15-10-2020
HỒI 3: SUỐI TRĂNG QUYỆN RỪNG GIÀ
… Dùng tạm thức ăn khô rồi tìm cách mắc võng giữa những thân cây già, chúng tôi “đánh” một giấc no nê giữa cánh rừng im mát bên cạnh dòng suối róc rách …
Chiều tối sau khi dạo cảnh, tắm suối, nấu cơm trên một tảng đá lớn, Nhóm thưởng thức buổi cơm chiều đạm bạc nhưng rất ngon miệng. Trời dần se lạnh, một đống lửa được đốt lên để sưởi ấm, làm bạn và bảo vệ chúng tôi trước bóng tối đáng ngại của núi rừng vì thú dữ và rắn rết độc có khả năng gây nguy hiểm … Sau một hồi tán gẫu, mỗi người tìm một tảng đá thích hợp giữa dòng suối để ngồi … thiền (?). Có điều lạ là khi ngồi trên tảng đá giữa dòng suối với khu rừng bao bọc xung quanh, cả ba chúng tôi đều cảm thấy dễ định tâm hơn, “sinh khí” dễ thâm nhập vào người hơn! Theo tôi nghĩ thì có lẽ “tinh khí” của núi rừng, của suối nước và những tảng đá lớn vốn hình thành từ hàng triệu năm trước được cộng hưởng và tăng cường cho “hành giả” … Những vị thiền sư ẩn dật từ xưa đến nay cũng thường chọn khung cảnh núi rừng, suối, đá … để nhập thất không phải chỉ vài ngày mà hàng tháng, hàng năm trời.
Chắc các bạn thắc mắc “tại sao lại kỳ vậy, ba đứa này muốn đi tu à”? Thật ra thì chúng tôi kết bạn với nhau vì cùng chung sở thích là tập luyện dưỡng sinh, cụ thể hơn là tập Thiền! Gọi đó là “tu” cũng được nhưng mà “tu nhà” chứ không phải “tu chùa”. Nghe thì có vẻ cao siêu nhưng sự thật thì đơn giản, điều cơ bản nhất là theo dõi cho được hơi thở của chính mình khi hít vào rồi thở ra, vậy thôi chứ đừng nên cầu mong những thế lực vô hình bên ngoài hoặc phức tạp hóa vấn đề vì như vậy dễ bị lạc đường, sa ngã mà từ thường được gọi là “tẩu hỏa nhập ma”!
… Tôi thức giấc đột ngột vì cảm thấy lạnh. Qua màn sương đêm rừng tĩnh lặng là ánh trăng già chênh chếch đang lên quyện với tiếng róc rách suối chảy và mặt nước lung linh phản chiếu ánh vàng … Đẹp quá!
HỒI 4: “THẦN NÚI” HÒA TẤU CÙNG “KHỈ ĐỘT”
Ngày thứ hai, Nhóm hành quân lên đỉnh thác Đỗ Quyên. Ba mặt bao phủ cây cối um tùm ôm trọn một bến nước trong xanh với các tảng đá lớn nhỏ được chen chúc thêm những cây hoa Đỗ Quyên mà đến mùa xuân sẽ khoe sắc màu. Mặt còn lại là khoảng trời xanh bao la với những ngọn núi nhấp nhô bên dưới. Mon men leo xuống bờ vực ước chừng 50 mét, chúng tôi chiêm ngưỡng Thác nước ào ạt tuôn “ánh bạc” xuống thung lũng …
Nắng vàng dần tắt, trại được dựng gần xong trên một tảng đá bằng phẳng thì mưa ập xuống. Khẩn trương cột dây trại và che tạm áo mưa làm mái, ba đứa chúng tôi ướt lạnh phải sát vai nhau trong chiếc trại tí hon. Trời càng lúc càng mưa dữ dội. Chúng tôi bắt đầu lo lắng vì mưa lớn ở núi rất nguy hiểm, nhất là Trại nằm ngay giữa dòng suối, trên đầu ngọn thác cao hàng trăm mét … Đề phòng điều xấu nhất có thể xảy ra, chúng tôi quan sát kỹ ba mặt xung quanh để tìm đường thoát khi nước lớn.
Cơn mưa lớn kéo dài hàng giờ mà vẫn chưa dứt, bóng đen đã bao trùm tất cả, lửa không thể nhóm lên dù hồi chiều chúng tôi kiếm được rất nhiều củi. Thỉnh thoảng những ánh chớp loé lên xé tan màn đêm đen cùng với tiếng sấm đùng đùng làm ẩn hiện những lùm cây nhô ra hai bên bờ vực giống như hình một chú “khỉ đột” và một ông “Thần núi” đối mặt nhau đang nhe răng bành miệng cùng hòa tấu cho bản nhạc mưa giông vốn thân thiện nhưng giờ lại quá nguy hiểm khiến cho chúng tôi đã sợ càng sợ thêm. Xuân Anh không dám nhìn ra bờ vực và cứ lầm thầm ú ớ trong miệng như muốn cầu cho trời tạnh mưa? Thiện và tôi bình tĩnh hơn nhưng cũng không khỏi lo sốt vó, thỉnh thoảng rọi đèn pin xem mực nước suối có dâng lên nhanh không để còn kịp… chạy!
Sau này Xuân Anh cho biết sở dĩ bạn “run như cầy sấy” lúc đó vì có một sự trùng hợp rất lạ lùng. Vào đêm trước khi ngồi thiền ở suối Chim Trĩ, trong tâm trí Xuân Anh hình ảnh một ông “Thần núi” với cặp sừng trên đầu hiện ra tươi cười chào hỏi, sau đó lại xuất hiện thêm một chú “khỉ đột” nhảy nhót, nhe răng la hét lung tung… Đặc biệt, theo lời Xuân Anh thì khuôn mặt của ông “Thần núi” và chú “khỉ đột” lại giống như hình ảnh chập chờn của các lùm cây hai bên bờ vực như đã mô tả trên ??? Các bạn nghĩ sao về những điều này?
Theo mình hiểu thì những người ngồi thiền đôi khi gặp ảo giác. Tuy nhiên cũng như giấc mơ, hình ảnh ảo giác thường phản ánh tâm trạng của chính hành giả. Lúc ngồi thiền thường gặp mâu thuẫn giữa hai trạng thái là định tâm và phân tâm, hình ảnh ông “Thần núi” nghiêm nghị có thể tượng trưng cho định tâm và chú “khỉ đột” láu táu có thể tượng trưng cho phân tâm. Định tâm hoàn toàn thì cực khó còn phân tâm hoàn toàn thì không nên, do vậy thiền giả thường ở trong cả hai trạng thái này. Nghĩa là bản hòa tấu của tâm trạng thiền giả thường có đủ ông “Thần núi” và chú “khỉ đột”… Tuy nhiên sự giống nhau của khuôn mặt ông “Thần núi” và chú “khỉ đột” trong lúc thiền và lúc trời mưa dông theo Xuân Anh thì qủa thật khó hiểu, cũng có thể do bạn Xuân Anh yếu bóng vía nên “nhìn gà hóa cuốc” chăng?
… May thay khoảng chín giờ tối, mưa tạnh dần rồi dứt hẳn. Bầu trời hiện dần ra những ngôi sao sáng như báo hiệu hiểm nguy đã qua và hạnh phúc đang đến! Đúng là khi đối diện với màn đêm đen mới thấy rõ hơn cái đẹp của đêm sao …! Trong trường hợp này hình ảnh ông “Thần núi” cũng có thể tượng trưng cho đêm sao, cho những gì mang tính bền vững, tích cực và hình ảnh chú “khỉ đột” tượng trưng cho đêm đen, cho những gì mang tính tạm thời, tiêu cực. Bền vững, tích cực và tạm thời, tiêu cực cũng là những cung bậc của cuộc sống đời thường trong mỗi con người chúng ta…!
(Còn nữa)
TS. Nguyễn Viết Thịnh
(Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang - Một người con Xứ Huế)