.:Trường Đại học Tiền Giang:. 

Chia sẻ

Hồi tưởng Bạch Mã Sơn (Chương 5, 6 và 7)

15-10-2020

 

HỒI 5: ĐỒNG ĐỘI

… Vất vả nhen nhóm ngọn lửa từ đống củi bị ướt do mưa, chúng tôi ăn tối với thức ăn khô, nhâm nhi trà xanh và lại hàn huyên với nhau trong bản nhạc rộn ràng của núi rừng sau trận mưa lớn ... Đề phòng nước có thể dâng cao bất cứ lúc nào cộng với gió lạnh về khuya cần giữ lửa nên chúng tôi luân phiên thức để canh, giấc ngủ không được tròn. Sức mạnh đồng đội giúp Nhóm vượt qua những khó khăn trở ngại để tiếp tục cuộc hành trình …

Sáng sớm tinh sương vừa mở mắt, tôi nhìn thấy dáng một người ngồi thẳng lưng theo kiểu hoa sen rất đẹp, trên một phiến đá cao gần miệng thác, với một tấm chăn choàng qua người mà trông xa như … tấm cà sa vậy! Đó là Thiện, chàng trai đầy nghị lực, can đảm và nhanh nhẹn nhất trong Nhóm. Thiện vốn là tài xế đường dài nên có sức chịu đựng mạnh mẽ, tuy vậy Bạn vẫn còn thiếu kinh nghiệm khi đi núi mà bằng chứng rõ nhất là mang giày Tây cứng, đế cao thay vì mang bata. Do vậy chỉ sau một ngày đi đường, gót chân của Thiện đã bong rộp và không thể đi giày được nữa cho dù là bata, phải đi chân không! Dẫm chân không một ngày tiếp theo trên sỏi đá, hai bàn chân Thiện tươm máu nhưng Bạn vẫn không một tiếng xuýt xoa, cứ tỉnh bơ như thường. Lì thật! Dù sao thì có được một đôi dép cũ cũng là ước muốn của Nhóm lúc đó để bàn chân Thiện bớt … tội nghiệp hơn! Thiện có phần ngược lại với Xuân Anh _ có kinh nghiệm đi núi nhưng hơi yếu bóng vía. Xuân Anh rất chu đáo và thường quan tâm đến người khác, chính Bạn xé áo của mình để bó hai bàn chân cho Thiện … Tôi cũng là người nhát gan, sợ nhất là rắn, bù lại cẩn thận và ít khi bỏ cuộc giữa chừng ... Ngoài điểm chung là thích tập luyện dưỡng sinh, chúng tôi đều thích khám phá núi rừng, có phần mạo hiểm nhưng không đến nổi liều lĩnh. Nói chung bộ ba chúng tôi cũng bổ khuyết được những ưu nhược điểm vốn có và rất đoàn kết, tôn trọng nhau dù chỉ mới làm quen vài tháng trước. Câu tục ngữ “một cây làm chẳng nên non …” thật chí lý …!

Sau một hồi đánh đu với những dây leo thòng xuống từ bờ rừng và bơi lặn, đùa giỡn thỏa thích trong những ao nước trong xanh tận đáy, chúng tôi tạm biệt thác Đỗ Quyên thơ mộng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy để đi lên Ngũ Hồ bằng cách men ngược theo một con suối và rẽ vào con đường tắt theo lời một bác tiều phu. Đi được vài km thì Nhóm mất phương hướng, không biết phải đi tiếp ra sao vì phía trước là một ngọn núi chắn ngang và không thấy con đường mòn nào? Một thoáng bối rối trên ba nét mặt. Lạc đường rồi chăng? Quay lại đường cũ hay không?

Nghỉ ngơi một lúc và bàn luận sôi nổi, cuối cùng bằng kinh nghiệm của người từng leo núi, Xuân Anh đề xuất nhắm thẳng ngọn núi trước mặt để vượt qua, tôi và Thiện nhất trí. Do không thấy đường mòn nên chúng tôi phải vừa đi vừa chặt những dây leo chằng chịt để mở đường. Cảm giác bị lạc rừng cộng với những thân dây leo to cỡ bắp tay, bắp chân, lắt léo như mình những con trăn, con rắn chưa biết phóng ra lúc nào làm tôi không khỏi sợ hãi, cứ căng mình ra để đề phòng …

Ồ, có tiếng người từ xa vọng lại làm chúng tôi mừng thầm và tiến bước nhanh hơn. Xuống đến chân núi phía bên kia lại gặp ngay Ngũ Hồ. Năm Hồ nước trong veo liên tiếp nhau giữa rừng sâu. Đá ở đó toàn một màu nâu đen trông rờn rợn nên nói chung cảnh vật ở đây không hấp dẫn chúng tôi như ở suối Chim Trĩ …

Đã qua buổi trưa, chúng tôi quyết định lên đường để kịp đến đỉnh núi trước khi trời tối. Ra đến con đường Cái và đi thêm một đoạn, chúng tôi gặp một nhóm công nhân đang làm con đường nhựa ... Mon men lại gần hỏi thăm và xin mua lại của họ một đôi dép cũ, chúng tôi được tiếp chuyện vui vẻ và được tặng đôi dép nhựa đang mang từ một chị công nhân. Tình Người, tình đồng đội thật đáng quý thay!

HỒI 6: ĐỈNH CAO, VỰC SÂU VÀ TẦM NHÌN…

Nếu ai đã từng đến Đà lạt, rung động trước cảnh hài hòa thơ mộng giữa rừng thông reo, đồi núi chập chùng, hoa lá và biệt thự … thì ở Bạch Mã cũng rung động không kém! Điểm khác biệt là ở Bạch Mã có nhiều biệt thự đổ nát, hoang phế và thiên nhiên thì hoang dã hơn Đà lạt.

Còn khoảng hai km nữa đến đỉnh núi thì trời lại mưa và mưa rất lớn. Chúng tôi quyết định bằng mọi giá phải lên đến đỉnh núi rồi có chuyện gì sẽ tính sau. Thế là dưới làn mưa rát, ba lữ khách khoát áo mưa, vai mang balô, tay chống gậy lầm lũi hàng một tiến lên đỉnh núi … Thật bất ngờ, khi chúng tôi vừa lên đến đỉnh thì trời chỉ còn mưa lất phất rồi tạnh hẳn, mặt trời ló ra qua tầng mây như chào đón chúng tôi …

Đứng trên đỉnh núi ở độ cao gần 1500 mét, gió thổi vù vù, phía Tây là những rặng núi trùng trùng không dứt, phía Đông là biển Đông. Xa xa là những thửa ruộng xanh xanh như tô điểm cho đất trời … Đêm đó ở trên đỉnh núi trọc, chúng tôi không có củi để đốt, ăn sống mì gói, thiếu nước để uống, kiếm được một cái hố cạn và che chắn xung quanh để làm thành phòng của khách sạn “ngàn sao”.

Khi bóng đêm phủ xuống thì một cảnh tượng huyền ảo dần hiện ra phía bên dưới: một trời sao nhấp nháy. Các bạn có biết đó là gì không? Đó chính là những ánh đèn đô thị. “Vùng sao” rõ nhất là thành phố Đà nẵng sáng rực một góc phía Nam. Phía Bắc, xa hơn có một “chòm sao” nhỏ hơn, nơi đó là thành phố Huế thân thương của chúng ta! Tôi có cảm tưởng như đang ở “cõi tiên”, vừa cảm thấy lạc lõng vì cách xa đồng loại, quê hương nhưng cũng vừa thấy gần gũi vì tầm mắt ôm trọn cả một vùng xa …

Về khuya gió mạnh như bão, tôi chập chờn khi tỉnh khi mê. Mỗi khi tỉnh giấc tôi lại ngẫm nghĩ về cuộc leo núi, về cuộc sống và lòng tự hỏi đâu là ý nghĩa cuộc đời? Phải chăng ý chí con người là nhịp điệu cuộc sống? tình cảm là chất dinh dưỡng cho tinh thần, cũng là chất kết dính những tâm hồn cô đơn lại với nhau để cùng sống và tiến bộ …? Trí tuệ chân chính luôn hướng về chân lý và không phân biệt đối xử, chúng ta cần không ngừng huân tập những hiểu biết thật sự về cuộc sống xung quanh, về nghề nghiệp, về chính bản thân mình? Còn gì nữa các bạn ơi…?

HỒI 7: ĐƯỜNG VỀ VỚI “TINH THẦN BẠCH MÔ

Dọc đường thả bộ trở về, chúng tôi ít nói chuyện với nhau hơn nhưng dường như lại đăm chiêu, suy gẫm nhiều hơn vì trong mỗi chúng tôi đều có ấn tượng mạnh với chuyến hành trình đến với Bạch Mã ...

Trong chuyến đi này có không ít khó khăn, thử thách xuất hiện nhưng rồi với sự nổ lực của từng cá nhân, sự hòa đồng, động viên nhau trong Nhóm nên mọi khó khăn đều lùi lại đằng sau để nhường chổ cho những “bông hoa ý chí” mà chúng tôi thu nhặt được… Đây là một kinh nghiệm thực tiễn, một “tinh thần Bạch Mã” hết sức quý giá cho chúng tôi trong suốt cuộc đời còn dài phía trước của mình một khi phải đối diện với khó khăn, thử thách…

Riêng bản thân, cũng nhờ “tinh thần Bạch Mã” đó mà tôi trưởng thành nhanh chóng trong việc rèn luyện bản thân, trong công việc cũng như trong cuộc sống khi tha phương nơi xứ lạ … Tôi biết ơn Bạch Mã, xem đó như ngôi trường rèn luyện ý chí cho mình! Vào năm 2000, tôi một mình trở về thăm suối Chim Trĩ ở Bạch Mã trong vài ngày để hun đúc thêm nghị lực cho bản thân …

Sau này được biết rằng, Bạch Mã ngày xưa là địa điểm được chọn ở VN để tạo không gian rèn luyện ý chí và tinh thần đồng đội cho các huynh trưởng trong tổ chức Hướng Đạo. Một trong những thử thách “khắc nghiệt” nhất cho huynh trưởng là sống một mình hoặc một vài người trong rừng sâu với một số lương thực, vật dụng tối thiểu trong thời hạn … một tháng!

Trong thời đại ngày nay, dù khoa học kỹ thuật, thông tin và kinh tế phát triển mạnh mẽ nhưng ý chí, nổ lực vượt khó, tinh thần đồng đội (teamwork) của con người vẫn hết sức cần thiết! Nếu không có được nghị lực vượt khó mạnh mẽ và kỹ năng teamwork thuần thục thì doanh nhân, nhà khoa học và nhiều “nhà” khác khó có thể “vươn ra biển lớn” để hòa nhập toàn cầu và thành công!

Điều đáng lưu ý là ngành giáo dục của Việt Nam trong thời gian qua còn bỏ ngỏ những mục tiêu quan trọng này. Tôi có niềm tin rằng rằng thiếu sót trên sẽ sớm được khắc phục và Bạch Mã cũng như nhiều địa danh có điều kiện phù hợp khác trên khắp đất nước sẽ là những không gian lý tưởng giúp cho học sinh, sinh viên nói riêng và công dân Việt, công dân quốc tế nói chung rèn luyện bản lĩnh và các kỹ năng sống.

 

TS. Nguyễn Viết Thịnh 

(Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Tiền Giang - Một người con Xứ Huế)