng, sống với một quang cảnh “thần tiên” như vậy nên trong lòng tôi dâng lên một niềm lâng lâng thú vị …! Bản thân đã phần nào chiêm nghiệm được niềm hạnh phúc, an lạc không ở đâu xa mà ngay trong từng hơi thở, trong mỗi bước chân nặng nhọc nhưng tỉnh thức của mình. Ngoại cảnh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại niềm hạnh phúc, thanh thản cho ta nhưng có lẽ ý thức tự giác, niềm đam mê, ý chí tự do của ta có vai trò quan trọng hơn … Các bạn nghĩ sao?
(Còn nữa)
TS. Nguyễn Viết Thịnh
(Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang - Một người con Xứ Huế)