31-12-2020
Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen cho Hội Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang vì Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện năm 2020.
Hàng năm, Hội Sinh viên Nhà trường phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Tiền Giang tổ chức vận động, tuyên truyền công tác hiến máu tình nguyện đến cán bộ, viên chức và sinh viên bằng nhiều hình thức như: gửi thư kêu gọi, gửi công văn đến các các khoa, phòng, trung tâm; thiết kế nội dung các khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền; chuyển kết quả xét nghiệm, tư vấn sức khoẻ cho người tham gia hiến máu; gửi thư cảm ơn, quan tâm, chăm lo sức khỏe người hiến máu.
Trong những năm gần đây, từ khi có sự phối hợp với Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Tiền Giang, Viện Huyết học TP. Cần Thơ, Nhà trường đã đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động, đổi mới cách thức lấy máu, phong trào hiến máu tình nguyện đặc biệt thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo viên chức và sinh viên nhà trường, tiêu biểu như:
Trong năm 2016, Trường Đại học Tiền Giang đã tổ chức thành công 2 đợt hiến máu tình nguyện thu được 478 đơn vị máu, vinh dự được UBND tỉnh tuyên dương khen thưởng tập thể đã có thành tích xuất sắc trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Năm 2017, trường đã tổ chức 03 đợt hiến máu tình nguyện thu được 771 đơn vị máu, vinh dự được Trung ương Hội Chũ Thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen vì Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện năm 2017 và UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen vì Đã có thành tích trong phong trào vận động, hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2008 - 2017. Năm 2018, Hội Sinh viên trường đã tổ chức Lễ hội Xuân hồng và 4 đợt hiến máu thu được 1.127 đơn vị máu, năm 2019 tổ chức 3 đợt hiến máu thu được 1.003 đơn vị máu. Năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên sinh viên không học tập trung vì vậy cũng gây không ít khó khăn trong công tác vận động hiến máu tình nguyện. Tuy vậy, Hội Sinh viên trường cũng đã nỗ lực vận động và tổ chức được 2 đợt hiến máu, thu được 787 đơn vị máu.
Những kết quả trên đây cho thấy viên chức, giảng viên và sinh viên Nhà trườngđã ý thức sâu sắc được trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của mình trong hoạt động hiến máu tình nguyện. Từ thực tiễn tại Trường Đại học Tiền Giang, để hoạt động hiến máu tình nguyện trở thành thường xuyên và có ý nghĩa tốt đẹp cho cộng đồng, ThS. Nguyễn Minh Quân, Hội Sinh viên Nhà trường đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác khảo sát, vận động, tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của viên chức, sinh viên đối với xã hội, với truyền thống đạo lý dân tộc.
Hai là, đổi mới các phương pháp tuyên truyền như:
- Đẩy mạnh hình thức có tuyên truyển, cổ động trực quan bằng các áp phích, biểu ngữ tại các địa điểm dễ nhìn sẽ có tác động trực tiếp đến cách nhìn nhận của cộng đồng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số, sử dụng các phương tiện, công cụ truyền thông hiện đại như mạng xã hội, trang thông tin điện tử,… phục vụ cho việc tuyên truyền, vận động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện.
- Công tác chăm lo trước, trong và sau hiến máu cũng cần được tiếp tục chú trọng. Có thể sử dụng các hình thức như: Gửi thư cảm ơn, thư mời hiến máu tình nguyện nhằm cảm ơn, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các cá nhân và tập thể tham gia hiến máu sau khi họ đã hiến máu tình nguyện xong. Qua đó, sẽ có tác dụng làm cho người đã hiến máu thấy được sự trân trọng, quan tâm, ý nghĩa, sự cống hiến, công lao một phần của mình đối với xã hội, từ đó sẽ làm lan tỏa sự vận động, tuyên truyền trong những lần hiến máu về sau.
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, ý nghĩa, hiểu biết về công tác hiến máu tình nguyện cho đội ngũ cán bộ và sinh viên làm công tác vận động hiến máu tình nguyện.
- Cần xây dựng hệ thống lưu trữ danh sách những người hiến máu tình nguyện (đặc biệt là những người hiến nhiều lần) để có kế hoạch gặp mặt và tôn vinh họ. Nên tổ chức lễ tôn vinh có quy mô, vì điều này sẽ có tác dụng làm cho người hiến máu tình nguyện cảm thấy hành động của họ được mọi người, được bạn bè, thầy cô, được xã hội ghi nhận, thúc đẩy tinh thần hăng hái, gương mẫu đi đầu trong hiến máu và vận động, tuyên truyền.
Ba là, cần xây dựng phong cách tuyên truyền viên hoà nhã, ân cần và chu đáo. Lựa chọn địa điểm hiến máu đảm bảo sạch đẹp, thoáng mát. Sau mỗi lần tổ chức hiến máu cần đánh giá về hiệu quả, rút ra những sáng kiến, kinh nghiệm, hình thức, cách làm hay, sáng tạo.
Bốn là, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào hiến máu nhân đạo.
Trong nhiều năm qua, phong trào Hiến máu tình nguyện của Hội Sinh viên Trường Đại học Tiền Giang đã có bước thay đổi cả về lượng và chất, có sức lan toả lớn. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” là lý tưởng sống cao đẹp mà của viên chức và sinh viên nhà trường hướng đến. Những giọt máu nghĩa tình không chỉ đem lại sự sống cho nhiều người mà còn nhân rộng tình cảm, sự sẻ chia, tinh thần tương thân tương ái giữa con người với con người.
VĨNH SƠN, NGUYỄN QUÂN