03-12-2020
Sáng ngày 30/11/2020, sinh viên lớp Đại học Văn hóa học 20 (Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn) đã tổ chức thuyết trình trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam phục vụ cho học phần Nhân học văn hóa Việt Nam. Lần lượt, các nhóm sinh viên đã thuyết minh trang phục truyền thống của người Việt, người Khmer, người Thái và người H’Mông. Có thể nói, mỗi bộ trang phục truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam đều có nét riêng, thể hiện bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.
PGS.TS. Võ Ngọc Hà (Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang) chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể lớp ĐH Văn hóa học 20
Vượt qua giá trị trong vai trò một sản phẩm thời trang, chiếc áo dài đã đạt đến vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam.
Đã từ lâu, áo dài là một biểu tượng văn hóa gắn liền với hình tượng phụ nữ Việt Nam. Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt. Áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước.
Áo tứ thân là một trang phục truyền thống của Việt Nam
Không ai biết được cụ thể áo tứ thân ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng áo đã được xuất hiện trên hình khắc của trống đồng cách đây hàng nghìn năm. Tên gọi áo bắt nguồn từ khổ vải hẹp, hai khổ sau lưng và hai thân ở trước là tà áo. Áo tứ thân là một trang phục truyền thống của Việt Nam, làm nên sự đa dạng trong văn hóa. Đồng thời khoác lên mình chiếc áo tứ thân cũng cho thấy được nét phóng khoáng, duyên dáng của phụ nữ hiện đại. Chiếc áo tứ thân có ý nghĩa rất lớn trong việc tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Không chỉ có ý nghĩa với phụ nữ, thiết kế của áo tứ thân cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Phía trước áo có hai tà, phía sau hai tà tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, phần yếm trong tượng trưng cho cha mẹ đang ôm ấp con vào lòng. Ngày nay áo tứ thân đang được sử dụng nhiều trong những buổi biểu diễn, lễ hội nhằm mục đích vừa tôn vinh, vừa quảng bá hình ảnh truyền thống của người phụ nữ Việt Nam xưa.
Chiếc áo bà ba luôn gắn liền với phụ nữ Nam Bộ.
Nếu như người Bắc bộ thường gắp liền với chiếc áo tứ thân, áo yếm váy đụp thì người miền Nam lại xem chiếc áo bà ba như một phục trang quen thuộc. Áo bà ba đã góp phần tôn lên vẻ đẹp thuần hậu, mộc mạc và dịu dang của người phụ nữ vùng miệt vườn của sông nước Cửu Long. Áo bà ba thường được thiết kế không cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải cúc chạy dàu từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Áo có độ dài trùm qua mông, gần như bó sát thân làm tôn lên những đường cong của cơ thể người mặc. Áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 19, được Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Penang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt. Trương Vĩnh Ký một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời bấy giờ.
Trang phục truyền thống dân tộc Thái
Người thái bao gồm Thái trắng, Thái đen và Thái đỏ với khoảng 1,5 triệu người. Trang phục truyền thống nữ là váy (váy dài hoặc suông) được trang trí nhiều họa tiết hoa văn như hình mặt trời, hoa lá, rồng,… với hàng khuy bạc lấp lánh. Đi kèm là thắt lưng và khăn Piêu cùng một số trang sức bằng bạc. Còn nam giới thì mặc đơn giản, không có quá nhiều họa tiết. Nhìn bộ trang phục cũng đủ thoát lên nét đẹp dịu dàng của người con gái Thái.
Trang phục truyền thống dân tộc H’Mông
Trang phục truyền thống của dân tộc H’Mông lại có trang phục hết sức cầu kỳ và sặc sở. Đó là những bộ đồ thường làm bằng vải lanh cùng nhiều màu sắc nổi bật, hoa văn đa dạng, cầu kỳ. Thường bộ trang phục hoàn chỉnh của họ sẽ gồm áo xẻ cổ, váy xòe xếp ly, mũ đội đầu và xà cạp, có đính kèm các chuỗi hạt hay đồng xu để tăng thêm vẻ nổi bật cũng như thể hiện ý chí tâm linh truyền thống. Đối với người Mông Hoa và Mông Trắng, trang phục của họ chủ yếu tập trung các hoa văn thổ cẩm hình chữ nhật, hình thoi,… trên lưng áo. Còn của người Mông Đen, Mông Đỏ thì ở vùng tay áo và trước ngực. Váy của họ là váy xòe xếp ly, thường là màu trắng, đai thắt lưng dài có màu nổi bật như xanh, hồng,...
Trang phục truyền thống dân tộc Khmer
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trang phục truyền thống của người Khmer mang nhiều nét văn hóa hết sức độc đáo. Trang phục không chỉ mang tính thẩm mỹ riêng, mà còn phù hợp với cuộc sống lao động hàng ngày của người Khmer. Trang phục của người Khmer khá cầu kỳ với nhiều gam màu sặc sỡ và tinh thế với nét độc đáo riêng. Đặc biệt, nét đẹp trong trang phục truyền thống của người Khmer được thể hiện rõ nhất vào ngày cưới. Phụ nữ Khmer thường mặc nhiều loại váy khác nhau nhưng người ta thấy thường xuyên nhất là Sămpết chôn Kpal. Đây là loại váy được làm bằng vải rộng, khi vận quấn quanh người, phần còn lại luồn qua hai chân thành một loại quần phồng ngắn. Trang phục trong ngày cưới của chú rể người Khmer thường mang đậm tính truyền thống. Đó là bộ xà rông và áo ngắn bỏ ngoài màu đỏ, cổ đứng, xẻ đằng trước và cài khuy. Ngoài ra, chú rể còn quàng thêm loại khăn truyền thống lên vai trái.
ThS. Võ Văn Sơn (Giảng viên học phần Nhân học văn hóa Việt Nam) cho biết: Các dân tộc mang nhiều bản sắc độc đáo riêng, tạo nên một Việt Nam xinh đẹp, đa dạng sắc màu văn hóa. Trang phục truyền thống đã góp phần tạo nên dấu ấn riêng của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Cách ăn mặc của các dân tộc qua mỗi bộ trang phục đều mang những nét đẹp và ý nghĩa khác nhau, in dấu truyền thống văn hóa và phong tục của dân tộc đó.
SONG AN tổng hợp